Cầm 150 triệu đồng mở quán cafe nhưng "vỡ mộng", cô gái rút ra điều quan trọng nhất khi tự kinh doanh

Dù có thu nhập từ công việc chính, cô gái vẫn quyết định mở cửa hàng khởi nghiệp vì muốn nhanh làm giàu.

“Mình quyết định mở quán cafe vì nhận thấy làm công ăn lương cả đời không giàu được. Mình cũng muốn tạo thu nhập thụ động để phòng trường hợp kinh tế khó khăn hoặc có bão sa thải như hiện nay. 

Một lý do quan trọng không kém là bố mẹ đã về già, tiền lương hưu không nhiều. Vì vậy, nếu quán cafe làm ăn tốt, bố mẹ có thể thay mình làm quản lý cho quán, từ đó có đồng ra đồng vào", Ngọc Hà (Hà Nội) nói về quyết định khởi nghiệp đầu tiên ở tuổi 28.

Khởi nghiệp chưa bao giờ là hành trình màu hồng, đặc biệt với những người trẻ lần đầu tìm tòi kinh doanh như Ngọc Hà. Cô tự nhận bản thân đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc: vui mừng khi “đứa con đầu lòng" được khai trương, hoang mang vào thời điểm lượng khách bỗng sụt giảm, thất vọng về bản thân khi nghĩ đến ngày phải đóng cửa quán… 

Tuy nhiên, sau hơn một năm mở cửa hàng, quán cafe của Ngọc Hà vẫn tồn tại. Quán bắt đầu có những đồng lợi nhuận đầu tiên và dạy cho cô nhiều bài học về hành trình khởi nghiệp. 

Cầm 150 triệu đồng về quê mở quán cafe và những bài học

Trước khi mở quán cafe, Ngọc Hà làm nhân viên văn phòng, nhận lương 30 triệu đồng. Ngoài ra, cô còn có công việc freelancer, tháng cao nhất kiếm thêm được 10 triệu đồng. Ngọc Hà thấy thu nhập này không thấp, nhưng với “máu liều" trong người nên cô muốn có thêm một công việc kinh doanh riêng để nhanh chóng làm giàu.

Thời gian đầu mới mở quán, do còn hợp tác thêm với một người bạn đã có kinh nghiệm trong ngành F&B, cô có thể thu xếp thời gian làm cùng lúc hai công việc là nhân viên văn phòng và chủ quán cafe. Thời gian về sau, Ngọc Hà đã tách ra kinh doanh riêng. Tuy nhiên, cô vẫn có thể tiếp tục làm hai công việc nhờ hoạt động của quán đã đi vào ổn định, đồng thời Ngọc Hà còn nhờ bố mẹ ở quê phụ giúp trông coi quán.

Ngọc Hà chọn mở quán cafe ở quê (ngoại thành Hà Nội) vì không mất tiền thuê mặt bằng, chi phí vận hành thấp và mức độ cạnh tranh không khốc liệt như kinh doanh ở trung tâm (Ảnh minh hoạ)
Ngọc Hà chọn mở quán cafe ở quê (ngoại thành Hà Nội) vì không mất tiền thuê mặt bằng, chi phí vận hành thấp và mức độ cạnh tranh không khốc liệt như kinh doanh ở trung tâm (Ảnh minh hoạ)

Dự tính ban đầu của Ngọc Hà khi mở quán là thu được lợi nhuận sau 3 tháng hoạt động. Tuy nhiên, thực tế không lý tưởng như cô tính toán. Chỉ trong 6 tháng mở quán, Ngọc Hà đầu tư vào quán 150 triệu đồng nhưng vẫn không thu được một đồng tiền lãi. 

“Tháng đầu mình mất tầm 60 - 70 triệu đồng cho quán, dù bản thân có lợi thế sẵn là không tốn tiền thuê mặt bằng. Trong đó, mình mất 50 triệu đồng để chuẩn bị cho quán trước ngày khai trương, bao gồm tiền sửa sang lại mặt bằng, chạy quảng cáo tiếp cận khách hàng… Số tiền còn lại là để mua nguyên vật liệu. 

Khi bắt tay vào làm, mình bỗng phát hiện có nhiều khoản chi phí phát sinh, chủ yếu ở phần thô. Đơn cử như cửa sổ tại các phòng nhỏ hơn mình tưởng nên bản thân cần thay đổi hầu hết thiết bị chiếu sáng. Ngoài ra, gần đến ngày khai trương mình thấy đồ trang trí quán không đẹp, nên đã đề nghị đối tác sửa lại. Thành quả khá vừa ý mình nhưng đổi lại bản thân cũng mất thêm số tiền kha khá”, Ngọc Hà cho hay.

