Cảnh giác với app lừa đảo đầu tư chứng khoán trên mạng

Thời gian đầu, các app này để người đầu tư có lãi, kích thích nạp thêm tiền. Sau đó, đối tượng sẽ tư vấn để "con mồi" nạp tiền nhiều hơn rồi sẽ khóa app, không cho rút tiền. Nhiều người đã trở thành nạn nhân, bị lừa đảo chiếm đoạt, không rút được tiền đầu tư.

Ngày 18/5, Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, nắm bắt được tâm lý người dân ngày càng quan tâm đến kênh đầu tư chứng khoán, các đối tượng tội phạm đã lập các app lừa đảo trên không gian mạng. Đáng chú ý, do thiếu thông tin và nhẹ dạ, cả tin, nhiều nhà đầu tư đã "sập bẫy" lừa đảo, mất hàng trăm triệu đồng.

Theo Công an thành phố Hà Nội, với cam kết lợi nhuận "khủng", đòn bẩy cao gấp nhiều lần, thậm chí là được mua cổ phiếu ưu đãi giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường, những lời quảng cáo này đã dụ dỗ được rất nhiều nhà đầu tư.

Cảnh giác với app lừa đảo đầu tư chứng khoán trên mạng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Thời gian đầu, các app này để người đầu tư có lãi, kích thích nạp thêm tiền. Sau đó, đối tượng sẽ tư vấn để "con mồi" nạp tiền nhiều hơn rồi sẽ khóa app, không cho rút tiền. Nhiều người đã trở thành nạn nhân, bị lừa đảo chiếm đoạt, không rút được tiền đầu tư.

Điển hình như: Trường hợp chị P (sinh năm 2003, hộ khẩu thường trú tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) có tham gia nhóm học tập, trao đổi kinh nghiệm về chứng khoán. Chị P được hướng dẫn tải app "Gold Finger" để đầu tư.

Chị P chơi thử, nạp 27 triệu đồng thì rút được 33 triệu đồng trên app. Thấy lợi nhuận cao, chị P đã nạp thêm hơn 400 triệu đồng để đầu tư nhưng không rút được tiền ra. Sau đó, chị P có liên hệ bên quản lý app thì được yêu cầu đóng phí 10% mới được rút tiền. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, chị P đã đến Công an quận Đống Đa trình báo sự việc, theo TTXVN.

Trước tình trạng trên, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, người dân cần thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app không rõ nguồn gốc để tránh bị lừa đảo.

Mọi người có thể tìm hiểu về các app, dịch vụ, sản phẩm đầu tư của các công ty quản lý quỹ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép tại website của các công ty quản lý quỹ.

Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần đến cơ quan Công an nơi gần nhất trình báo sự việc, để được hỗ trợ, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Một trong những nguyên tắc hoạt động bất di bất dịch của thị trường chứng khoán đó là nguyên tắc trung gian. Các lệnh giao dịch trên thị trường chứng khoán phải được thực hiện qua các công ty chứng khoán, từ các công ty chứng khoán được truyền lệnh về Sở Giao dịch chứng khoán và được khớp lệnh. Nguyên tắc này được áp dụng cho toàn bộ giao dịch chứng khoán trên toàn cầu, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch.

Tuy nhiên, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều nhà đầu tư mới, các app giả mạo luôn hiển thị lợi nhuận gia tăng chóng mặt, biên độ tăng giá cao hơn nhiều so với sàn chứng khoán thật. Khi thấy khoản tiền của mình trong các app đầu tư giả mạo tăng đáng kể, nhiều nhà đầu tư nhẹ dạ đã nộp tiền.

Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch không rõ nguồn gốc.

Một trong những điểm mà nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý đó là khi muốn mở tài khoản tại các công ty chứng khoán chính thống, nhà đầu tư cần phải có chứng minh thư, số điện thoại và email. Còn các ứng dụng giả mạo, không rõ nguồn gốc chỉ yêu cầu nhà đầu tư cung cấp số điện thoại.

Một điểm đáng lưu ý nữa đó là số tài khoản chứng khoán hợp pháp theo quy định phải có 10 ký tự, bao gồm cả chữ cái và số. Nhưng các ứng dụng giả mạo chỉ thường lấy ngay số điện thoại của nhà đầu tư làm số tài khoản.

Khi nhà đầu tư giao dịch tại các ứng dụng chứng khoán giả mạo, không rõ nguồn gốc, sẽ không được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) ghi nhận, cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư hoàn toàn không sở hữu bất cứ cổ phiếu nào, theo VTV.

Theo chuyên gia công nghệ, những ứng dụng tuy được xây dựng mô phỏng các sàn chứng khoán, nhưng hoàn toàn không có quan hệ hay kết nối với các sàn chứng khoán chính thống. Mã code các phần mềm này cũng được rao bán công khai với độ hoàn thiện lên đến 90%.

"Các đối tượng tạo lập các app giao dịch chứng khoán có tên gần giống các công ty, gần giống các sàn giao dịch chứng khoán trong nước và quốc tế. Chúng lợi dụng các công ty công nghệ lớn trên thế giới để thực hiện việc ẩn danh, che giấu các thông tin cá nhân. Trong một thời gian rất ngắn số tiền mà các nhà đầu tư chuyển vào tài khoản được các đối tượng chuyển ra rất nhiều tài khoản khác nhau, trong đó vào cả các sàn mua bán tiền ảo nhằm che giấu sự truy xuất của cơ quan công an", Trung tá Đào Mạnh Hà cho biết.

(Tổng hợp)

AN LY