Khi con là nạn nhân của bạo lực học đường: Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con?

Khi con trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, phản ứng kịp thời và đúng đắn của cha mẹ đóng vai trò then chốt trong việc giúp con vượt qua tổn thương và tìm lại sự an toàn.
Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Mới đây, tại phường Tam Bình, TP Thủ Đức (TP.HCM), dư luận không khỏi phẫn nộ trước đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một nhóm nữ sinh thay phiên nhau đánh đập một bạn học. Cú đá, cú đấm và cả mũ bảo hiểm trở thành “vũ khí” trong tay những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Nạn nhân chỉ biết ôm đầu chịu trận, không có cơ hội phản kháng. Vụ việc thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Không đơn thuần là hành vi bột phát giữa học sinh với nhau, bạo lực học đường dưới bất kỳ hình thức nào đều tiềm ẩn những hệ lụy nghiêm trọng về thể chất và tinh thần. Trong vụ việc tại TP Thủ Đức, dù chưa có kết luận chính thức từ phía nhà trường và cơ quan chức năng, nhưng sự phẫn nộ của dư luận là hoàn toàn dễ hiểu.

Chị Trần Tú Quyên (quận Đống Đa, Hà Nội), mẹ của một nữ sinh lớp 7 chia sẻ: “Tôi rùng mình khi xem clip. Con tôi cũng là học sinh, và tôi không thể tưởng tượng nếu một ngày con mình rơi vào tình cảnh đó thì sẽ ra sao. Chỉ một phút giây bị hành hung có thể ám ảnh con suốt cả quãng đời còn lại”.

Không phải trẻ nào cũng lên tiếng khi bị bạo lực

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em bị bạo lực học đường thường mang tâm lý sợ hãi, xấu hổ, thậm chí tự đổ lỗi cho bản thân. Chính vì vậy, nhiều em chọn cách im lặng thay vì tìm đến người lớn. Một số khác lại phản ứng tiêu cực như bỏ học, trầm cảm, tự gây tổn thương bản thân, hoặc có ý nghĩ tự tử.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam – chuyên gia tâm lý giáo dục, Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội): “Có trẻ bị bạo lực nhiều năm mà bố mẹ không hề hay biết. Đó là bởi cha mẹ ít quan tâm đến cảm xúc con, hoặc con từng nói nhưng không được tin tưởng, không được bảo vệ. Việc xây dựng một mối quan hệ đủ thân, đủ tin là điều cực kỳ quan trọng để trẻ có thể chia sẻ khi gặp vấn đề.”

5 việc cha mẹ nên làm ngay khi con là nạn nhân của bạo lực học đường

Thứ nhất, giữ bình tĩnh và tin con: Khi biết con bị bạo lực, phản ứng đầu tiên của cha mẹ thường là tức giận hoặc hoảng loạn. Tuy nhiên, đây là lúc cần giữ bình tĩnh để xử lý sự việc một cách tỉnh táo. Việc đầu tiên là lắng nghe con, thể hiện niềm tin và sự cảm thông. Tránh tra hỏi dồn dập hoặc đổ lỗi cho con vì không “mạnh mẽ” hơn.

Thứ hai, ghi nhận sự việc bằng chứng rõ ràng: Cha mẹ nên thu thập các bằng chứng liên quan (clip, hình ảnh, lời kể của bạn học...), đồng thời ghi chép chi tiết diễn biến sự việc từ lời kể của con. Những bằng chứng này sẽ rất cần thiết khi làm việc với nhà trường hoặc cơ quan chức năng.

Thứ ba, làm việc với nhà trường: Cần gặp trực tiếp giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu để phản ánh vụ việc và yêu cầu nhà trường có biện pháp xử lý kịp thời. Phụ huynh cũng nên yêu cầu được thông báo kết quả xử lý bằng văn bản nếu sự việc nghiêm trọng.

Thứ tư, cân nhắc hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp: Dù con có vẻ “ổn” sau vụ việc, cha mẹ cũng nên đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý để đánh giá mức độ ảnh hưởng. Nhiều tổn thương tâm lý không thể hiện ngay mà tích tụ và bộc phát sau đó dưới nhiều hình thức nguy hiểm.

Thứ năm, hướng dẫn con kỹ năng tự bảo vệ bản thân: Trang bị cho trẻ các kỹ năng tự vệ, phản ứng khi bị bắt nạt, cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn... là những hành trang thiết yếu giúp con an toàn hơn. Cha mẹ có thể cùng con tham gia các lớp học kỹ năng sống, hoặc đơn giản là tạo ra các tình huống giả định để luyện tập phản xạ.

Bạo lực học đường không còn là “chuyện của trẻ nhỏ”

Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 5 năm gần đây, mỗi năm cả nước ghi nhận hơn 1.500 vụ việc bạo lực học đường được phản ánh chính thức. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều lần do phần lớn nạn nhân và phụ huynh chọn cách im lặng hoặc “tự giải quyết”.

Luật Trẻ em 2016 và Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định rõ: Mọi hành vi xâm hại thể chất và tinh thần của trẻ em đều vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự, hành chính tùy mức độ. Do đó, cha mẹ hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan công an vào cuộc nếu con bị đánh đập, xâm phạm thân thể nghiêm trọng tại trường học.

Vai trò của cộng đồng rất quan trọng, đừng để trẻ “một mình chống chọi”: Việc xây dựng môi trường học đường an toàn không chỉ là trách nhiệm của nhà trường hay phụ huynh, mà còn là nhiệm vụ của cả cộng đồng. Khi một vụ bạo lực xảy ra, sự im lặng của những người chứng kiến từ bạn bè, giáo viên đến người lớn chính là gián tiếp tiếp tay cho cái xấu.

Cần nhiều hơn những giờ học về giáo dục cảm xúc, kỹ năng ứng xử và sự đồng cảm trong nhà trường. Chỉ khi học sinh hiểu được nỗi đau của người khác, các em mới có thể tự điều chỉnh hành vi.

Không một đứa trẻ nào đáng phải chịu đựng bạo lực trong môi trường đáng lẽ phải là nơi an toàn nhất là trường học. Khi con là nạn nhân, điều con cần không phải là sự hoảng loạn của người lớn, mà là một điểm tựa vững vàng để vượt qua nỗi sợ và lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Cha mẹ chính là những người có thể làm điều đó nếu đủ yêu thương, tỉnh táo và hành động kịp thời.

Hoàng Toàn

'Xiên bẩn', kẹo 'mắt' cổng trường: Mối lo ngộ độc thực phẩm rình rập học sinh

"Xiên bẩn", kẹo "mắt" cổng trường: Mối lo ngộ độc thực phẩm rình rập học sinh

"Xiên bẩn" không rõ nguồn gốc, kẹo "mắt" tiềm ẩn hóa chất độc hại đang bủa vây cổng trường, trở thành nỗi ám ảnh thường trực của phụ huynh và nhà trường.