Chưa ra trường đã kiếm được 10 triệu đồng/tháng, tiết kiệm được 50% thu nhập nhờ tips đơn giản

Nhiều sinh viên đã có khoản tích lũy nhờ biết cách quản lý tài chính từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thời sinh viên, phần đông mọi người có thu nhập không cao và còn đang phụ thuộc vào tài chính của gia đình. Cũng vì thế, nhiều người lơ là chuyện cân đối chi tiêu vì cho rằng đó là bài toán của những năm sau này khi đã dư dả tiền bạc. Trái ngược với quan điểm trên, nhiều sinh viên đã học cách quản lý tài chính và chăm chỉ đi làm từ sớm để có mức lương dư dả. Hai bạn trẻ dưới đây là ví dụ.

Đi làm từ sớm, tiết kiệm từng khoản chi nhỏ nhất

Dù còn đang ngồi trên ghế nhà trường thế nhưng Đăng Quý (21 tuổi, TP.HCM) đã có mức lương 12 triệu đồng/tháng từ công việc nhân viên phát triển web và dạy thêm buổi tối. 

Để có mức lương này, chàng trai cũng phải đánh đổi nhiều thứ. “Thời gian dành cho bạn bè và tụ tập bên ngoài cũng phải giảm bớt rất nhiều. Mình cũng thường xuyên phải tăng ca vào cuối tuần, còn buổi tối trong tuần thì chắc chắn phải ngồi làm việc rồi. Nói chung, mình thấy những thứ nhận được xứng đáng để mình đánh đổi. Với lại, mình muốn phát triển trong ngành này, nên sẵn sàng chịu khổ từ sớm để sau này mua được nhà và xe”, Đăng Quý nói.

Bên cạnh đó, không chỉ chăm chỉ đi làm từ sớm, chàng trai còn học cách quản lý tài chính cá nhân để có khoản tích lũy cho tương lai. Với mức lương 12 triệu đồng, Đăng Quý dành 7 triệu đồng cho chi phí cá nhân, còn lại anh chàng mang đi đầu tư và gửi tiết kiệm. 

Chi phí cá nhân được anh chàng phân bổ như sau: 2,5 triệu đồng cho tiền thuê nhà ở ghép cùng 2 người bạn tại nhà chung chủ; 2 triệu đồng cho tiền ăn uống; 2,5 triệu đồng cho các chi phí sinh hoạt khác gồm tiền đi lại, tiền vui chơi cùng bạn bè, tiền học tập nâng cao kiến thức. Có thể nói, tất cả khoản chi cho cá nhân đều được Đăng Quý tự trang trải, ngoài trừ đóng học phí 11 - 13 triệu đồng/kỳ do bố mẹ anh chàng chi trả.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

“Mình thấy việc tiết kiệm tiền không khó bởi bản thân là nam giới nên không cần mua sắm quá nhiều. Bạn tin không, nhưng hầu hết các khoản chi phí sinh hoạt của mình luôn cố định, ít có phát sinh thêm. Do đó, mình quản lý dòng tiền khá dễ dàng”, anh chàng bày tỏ.

Một trường hợp khác, Hải Phương (22 tuổi) đã có 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Truyền thông nhờ đi làm từ sớm. Dù đang là sinh viên năm cuối nhưng Hải Phương đã có mức lương 12 - 14 triệu đồng/tháng. Hải Phương cho biết thêm, do xác định đi làm nhiều để tích lũy kinh nghiệm nên thành tích học tập trên trường của cô nàng không quá ấn tượng. Bên cạnh đó, cô cũng phải cố gắng sắp xếp thời gian để cân bằng giữa việc học và đi làm.

“Căng thẳng nhất là vào giai đoạn thi cuối kỳ. Mình sẽ xin giảm bớt khối lượng công việc để tập trung vào 1 tháng ôn thi. Những ngày gần thi, chuyện mình chỉ được ngủ 5 tiếng/ngày là điều bình thường. Mình thường lên kế hoạch ôn tập trước ngày thi khoảng nửa tháng để không bị vỡ kế hoạch, hoặc đạt điểm thấp", Hải Phương cho biết.

Tương tự Đăng Quý, do đi làm và có nguồn thu nhập từ sớm nên Hải Phương tự chủ tài chính với bố mẹ. Hàng tháng, Hải Phương chỉ dành không quá 5 triệu đồng/tháng cho chi phí cá nhân, còn lại bao nhiêu thu nhập cô nàng sẽ gửi hết vào quỹ tiết kiệm.

