Cụ thể, giá tiêu cao nhất ở ngưỡng 85.000 đồng/kg được ghi nhận ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thấp nhất 82.500 đồng/kg tại Gia Lai.
Tại Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Đắk Lắk (Ea H'leo): 83.500 đồng/kg, Bình Phước: 84.000 đồng/kg, Đồng Nai: 83.000đồng/kg.
Giá tiêu thế giới tại sàn Kochi, Ấn Độ ở mức 41.300 rupee/tạ.
Giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam từ đầu tháng vẫn giữ nguyên, không giảm sâu. Điều này giúp thị trường có niềm tin giá tiêu sẽ tăng, bởi đà giảm của thị trường trong nước mạnh như vừa qua là do giới đầu cơ xả hàng thu hồi vốn. Trong khi nguồn cung vẫn thiếu hụt và nhu cầu cuối năm vẫn có.
Theo các chuyên gia, giá tiêu những tháng cuối năm đang bị đe dọa bởi mối lo ngại lạm phát và tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp tại các quốc gia. Giá xăng dầu, giá lương thực thực phẩm, giá vận tải tăng cao sẽ tiếp tục đẩy giá các mặt hàng, trong đó có hồ tiêu tăng cao.
Nhưng phần tăng thêm sẽ chủ yếu để bù đắp chi phí, còn doanh nghiệp, người nông dân được hưởng lợi ít. Chi phí sản xuất hiện nay đang tăng cao, nhất là phân bón đang khiến người dân lo ngại trước vụ thu hoạch tiêu 2022.
Đến thời điểm này, nhiều người lo ngại giá tiêu sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hồ tiêu sẽ sớm tăng trở lại. Bởi, theo nhận định, đà giảm mạnh của thị trường từ đầu tháng bắt nguồn từ việc xả hàng chốt lời của giới đầu cơ. Sau đó dẫn tới tâm lý "đám đông" hùa theo bán hàng vì sợ giá xuống thấp hơn nữa.
Nhưng đây chỉ là điều chỉnh của thị trường trong nước. Với hồ tiêu xuất khẩu, tính từ đầu tháng đến nay, Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) vẫn niêm yết giá tiêu đen Việt Nam ở mức 4.290 USD/tấn, tức là giá không đổi trong 2 tuần qua, bất chấp thị trường trong nước đã giảm tới gần 5.000 đồng/kg.
Còn 3 tháng nữa mới tới vụ thu hoạch mới của hồ tiêu Việt Nam. Từ nay tới đó, chúng ta còn cần khoảng hơn 50.000 tấn tiêu cho xuất khẩu.