Chính thức trình Chính phủ duyệt Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô

Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã chính thức có tờ trình gửi Chính phủ dự án Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, dự kiến thời gian áp dụng từ ngày 1/7 đến ngày 31/12 năm nay.

Tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của HĐND, hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Chính thức trình Chính phủ duyệt Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Dự kiến thời gian áp dụng trong 6 tháng cuối năm nay, từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12. Ước tính việc giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước trong 6 tháng cuối năm sẽ làm giảm thu ngân sách 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Chính sách này góp phần kích cầu mua ô tô của người dân, giúp nhà sản xuất và phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn.

Việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được kỳ vọng sẽ gia tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Có 8 địa phương được hưởng lợi khi số thu từ 2 sắc thuế này tăng gồm: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, TP.HCM. Đây là những địa phương có công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Với nhiệm vụ được giao thẩm định dự thảo, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính rà soát kỹ các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị phương án, lập luận trong trường hợp có khiếu nại, khiếu kiện quốc tế, theo TPO.

Giải trình về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, thực tế khả năng Việt Nam bị kiện không cao và Việt Nam chưa nhận được bất kỳ ý kiến hay phản đối của các thành viên WTO cũng như các đối tác thương mại trong các cam kết mà Việt Nam tham gia.

Hồi đầu tháng 6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Từ đầu năm tới nay, UBND các tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Cũng với đề xuất này, Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp và bất ổn, cần áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

"Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch, nguy cơ suy thoái kinh tế đang hiện hữu, tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và toàn nền kinh tế. Đặc biệt, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng... làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao", Bộ Công Thương cho biết.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), mặc dù có sự cải thiện đáng kể nguồn cung nhưng tình hình ngành công nghiệp ô tô trong Quý I/2023 còn vẫn gặp nhiều khó khăn, doanh số bán hàng có sự suy giảm, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2022 (thời điểm Tết Nguyên đán) cho thấy những tín hiệu bất thường và đáng ngại đối với doanh nghiệp trong ngành ô tô Việt Nam.

Doanh số bán hàng trong 2 tháng cuối năm 2022 giảm mạnh và đặc biệt doanh số bán hàng tháng 1/2023 sụt giảm tới 44% so với cùng kỳ năm trước và giảm 51% so với tháng trước liền kề. Tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA cho đến hết tháng 5/2023 giảm 43% so với cùng kỳ năm trước, theo VTV.

(Tổng hợp)

AN LY