Đã là vợ chồng sao còn có chiến tranh. Xin thưa có đấy. Thậm chí là một cuộc chiến tranh dai dẳng bắt đầu ngay từ sau đám cưới đến khi dắt nhau ra tòa hoặc may mắn là trọn vẹn đến tận lúc tóc bạc răng long. Để chứng minh có cuộc chiến tranh chồng vợ, tôi lấy luôn chuyện nhà mình ra kể.
Cũng như những cặp đôi khác trước khi kết hôn, chúng tôi có một quãng thời gian vài ba năm để tìm hiểu nhau. Những năm 80 của thế kỷ trước, các cặp đôi yêu nhau luôn tâm tâm niệm niệm dẫn đến một đám cưới. Ngày đó thật sự chưa có phong trào sống thử như bây giờ. Giả sử có ai tân tiến vượt trước thời đại cũng chẳng có đủ điều kiện để thử với thách.
Hà Nội rộng lớn đến vậy cũng chỉ có mấy cái khách sạn do nhà nước quản lý. Muốn vào được đó điều kiện tiên quyết là phải có giấy đăng ký kết hôn. Đang yêu nhau thì đào đâu ra mảnh giấy là bảo bối đó. Vậy nên, tiếng là yêu nhau nhưng có đôi thậm chí đến nụ hôn cũng qua quýt. Bạo dạn lắm thì dẫn nhau vào công viên hoặc những nơi khuất vắng tình tự.
Nhà cửa dạo đó chật hẹp mấy thế hệ cùng sống chung nên cũng chẳng có chỗ riêng tư mà tâm sự. Vậy nên đa phần các cặp đôi chỉ đến đêm tân hôn mới thật sự biết người bạn đời của mình ở một lĩnh vực mới mẻ, gọi văn hoa là tận hưởng sự dâng hiến cho nhau. Đây cũng là một lý do để hai người bạn đời dù có nhiều thời gian yêu nhau cũng chưa chắc hiểu hết con người của nhau. Đó chính là những mầm mống cho chiến tranh tương lai.
Ngày đó cũng chẳng có điều kiện mà trăng mật, trăng meo. Cưới xong vèo phát thu xếp nơi ăn chốn ở cho vợ chồng son đã hết mấy ngày phép. Cũng nói thêm thời điểm đó chưa có kinh tế tư nhân nên đại đa số ở trong biên chế cơ quan, công trường, nhà máy.
Hết trăng mật, chưa hưởng hết những ngọt ngào đôi lứa đã phải bươn chải cơm áo gạo tiền lo cho cuộc sống quá nhiều thiếu thốn. Cưới vào ắt phải chửa đẻ sinh con. Ngay năm đầu tiên vợ chồng tôi sinh con đầu lòng. Nghèo lắm, chắt bóp đủ đường để lo được cho con tạm đủ những nhu cầu thiết yếu.
Cái nghèo chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chiến tranh chồng vợ. Xin đừng ai thi vị hóa chỗ này nhé. Vợ chồng tôi lúc đó đều có lương ổn định nhưng thật sự chẳng thấm tháp gì, phải xoay trở đầu tuần, cuối tháng rất cực nhọc.
Ảnh minh họa |
Chiến tranh bắt đầu bằng xung đột tính cách. Vợ tôi là bác sĩ, công tác ở một bệnh viện quận. Bác sĩ tất nhiên là sống chuẩn mực. Tôi thì khác, đam mê theo đuổi nghề viết nên sống phóng túng vô tổ chức. Thi thoảng có nhuận bút và dù nghèo cũng vẫn tham gia những cuộc hội ngộ trà rượu. Không nhiều nhưng mỗi khi tụ tập cũng “chén chú chén anh”, la đà nâng lên đặt xuống.
Một hôm, quãng 2 năm sau cưới khi con gái tròn tuổi, vợ tôi bảo rất nhẹ nhàng: “Anh chọn đi, một là vợ con, hai là bạn bè chè rượu”. Tôi hiểu ngay vợ tôi ra tối hậu thư muốn ở bên vợ con thì phải bỏ rượu. Sinh ra trong một gia đình từ ông đến bố đều thích rượu nên tôi sớm thừa hưởng truyền thống gia đình một cách ưu tú. Tôi uống giỏi và thích uống, nay bắt bỏ rượu cầm bằng như cuộc sống không còn ánh sáng.
Hiểu tình thế hiểm nghèo, tôi hoãn binh suy nghĩ một ngày rồi trả lời. Sau hôm đó, sau bao nhiêu xoay trở nén dồn tình cảm và dù rất yêu vợ thương con tôi cũng thành thật trả lời: “Cho anh xin lỗi, nếu anh đồng ý điều kiện này thì suốt đời anh sẽ phải sống dối trá uống vụng trộm. Làm người mà hèn thế chắc anh không sống nổi, coi như chúng ta hết duyên, thông cảm cho anh”.
Ảnh minh họa |
Vợ tôi không nói gì thêm. Tôi nghe ngóng nhưng rồi sau không thấy người bạn đời nhắc gì nữa đến chuyện đó, tôi hiểu rằng vợ tôi đã nhượng bộ. Nhưng từ đấy tôi bị kiểm soát chặt chẽ. Những xung đột cãi vã là không thể tránh khỏi mỗi khi tôi uống rượu về. Cuộc sống cứ thế trôi đi không hề bình lặng. Không còn áp đặt được điều kiện tôi phải bỏ rượu, nhưng vợ tôi coi rượu là kẻ thù số một. Tôi cố gắng kiềm chế bản tính vui thú để chăm chỉ làm lụng, nhưng thật lòng dù cố gắng đến đâu thì cuộc sống chồng vợ vẫn chính thức bước vào chiến tranh.
Còn may tình yêu, những đức tính khác bù đắp nên cuộc chiến tranh lúc âm ỉ, khi bùng phát không phá nổi cái boong ke gia đình của tôi. Muốn biết chiến tranh của vợ chồng tôi tiếp diễn thế nào xin đọc tiếp kỳ tới. Tôi chỉ bật mí, nếu không có chiến tranh chắc gì chúng tôi đã đi qua được những tháng ngày thiếu thốn gian khó đó. Mâu thuẫn thế đấy nhưng đó là sự thật./.
Cách để làm cho cuộc sống thành công và nhiều sắc màu hơn
Thành công có thể mang đến cho bạn sự vinh hiển với mọi người xung quanh, tuy nhiên thành công không phải là đích đến.