Cách nhận biết thiếu oxy máu

Khi bệnh nhân COVID-19 bị hạ oxy máu, nếu không được hỗ trợ thở oxy kịp thời có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Dấu hiệu nhận biết nồng độ oxy thấp

SpO2 là độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi, thuộc một trong những chỉ số giúp cảnh báo sớm F0 chuyển nặng, nhưng không phải dấu hiệu nhận biết người mắc COVID-19.

Theo đó nếu chỉ số thấp hơn 92%, bệnh nhân cần được hỗ trợ hô hấp, nhập viện và theo dõi sát diễn tiến tình trạng suy hô hấp.

Theo Báo sức khỏe đời sống, khi nhiễm COVID-19, các virus tấn công vào các phế nang, làm các phế nang phù nề, tăng tiết dịch, lòng các phế nang và các phế quản nhỏ bị dịch tiết lấp đầy… nên không khí hít vào không trao đổi được oxy với máu, khiến người bệnh bị hạ oxy máu. Lúc này, nếu không được hỗ trợ thở oxy kịp thời có thể gây nguy hiểm tính mạng người bệnh.

5-tieu-chi-chon-mua-may-do-nong-do-oxy-trong-3.jpg

Máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) giúp bệnh nhân COVID-19 phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy trong máu, để được can thiệp kịp thời khi trở nặng.

Mục đích của đo chỉ số SpO2 nhằm phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy máu của người bệnh, trước khi có các dấu hiệu trên lâm sàng như tím tái.

Chỉ số hiện trên máy đo SpO2 thể hiện tỷ lệ phần trăm từ 0-100%. SpO2 bình thường là ≥ 97%, tức tình trạng oxy hóa trong máu được xem là đảm bảo. Nếu chỉ số dao động 97-92%, vẫn còn trong giới hạn chấp nhận được, người bệnh theo dõi tại nhà.

Nếu không có máy đo thì ta có thể dựa vào các dấu hiệu trên người bệnh để phát hiện tình trạng thiếu oxy máu: Cảm giác hụt hơi, thiếu không khí, há miệng ra thở,

Nhịp thở trên 25 lần/phút, mạch trên 100 lần/phút. Da nhợt nhạt, môi và đầu ngón chân tay tím. Cảm giác hốt hoảng, vật vã. Nặng hơn nữa thì đi vào li bì hôn mê.

Các cách hỗ trợ thở oxy trong điều trị bệnh nhân COVID-19

Nếu thấy người bệnh có một vài dấu hiệu trên hoặc SpO2 giảm dưới 94 thì ngay lập tức cho người bệnh thở oxy và liên hệ với nhân viên y tế hỗ trợ.

Bình oxy: Chứa oxy được nạp ở nhà máy dưới áp suất cao 150 Bar (gấp 150 lần áp suất khí quyển, hay nói cách khác oxy được nén lại 150 lần). Bình dùng tại nhà thể tích thường là 10lít, 14lít. Bình to dùng trong bệnh viện cỡ 40 lít.

Máy tạo oxy: Các máy nhỏ dùng tại nhà, tốc độ thường có 2 loại: loại nhỏ 3 lít/ph, loại lớn 5 lít/ph. Đây thực chất là máy lọc oxy, trong không khí chúng ta đang thở vốn đã có 21% là oxy. Máy này sẽ bơm không khí qua các quả lọc có hạt Zeolite, quả lọc này giữ khí ni tơ lại, chỉ cho oxy đi qua, tạo nên oxy tinh khiết.

Oxy hóa lỏng: Đây là nguồn oxy sản xuất công nghiệp, bằng cách hóa lỏng không khí để tách riêng oxy ra. Oxy hóa lỏng được cung cấp bằng xe bồn cho các bệnh viện lớn.

Oxy lỏng chứa trong các tháp lớn để ở ngoài trời và được gia nhiệt từ từ để trở thành oxy khí, đi theo các đường ống dẫn đến các phòng cấp cứu. Oxy lỏng có giá thành rất rẻ, cung cấp tập trung trong bệnh viện.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên dự trữ bình oxy trong nhà bởi thiết bị này phải được kiểm soát lưu lượng dòng, kiểm soát áp suất nên cần người có chuyên môn sử dụng.

Đối với các trường hợp bệnh nhân COVID-19 có xuất hiện tình trạng suy hô hấp, khó thở thì việc sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp là điều cần thiết. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp bệnh nhân COVID-19 đều cần đến thở máy.

Theo dữ liêu được ghi nhân trong đợt dịch lần này, có khoảng 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng nhẹ, chỉ khoảng 5% số ca cần thở ôxy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm nhập và 1,3% số ca thở máy xâm nhập.

HẢI MY