"Cách biệt cộng đồng": Phương pháp kiểm soát dịch bệnh của Mỹ

Các chuyên gia của Mỹ cho rằng, biện pháp "cách biệt cộng đồng" sẽ hiệu quả hơn ở Mỹ so với phong tỏa thành phố như ở Trung Quốc.

Ngày 20/1, Mỹ phát hiện ca nhiễm virus Covid-19 đầu tiên, đó là một bệnh nhân từ Vũ Hán trở về, sau đó những ca nhiễm mới tăng khá chậm nhưng sau 2 tháng lại tăng đột biến. Hiện Mỹ đã ghi nhận hơn 9.000 ca nhiễm bệnh, 150 ca tử vong. Điều này làm dấy lên nhiều lo ngại, nếu ca nhiễm cứ tăng gấp đôi sau 3 ngày, Mỹ sẽ có khoảng 100 triệu người mắc virus Covid-19 vào tháng 5. 

Tuy nhiên, Mỹ cho rằng tốc độ tăng ca nhiễm mới sẽ được kiểm soát nếu người dân Mỹ thực hiện biện pháp "cách biệt cộng đồng", hạn chế ra ngoài, hạn chế đến những nơi công cộng. So với biện pháp phong tỏa thành phố hay xét nghiệm, khoanh vùng trên diện rộng của Trung Quốc, đây được coi là phương pháp được cho là hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh tại Mỹ. 

Washington Post mô phỏng phương án kiểm soát bệnh trong cộng đồng dân cư 200 người và đặt ra căn bệnh "simulitis" với khả năng lây lan mạnh hơn Covid-19, virus có thể lây lan khiến người khỏe mạnh nhiễm bệnh ngay sau khi tiếp xúc. Tuy nhiên người đã khỏi không thể truyền virus và không bị tái nhiễm nếu tiếp xúc với người bệnh. Số người nhiễm simulitis nhanh chóng tăng vọt và đạt đỉnh, khiến toàn bộ cộng đồng nhiễm bệnh nếu không kiểm soát tốt. Quá trình này sẽ kéo dài hơn nhiều tại những khu vực dân cư lớn.

Đối với Mỹ, nỗ lực phong tỏa cộng đồng không có tác dụng triệt để như ở Trung Quốc vì có nhiều khả năng vẫn có thể để lọt người bệnh. Hơn nữa, chính quyền Mỹ không được công bố dữ liệu cá nhân của người bệnh, điều này gây khó khăn cho việc khoanh vùng lây nhiễm. 

Cựu quan chức sức khỏe thành phố Baltimore, giải thích lý do hình thức cách ly đô thị không khả thi tại Mỹ là do nhiều người làm việc trong thành phố, cư trú ngoại ô, họ chưa chắc đã sẵn sàng tách khỏi gia đình, việc tiếp tế lương thực cho người dân cũng là một thử thách lớn. 

"Thực tế là phương án phong tỏa rất hiếm khi được áp dụng và khó đạt hiệu quả", Lawrence O. Gostin, giáo sư luật y tế tại Đại học Georgetown, nêu quan điểm.

"Cách biệt cộng đồng" là một biện pháp cần kíp vào lúc này, mọi người sẽ phải giữ khoảng cách, ít tập trung đông, hạn chế tiếp xúc với người khác. Nếu ai có việc phải ra ngoài thì đó là do họ có việc quan trọng hoặc họ đang chống đối mệnh lệnh. Nhóm người này không chỉ dễ nhiễm bệnh mà còn là nguồn lây nhiễm lớn nhất trong cộng đồng.

Tốc độ lây nhiễm sẽ giảm đáng kể nếu 75% dân số thực hiện "cách biệt cộng đồng". Mỹ cũng tiến hành đóng cửa nhiều nơi, giảm cơ hội tập trung để người dân thực hiện duy trì cách biệt cộng đồng. Các nhà nghiên cứu cho biết, tỷ lệ người dân hạn chế di chuyển nếu tăng lên 87,5%, sẽ không còn khả năng lây nhiễm trên diện rộng. 

Harry Stevens, một cây bút của Washington Post nhận xét: "Simulitis không phải Covid-19, những thử nghiệm mô phỏng này cũng đơn giản hóa rất nhiều yếu tố phức tạp ngoài đời thực. Tuy nhiên, nó cho thấy hành động của một người có thể gây ra hiệu ứng lan truyền và ảnh hưởng tới cả những người không liên quan".

Một yếu tố quan trọng không có trong thử nghiệm là tỷ lệ tử vong. Simulitis không gây chết người, trong khi Covid-19 đã khiến gần 9.000 người chết trên toàn thế giới.

"Nếu muốn thử nghiệm này thực tế hơn, một số ca nhiễm bệnh nên biến mất khỏi bản đồ mô phỏng", chuyên gia Harris nói.

Thanh Mai

Bộ Y tế chỉ định Trường Đại học Y Hà Nội xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho người nhập cảnh từ châu Âu, Anh và Mỹ

Bộ Y tế chỉ định Trường Đại học Y Hà Nội xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho người nhập cảnh từ châu Âu, Anh và Mỹ

Bộ Y tế đã chỉ định Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức lấy mẫu và xét nghiệm COVID-19, phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch.