Sau hơn một tháng triển khai chương trình phổ thông mới, phụ huynh học sinh lớp 1 đã có những ý kiến trái chiều, đặc biệt nhiều phụ huynh phàn nàn về chương trình học quá nặng gây áp lực cho con. Nhận thấy những bất cập khi triển khai Tiếng Việt 1 theo chương trình mới, giáo viên và ban giám hiệu các trường chủ động thay đổi bằng cách vừa dạy học vừa điều chỉnh.
Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mê Linh (quận 3, TPHCm), việc trẻ không theo kịp chương trình khiến các phụ huynh bức xúc một phần là do giáo viên chưa chủ động, sáng tạo và đổi mới cách dạy. Khi triển khai chương trình học mới, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh giáo viên hoàn toàn làm chủ phương pháp, lên kế hoạch bài dạy, không chỉ coi SGK là pháp lệnh. Thực tế giáo viên đứng lớp với bộ sách đã chọn lại hoàn toàn khác
Thầy Hùng cho rằng vai trò của phòng chuyên môn và ban giám hiệu nhà trường là vô cùng quan trọng. Ban giám hiệu cùng giáo viên lớp 1 hướng dẫn, khuyến khích thầy cô chủ động, sáng tạo, điều chỉnh sao cho phù hợp điều kiện tiếp thu của học sinh. Nếu thấy các em học theo kịp thì giảm tải. Ở Trường Mê Linh, các phụ huynh cũng phản ánh các vấn đề từ đó giáo viên và nhà trường thay đổi cho phù hợp, không vội vàng thêm kiến thức mới.
Cô Bùi Thị Hải Yến, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh), cho biết sau thời gian ban giám hiệu dự giờ, nghe giáo viên phản ánh lại, nhà trường thấy các tiết Tiếng Việt 1 có khối lượng kiến thức nặng. Giáo viên thấy 40 phút một tiết là không đủ. Sau khi được Bộ GD&ĐT và sở giáo dục khuyến khích điều chỉnh cách dạy cho phù hợp với thực tế, tổ chuyên môn, giáo viên thống nhất tách việc đọc và viết thành hai tiết, giãn tiết học để đảm bảo học sinh tiếp thu tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM thừa nhận học sinh lớp 1 tại TP.HCM gặp khó với chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là môn Tiếng Việt. Để giải quyết vấn đề này, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1.
Cụ thể là phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học các môn học, hoạt động giáo dục. Giáo viên giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho trẻ. Đặc biệt phân bổ về thời lượng, thời điểm trong ngày, tuần, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.
Ban giám hiệu các trường tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, tận dụng các tiết thực hành, ôn tập để hướng dẫn học sinh nắm các kỹ năng cơ bản. Giáo viên cũng là người xác định yêu cầu của từng giai đoạn để học sinh nắm vững kiến thức, đồng thời điều chỉnh nội dung dạy học sao cho gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng học sinh.
Ví dụ với học sinh đọc chưa tốt thì chỉ nên yêu cầu đọc từ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn; còn với học sinh viết chưa tốt thì chỉ yêu cầu viết được chữ ghi âm mới, hướng đến viết đúng chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp...
Để tránh những áp lực đối với học sinh, phụ huynh, giáo viên ghi nhận sự tiến bộ, cố gắng cho dù nhỏ của từng em, có hình thức động viên, khen ngợi kịp thời, không chê bai hay phê bình học sinh. Với các em chưa tập trung hay tiếp thu bài chưa tốt thì giáo viên chủ động mời phụ huynh đến trao đổi, tư vấn, đưa ra các giải pháp phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên.
Đặc biệt, lãnh đạo sở nhấn mạnh giáo viên không giao bài tập về nhà đối với học sinh lớp 1 đã học 2 buổi/ngày ở trường.
Chương trình lớp 1 mới bị cho là quá tải khiến nhiều phụ huynh và học sinh bị áp lực
Sau 1 tháng trải nghiệm, SGK lớp 1 nhận được nhiều phản hồi từ giáo viên và các bậc phụ huynh là chương trình nặng và khó.