Chủ tịch Hòa Phát trở lại danh sách tỷ phú USD

Chỉ trong vòng một tuần kể từ thời điểm rời danh sách tỷ phú USD của Forbes, khối tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, đã lấy lại mốc 1 tỷ USD nhờ những diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán.

Trong vòng 24 giờ qua, tài sản của ông Long được nâng thêm 92 triệu USD lên 1,1 tỷ USD. Hiện vị lãnh đạo tập đoàn thép đang xếp ở vị trí 2.316 người giàu nhất thế giới.

Dẫu vậy, so với ngày 11/3 (thời điểm Forbes chốt số liệu tài sản dựa trên giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái), tài sản của ông Long đã giảm 2,2 tỷ USD, tương đương mức thiệt hại 65%. Đến nay, vị trí của ông đã lùi xuống 1.365 bậc.

Chủ tịch Hòa Phát trở lại danh sách tỷ phú USD - Ảnh 1.

Cổ phiếu HPG đã có 2 phiên gần nhất tăng kịch trần. Ảnh: TradingView.

Trong 3 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu Hòa Phát (HPG) đều có mức tăng ấn tượng, gồm 2 phiên tăng trần và một phiên tăng 2,46%. Tính đến hết phiên 17/11, cổ phiếu HPG chốt ở giá 14.250 đồng/đơn vị.

Trước đó vào ngày 9/11, tài sản của ông Trần Đình Long từng thu hẹp xuống còn 958 triệu USD. Ông cũng là doanh nhân Việt Nam đầu tiên trong năm nay rời khỏi danh sách tỷ phú USD của Forbes. So với thị giá ngày 9/11, cổ phiếu HPG đã tăng gần 10%.

Hiện ông Long vẫn là cổ đông lớn nhất tại Hòa Phát với hơn 1,51 tỷ cổ phiếu HPG nắm giữ, tương đương 26,08% vốn. Cùng với vợ - bà Vũ Thị Hiền - và người thân, ông Long hiện liên quan tới khoảng 2,03 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương gần 35% vốn nhà sản xuất thép này.

Bên cạnh ông Long, 7 tỷ phú Việt Nam từng được Forbes công bố hồi tháng 3/2022 gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.

Tuy nhiên, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Nova Group, người rời danh sách tỷ phú cùng thời điểm với ông Long lại chứng kiến diễn biến tài sản không mấy tích cực. Hôm 10/11, tài sản của ông Nhơn đã giảm xuống còn 978,2 triệu USD.

So với thời điểm 11/3, ông Nhơn đã thiệt hại gần 2 tỷ USD. Forbes cũng đã ngừng cập nhật giá trị tài sản theo thời gian thực của vị lãnh đạo này.

Tính đến phiên 17/11, cổ phiếu Novaland (NVL) đã có 4 phiên giảm sàn liên tiếp. So với ngày 11/3, mã chứng khoán này đã giảm 60% giá trị.

Theo đó, ông Nhơn đã mất khoảng 10.000 tỷ đồng tính từ thời điểm 10/11, tương đương 25% tài sản do cổ phiếu NVL vẫn đang nhuộm sắc xanh sàn.

(Tổng hợp)

AN LY