Trong 6 tháng đầu khởi nghiệp, tháng kiếm được lợi nhuận cao nhất cũng chỉ đủ để cô xoay vòng vốn kinh doanh. Sau nửa năm mở cửa hàng, điều Ngọc Hà lo hơn cả là số lượng khách hàng ngày càng giảm. Cuối cùng, cô chủ đã tự mình tìm hiểu và rút ra những nhân tố khiến tình hình kinh doanh thất bại như sau:

- Về giá thành đồ uống: Ban đầu, Ngọc Hà đặt mức giá đồ uống dao động từ 40-60 ngàn đồng/cốc. Mức giá này còn cao so với mặt bằng chung những quán cafe ở vùng ngoại thành.

- Về cơ sở vật chất: Thời điểm quán của Ngọc Hà mở ra vào mùa hè. Vì muốn tiết kiệm chi phí vận hành nên cô chọn điều hòa công suất thấp. Vào thời điểm quán vắng khách, nhân viên còn tắt điều hoà và chuyển sang dùng quạt cây. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng khách ghé quán giảm đột biến sau một mùa hè.

Bên cạnh đó, Ngọc Hà còn nhận thấy sau thời điểm đông khách, nhân viên để quán tương đối bừa bộn. Nhân viên cũng không ý thức dọn bàn sau khi khách cũ rời đi, khiến tổng thể quán trông lộn xộn và có nhiều rác.

- Về chất lượng đồ uống: Sau khi tiến hành đo phản hồi từ khách hàng, Ngọc Hà nhận thấy phần đông đánh giá đồ uống của quán cô khá ngọt. Một số món đồ ăn vặt khác như bánh pizza, mì cay… cũng nhận được nhiều phản hồi không tích cực từ phía khách hàng như “mì quá cay", “pizza khô", “pizza khi mang ra còn bị nguội"...

Từ những đánh giá này, Ngọc Hà đã có điều chỉnh trong kinh doanh để cải thiện chất lượng quán, cũng như đào tạo lại nhân viên bán hàng. Trong những tháng tiếp theo, tình hình kinh doanh của quán đã dần đi vào ổn định. Đến thời điểm hiện tại, sau khi trừ đi tất cả chi phí, Ngọc Hà có thể thu về 10-20 triệu đồng/tháng lợi nhuận.

Ngọc Hà cho rằng việc lắng nghe tốt khách hàng là điều quan trọng nhất với mọi mô hình kinh doanh (Ảnh minh hoạ)
Ngọc Hà cho rằng việc lắng nghe tốt khách hàng là điều quan trọng nhất với mọi mô hình kinh doanh (Ảnh minh hoạ)

Lời khuyên cho người trẻ dự định về quê làm việc, tự kinh doanh

Từ trải nghiệm cá nhân, Ngọc Hà cho rằng điều khó khăn nhất với cô trong lần đầu khởi nghiệp không phải là từ vốn, nguồn hàng mà là tâm lý khi quản lý kinh doanh. 

“Nếu việc kinh doanh của bạn có dấu hiệu đi xuống, như quán nhận được phản hồi không tốt, số lượng khách hàng giảm, bạn cần bình tĩnh để tìm hiểu kỹ nguyên nhân. Có một tâm lý tốt sẽ giúp bạn tìm hiểu ra vấn đề của mô hình kinh doanh, từ đó hướng đến cách giải quyết”, Ngọc Hà chia sẻ.

Với những người trẻ có dự định về quê làm việc, Ngọc Hà cho rằng bạn nên đánh giá đúng tình hình thị trường lao động ở đây. Cơ hội làm việc lúc nào cũng có, miễn là bạn tìm thấy thế mạnh cá nhân và biết cách phát huy chúng.

“Cơ hội phát triển nghề nghiệp là một yếu tố mà bạn nên cân nhắc. Ví dụ, nếu có người nói mình về quê để làm công việc văn phòng thì mình chắc chắn nói ‘Không'. Bởi cơ hội việc làm của ngành này tại quê mình không có, lương sẽ giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, mình thấy tiềm năng ngành F&B của quê mình có nhiều hơn. Bởi tại thời điểm mình mở cửa hàng, có ít quán chú trọng vào nâng cao khâu nhân sự, chất lượng sản phẩm như quán mình". Ngọc Hà chia sẻ.

Vân Anh

Các công ty khởi nghiệp tiêu dùng Đông Nam Á tập trung vào quỹ mới First Move

Các công ty khởi nghiệp tiêu dùng Đông Nam Á tập trung vào quỹ mới First Move

Joel Neoh và Audra Pakalnyte, cựu giám đốc điều hành của Fave, đã cùng nhau tạo ra First Move. Quỹ giai đoạn đầu mới này tìm cách hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tập trung vào người tiêu dùng trên khắp Đông Nam Á, cung cấp nền tảng cho sự đổi mới và định hình tương lai của ngành công nghệ tiêu dùng trong khu vực.