Châu chấu có giá 300.000 đồng/kg nhưng vẫn hút khách

Mỗi kg châu chấu thiên nhiên được bán với giá 250.000-300.000 đồng, vốn lạ miệng, lại ngon nên châu chấu nhanh chóng trở thành đặc sản được nhiều người tìm mua.

Cứ tháng 6-7 là thời điểm vụ lúa ở khu vực miền Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa thu hoạch. Do đó, các loại côn trùng như châu chấu được người dân vùng này săn bắt để giảm hại mùa màng. Vốn dĩ lạ miệng, lại ngon nên loại động vật chuyên “phá hoại” này bỗng dưng được nâng tầm thành đặc sản của đồng quê có mặt trên bàn nhậu.

Được nhiều người gọi với cái tên khá hấp dẫn " tôm bay", với giá từ 250.000-300.000 đồng/kg từ các chợ đầu mối nhưng vẫn được nhiều người tìm mua. 

Châu chấu đã trở thành
Châu chấu đã trở thành "đặc sản" xuất hiện trên bàn nhậu mỗi khi hè đến. 

Chị Lan ( ở quận Củ Chi, TP.HCM), chủ một cửa hàng chuyên bán côn trùng ở cho biết, mỗi đợt chị mua được 20-30 kg từ các đầu mối miền Bắc. Chị cho hay, đợt đầu rao bán châu chấu thiên nhiên, chỉ trong 3 tiếng là hết sạch. Ngoài ra, còn cả chục đơn hàng khác chị phải hẹn khách đợt sau.

Theo chị, châu chấu có nhiều loại châu chấu như châu chấu tre, châu chấu voi, châu chấu lúa… nhưng ngon nhất và đắt nhất là loại châu chấu lúa, khoảng 250.000 đồng/kg.

"Châu chấu còn chân và cánh có giá 250.000 đồng/kg. Loại cắt cánh sạch sẽ có giá 300.000 đồng/kg", chị Lan nói.

“Khi còn sống, châu chấu lúa có màu xanh lá, khi luộc qua sẽ có màu vàng nhạt, ăn béo, thơm và ngậy. Châu chấu tre là loại rẻ nhất, khoảng 130.000 đồng/kg, có màu vàng cam nhưng ăn không thơm và ngon bằng”, chị Lan nói thêm.

  Sơ chế châu chấu trước khi giao cho khách.

Sơ chế châu chấu trước khi giao cho khách.

Đồng thời chị cho hay, từ đầu vụ tới nay mới bán được 2 đợt và đang đặt hàng đợt tiếp theo nhưng hơn một tuần vẫn chưa có hàng vì các đầu mối gần đã mua hết.

Là đầu mối bán châu chấu khá lớn, chị Mai (Quận Gò Vấp) cho biết, mỗi kg chị bán 220.000-250.000 đồng.

Sau khi thu mua châu chấu về, chị phải chần qua nước sôi rồi thuê người vặt cánh cẩn thận với giá 12.000 đồng/kg, sau đó ướp đá và giao cho các nhà hàng.

“Vì lượng khách quá đông nên tôi chỉ bán sỉ chứ không bán lẻ. Có bao nhiêu tôi bán hết bấy nhiêu, mỗi ngày từ 40-50kg. Ai mua phải đặt trước từ 2-5 ngày vì tùy thuộc vào thời tiết và số lượng châu chấu người dân bắt về”, chị Mai chia sẻ.

Người dân dùng vợt, lưới để vây bắt châu chấu.
Người dân dùng vợt, lưới để vây bắt châu chấu.

Là người chuyên săn và bán châu chấu, ông Nguyễn Văn Thương ở xóm 7, xã Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết, mùa này châu chấu rất hiếm nên sản lượng săn bắt không đạt như thời điểm mùa lúa trổ đòng, lúa chín và sau khi thu hoạch; tuy nhiên, giá bán lại cao gấp nhiều lần so với vào mùa. Hơn nữa, thời điểm này, châu chấu sau khi được săn bắt về đều được đóng gói, đếm từng con lấy tiền chứ không phải cân lên như trước đây.

“Đây là nghề phụ nhưng lại có nguồn thu nhập cao, vì thế mà mỗi ngày 2 vợ chồng tôi đánh xe máy đi khắp các huyện để chao châu chấu. Những tháng cao điểm, chúng tôi thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng”, ông Thương chia sẻ với Báo Nghệ An.

Còn trên trang mạng xã hội Facebook, một tài khoản có tên Thảo My, tại Mai Châu luôn tấp nập khách vào bình luận, nhắn tin hỏi “Nay đã có châu chấu chưa?”, “Nay đã rao đơn đặt châu chấu hôm trước chưa?”,...

Theo chia sẻ của chị, khách hàng mua ít nhất cũng 1kg về ăn, một số người lấy nhiều thì mua 2-3 kg về thưởng thức dần. Thậm chí nhiều ông bà chủ hay quản lý quán bán đồ nhậu, bán bia hơi cũng hay lấy hàng của mình về bán. Vì thế ngày nào mình cũng bán được tầm 20kg. Thường mỗi lần rao chỉ khoảng 30 phút là khách quen đã vào đặt hàng hết. Hôm nào châu chấu nhà mình cũng cháy hàng, không đủ hàng để trả khách”.

  Châu chấu còn sống có màu xanh lá.

Châu chấu còn sống có màu xanh lá.

Chị My cũng khẳng định, chưa bao giờ chị rao bán châu chấu quê mà ế ẩm. Chị chỉ việc gom đơn hàng và trả khách dần. Thế nhưng, thời gian trả khách cũng khoảng 3 ngày đến 1 tuần. Bởi mọi người ở quê mỗi ngày không bắt được nhiều, chỉ gửi ra được khoảng 20-30kg. Vì thế, chị phải ưu tiên trả đơn cho những khách đã đặt trước theo thứ tự lần lượt hoặc khách quen lấy số lượng lớn.

Châu chấu lúa còn gọi là trách mãnh, tên khoa học là Acrida cineria thuộc họ châu chấu Arididae, sống khắp nơi trên ruộng lúa, nương ngô, lạc, đậu, trong lùm bụi, đám cỏ, cây ăn quả và cây công nghiệp. Về thành phần hóa học, châu chấu lúa chứa tới 24,3% protid, 3,6% lipid, 210mg% P, 0,4mg% Fe và cung cấp 133 calo/100g thịt.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Bảy, Trưởng Bộ môn Bệnh học, khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ, món ăn được chế biến từ châu chấu không chỉ làm giảm lượng cholesterol trong cơ thể, mà còn có tác dụng chữa một số bệnh như dị ứng, ngứa hay vàng da.

PHƯỢNG LÊ (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương