Cảnh báo thuốc giả tràn lan: Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ sức khỏe cả gia đình?

Sau khi đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả bị triệt phá, các chuyên gia cảnh báo phụ huynh cần đặc biệt thận trọng khi mua thuốc điều trị, nhất là qua mạng hoặc các kênh không chính thống.
Ảnh minh họa. Ảnh: Health
Ảnh minh họa. Ảnh: Health

Cả ngàn hộp thuốc giả đã ra thị trường

Chiều 16/4 vừa qua, Công an tỉnh Thanh Hóa công bố đã triệt phá thành công đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả có quy mô cực lớn do Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại Hà Nội) cầm đầu. Vụ án gây rúng động bởi 21 loại thuốc giả đã được tuồn ra thị trường với số lượng lên tới hàng chục ngàn hộp.

Công an TP. Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc. Ảnh: CATH
Công an TP. Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc. Ảnh: CATH

Các loại thuốc bị làm giả chủ yếu là thuốc điều trị xương khớp và tân dược phổ biến, như: Tetracyclin, Clorocid, Neo-Codion, Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn, Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn, thuốc Gai cốt hoàn, thuốc đa xoang mũi, Yuan Bone, thuốc khớp "xanh"... Những cái tên quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi hoặc cha mẹ thường xuyên mua thuốc cho người thân.

Theo công an, số thuốc giả này được tiêu thụ chủ yếu qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và các tiệm thuốc nhỏ lẻ, nơi người tiêu dùng thường khó kiểm tra nguồn gốc và giấy tờ hợp lệ.

Cảnh báo từ Bộ Y tế, nguy cơ vẫn tiềm ẩn

Ông Tạ Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, sau khi vụ việc bị phanh phui, Bộ đã gửi văn bản hỏa tốc đến Sở Y tế Thanh Hóa và các địa phương, yêu cầu rà soát, thu hồi toàn bộ số thuốc giả đã phát hiện.

Điều đáng chú ý, theo TS. Hùng, hiện chưa phát hiện các loại thuốc giả này trong hệ thống bệnh viện công lập, do các sản phẩm này không đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, phần lớn chúng đã len lỏi vào thị trường tự do và môi trường trực tuyến, nơi việc kiểm soát vô cùng khó khăn.

Mỗi năm, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và các đơn vị liên quan kiểm tra khoảng 40.000 mẫu thuốc để giám sát chất lượng. Tuy nhiên, với thủ đoạn tinh vi ngày càng tinh xảo của các đối tượng, nguy cơ thuốc giả vẫn luôn tiềm ẩn ngoài luồng giám sát.

Cha mẹ cần làm gì để tránh mua phải thuốc giả?

Với tình hình đáng lo ngại hiện nay, đặc biệt khi nhiều loại thuốc làm giả nhắm đến nhóm điều trị phổ biến cho người già và người mắc bệnh mạn tính, cha mẹ cần hết sức cảnh giác khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho bản thân và người thân trong gia đình.

Người tiêu dùng tìm hiểu thông tin các loại dược phẩm lưu hành trên thị trường. Ảnh: HẢI ANH
Người tiêu dùng tìm hiểu thông tin các loại dược phẩm lưu hành trên thị trường. Ảnh: HẢI ANH

Tuyệt đối không mua thuốc qua mạng xã hội, các website không rõ nguồn gốc: Nhiều đối tượng lừa đảo lợi dụng lòng tin, sự tiện lợi để chào bán thuốc không rõ nguồn gốc với lời quảng cáo hấp dẫn.

Tuyệt đối không tin vào quảng cáo “thuốc xách tay”, “thuốc gia truyền”, “thuốc đặc trị” không rõ nguồn gốc được rao bán trên Facebook, Zalo, TikTok, các hội nhóm, sàn thương mại điện tử không uy tín.

Ưu tiên các nhà thuốc được cấp phép hoạt động, có chứng nhận "Thực hành tốt nhà thuốc" (GPP), là thành viên của hệ thống bệnh viện hoặc chuỗi nhà thuốc uy tín. Tránh mua thuốc tại các quầy thuốc nhỏ lẻ không có biển hiệu rõ ràng, không có dược sĩ phụ trách.

Chú ý mã vạch, tem chống giả, số lô sản xuất, hạn sử dụng. Nên sử dụng ứng dụng quét mã QR hoặc mã vạch để tra cứu nguồn gốc thuốc trên hệ thống của Bộ Y tế hoặc các nền tảng uy tín.

Không tự ý mua thuốc theo lời truyền miệng hoặc quảng cáo. Với thuốc điều trị bệnh lý như xương khớp, dạ dày, huyết áp... cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Theo dõi phản ứng sau khi sử dụng thuốc, nếu có dấu hiệu bất thường (dị ứng, đau bụng, buồn nôn, không hiệu quả...), nên ngừng dùng và báo ngay với cơ sở y tế.

Trang bị kiến thức cơ bản về thuốc cho cả gia đình, hướng dẫn con trẻ không sử dụng thuốc linh tinh hoặc chia sẻ thuốc cho người khác.

Phần lớn các loại thuốc giả hiện nay được phát hiện là tiêu thụ qua kênh bán lẻ online và môi trường mạng, nơi người dùng rất khó kiểm chứng được chất lượng và xuất xứ.

Nếu có dấu hiệu tẩy xóa, in mờ, nhòe mực hoặc không khớp giữa thông tin trên vỏ hộp và vỉ thuốc, tuyệt đối không nên sử dụng.

Nhiều loại thuốc giả được bán với mức giá rẻ hơn nhiều so với giá niêm yết để thu hút người mua. Tuy nhiên, thuốc chính hãng thường có giá cố định và được phân phối qua các kênh kiểm soát nghiêm ngặt.

Việc giữ lại hóa đơn mua hàng và bao bì thuốc sẽ giúp cha mẹ dễ dàng truy xuất nguồn gốc và có bằng chứng nếu xảy ra sự cố y tế hoặc cần phản ánh tới cơ quan chức năng.

Ngoài ra, việc lưu trữ thông tin thuốc cũng hữu ích trong việc tái khám, theo dõi tình trạng điều trị.

Khi phát hiện bất thường về chất lượng thuốc (màu sắc, mùi vị lạ, không có hiệu quả, có phản ứng phụ...), cần ngưng sử dụng ngay và báo với dược sĩ, bác sĩ điều trị hoặc cơ quan chức năng như Cục Quản lý Dược, Sở Y tế địa phương.

Cha mẹ cũng có thể gửi thông tin đến Tổng đài Bộ Y tế 1900 9095 hoặc phản ánh qua Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh dược phẩm của Bộ Y tế.

Hoàng Toàn

8 chiến lược nuôi dạy con xuất sắc, cha mẹ nào cũng nên nắm chắc

8 chiến lược nuôi dạy con xuất sắc, cha mẹ nào cũng nên nắm chắc

Trong xã hội hiện đại, thành công không chỉ là điểm số hay bằng cấp, mà còn là khả năng vượt qua thử thách và phát triển trí tuệ cảm xúc.