Chi phí cá nhân được cô nàng phân bổ như sau: 1,6 triệu đồng/tháng để đóng học phí; 1 triệu đồng cho nhu cầu giải trí như đi cafe, xem phim và ăn uống bên ngoài cùng bạn bè; 1 triệu đồng mua mỹ phẩm, tiền xăng xe, đồ dùng học tập và đi làm; còn lại là số tiền dành cho du lịch. “Mình thấy bản thân không quá tiết kiệm, bởi lối sống của bản thân không đặt nặng vật chất", Hải Phương nói thêm.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Quản lý tiền tiết kiệm thế nào?

Do đi làm từ sớm và chi tiêu chắt bóp, Hải Phương đã có quỹ tiết kiệm là hơn 70 triệu đồng sau 4 năm Đại học. Nói về khoản tiền này, cô nàng cho hay: “Mình để dành tiền khi trong đầu chưa có nhiều suy nghĩ dùng tiền vào các dự định lớn lao cụ thể như mua nhà, mua xe… Mình tiết kiệm tiền đơn thuần vì bản thân không cần dùng quá nhiều tiền, thêm vào đó là suy nghĩ cần dự phòng cho các trường hợp xấu trong tương lai.

Tiền tiết kiệm này hoàn toàn do mình làm ra từ công việc văn phòng, không có sinh lời từ đầu tư. Số tiền để dành hiện có của mình không phải con số lớn, thậm chí có thể hết sạch sau một lần người khác đầu tư thất bại. Nhưng nó làm mình yên tâm hơn về cách bản thân quản lý thu chi".

Với khoản tiền nhàn rỗi hàng tháng (khoảng 7 triệu đồng), do không có nhiều kinh nghiệm đầu tư hay mua vàng, nên Hải Phương chọn cách làm đơn giản là gửi tiết kiệm online của ngân hàng. “Mình quan niệm: Tiền cũng là một loại tài sản. Nếu mình không biết dùng tiền, đầu tư tiền đúng cách thì cũng giống như tài sản, chúng sẽ mất giá theo thời gian", cô nàng bày tỏ.

Trong khi đó, Đăng Quý lại có cách quản lý tiền tiết kiệm “bài bản" hơn. Cụ thể, với khoản tiền nhàn rỗi hàng tháng là khoảng 5 triệu đồng, chàng trai chia làm 3 khoản là gửi tiết kiệm ngân hàng (30%), mua vàng (50%) và mua chứng chỉ quỹ (20%).

Anh chàng cho biết: Về gửi tiết kiệm, hiện mình đang chọn là gửi tiết kiệm online trên app ngân hàng. Về vàng, mình sẽ tích đến khi nào đủ tiền thì mua 1 chỉ. Mình cứ để dành vậy thôi và hạn chế bán nhất có thể. Mình mua vàng với suy nghĩ, về lâu dài ít nhất cũng có vàng cưới.

Còn lại, mình mua chứng chỉ quỹ và xem đó như tài khoản tiết kiệm luôn. Mình thấy lãi suất ổn hơn gửi tiết kiệm ngân hàng, tầm khoảng 15 - 20% từ đầu năm đến nay. Mình từng mua cổ phiếu và có khoản đầu tư riêng, cũng bỏ nhiều tiền nhưng âm quá. Do đó, mình đã bỏ cổ phiếu khoảng hơn 1 năm nay rồi".

Sau cùng, Đăng Quý cho rằng, các bạn trẻ dù có thu nhập chưa cao nhưng cũng nên hình thành thói quen tiết kiệm và đầu tư, dù chỉ là bằng 10-20% thu nhập. Bởi chi tiêu là quyền tự do của mỗi người. Và khi bạn gặp khó khăn tài chính thì cũng chỉ mình bạn tự đứng lên gánh vác.

“Đồng thời, mọi người cũng không nên áp lực với việc phải đạt được mức lương bao nhiêu so với bạn bè cùng trang lứa, quan trọng là bạn biết tìm đến nghề nghiệp có triển vọng, học quản lý tài chính và chi tiêu hợp lý từ sớm”, anh chàng nhận định.

Chưa ra trường đã kiếm được 10 triệu đồng/tháng, tiết kiệm được 50% thu nhập nhờ tips đơn giản

Vân Anh

Đỉnh cao tiết kiệm: Chỉ tiêu 3,5 triệu/tháng cho toàn bộ chi phí sống tại Hà Nội?

Đỉnh cao tiết kiệm: Chỉ tiêu 3,5 triệu/tháng cho toàn bộ chi phí sống tại Hà Nội?

Phương Như chỉ cho phép mình chi tiêu 1/5 thu nhập hàng tháng.