"Chúng tôi - Một thời mũ rơm mũ cối" - ký ức một thế hệ chưa xa

"Chúng tôi - Một thời mũ rơm mũ cối" là cuốn hồi ký về khoảng thời gian 20 năm tác giả sinh sống và học tập tại thủ đô Hà Nội, đặc biệt là những câu chuyện sống động tại trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân, một thời thủ đô đạn bom mà đầy tình người.

Chúng tôi - Một thời mũ rơm mũ cối là cuốn hồi ký của tác giả Huỳnh Dũng Nhân vừa ra mắt đầu tháng 3 này. Đây là quyển sách ghi dấu những kỷ niệm về khoảng thời gian 20 năm tác giả sinh sống và học tập tại thủ đô Hà Nội, đặc biệt là những câu chuyện sống động được thể hiện dưới ngoài bút đầy chất thơ của tác giả về những ký ức tại trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân, một thời thủ đô đạn bom mà đầy tình người.

Như nhà văn, thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái Tổng biên tập Tạp chí CAND chia sẻ ngay khi đọc những trang đầu tiên của cuốn sách: "Dù sao anh em mình cũng là người may mắn của thời cuộc, em biết anh viết như một sự trả ơn", "Quyển sách như lòng tri ân của anh đối với báo Nhân dân, với Hà Nội và miền Bắc của chúng ta những năm đói kém mà anh dũng" - ông xúc động nói thêm.

Bìa sách
Bìa sách "Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối" của tác giả Huỳnh Dũng Nhân

Nhà báo Trần Nguyên Thảo thuộc thế hệ đi sau cũng tâm sự: “Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là người đã rửa tay nhưng chưa chịu gác kiếm", Anh vẫn nói với tôi rằng: ''Đó là ghi chép của những năm tháng nhiệt thành, sâu nặng của anh với cuộc sống, là ký ức đẹp đẽ, thân thương của anh với gia đình, người thân, người quen và những sự kiện hào hùng tại Hà Nội. Anh sợ một mai này mình già thêm, và trí nhớ thì không thể lưu giữ mãi được”.

Cuốn sách là những ký ức chân thật, gần gũi nhưng đầy xúc động về một thời đạn bom trong những năm tháng máy bay Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, là những hi sinh của cả một thế hệ, là những gian khó trong một giai đoạn lịch sử cho độc lập và thống nhất đất nước của ngày hôm nay, và cho cả những thế hệ nối tiếp. Như câu hỏi "cháy lòng" mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm: "Sao hồi đó khó khăn vất vả là thế, mà các bậc phụ huynh báo Nhân dân ai cũng nuôi con cái lớn thành người?".

Nhà văn Trần Quốc Toàn gốc Hà Nội cũng là người đọc cuốn sách từ trước buổi ra mắt sách, nhận xét: “Tôi đọc rất sớm. Đọc rồi thấy thú, vì từ phố Hàng Trống tác giả dẫn bạn đọc tới nhiều ngóc ngách Hà Nội khác. Tác giả viết về nhiều chân dung nhưng không thiên vị. Sách không chỉ nhiều tư liệu, sách còn có văn. Chất văn hào hùng, của hình tượng những đứa bé ngày ấy. Chất văn trào lộng, giễu nhại khi tác giả tham gia vào từng câu chuyện đầy nghịch ngợm của tuổi thơ."

Tác giả tặng sách cho các cô chú cán bộ báo Nhân Dân
Tác giả tặng sách cho các cô chú cán bộ báo Nhân Dân

Nhà thơ Vương Thiên Nga viết trong trang cá nhân của mình: “Thời gian không lùi lại. Nhưng ký ức được tái hiện lại qua trang sách Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối. Anh ghi lại những chặng đường đi qua trong đời không thể nào quên, bối cảnh được anh mô tả khá chi tiết… nhiều xúc cảm gây ấn tượng trong lòng người đọc. Những tình cảm con người đùm bọc lẫn nhau đi qua thời gian khổ, không ruột thịt mà như ruột thịt. Có vui và có buồn, trải qua gian nan mới lột tả hết cái dũng khí trong anh thể hiện qua ngòi bút thành công trên chiến trận văn chương qua hai thời kỳ chiến và hòa bình.

Nhà báo Trần Xuân Thái báo Thời báo Kinh tế cũng tâm sự: "Chúng tôi - Một thời Mũ rơm Mũ cối là bài ca về tình yêu cuộc sống, tình yêu của những người cha, người mẹ, của người hàng xóm, của các mối quan hệ trong xã hội được thu nhỏ nhưng lại trải rộng mênh mông là lòng từ ái và phương pháp giáo dục con cái bằng thiện lương, bằng chia sẻ. Những bài học cuộc sống thực tiễn từ lòng từ ái, đoàn kết, hồn nhiên và không vụ lợi, những cuộc hội thoại của các nhân vật - người viết, là lời giải về sức mạnh đã giúp một thế hệ đứng lên, vượt qua mọi hoàn cảnh khắc nghiệt, khẳng định chính mình. Những bài học ấy vẫn luôn còn giá trị trong hiện thực, trong mọi thời đại...".

Tác giả ký tên tặng sách cho bạn đọc
Tác giả ký tên tặng sách cho bạn đọc

"Từ câu chuyện mỗi lần được gặp Bác, chuyện sinh hoạt của gia đình, các cô chú, anh chị là các nhà văn, nhà báo nổi tiếng cùng làm việc và ở cạnh nhau trong tập thể Ngõ Lý Thường Kiệt - Hà Nội một thuở, đến những chuyện đậm dấu ấn cuộc sống người Hà Nội thời chiến tranh. Trong cái không gian chằng chịt muôn ngã rẽ của cuộc đời, anh đã chọn nhiều góc quan sát khác nhau, bằng con mắt của những người, hay đắp vào đó những tư liệu lịch sử quý giá để giúp người đọc thấy được bức tranh đan dệt qua những điểm gút giá trị của từng quá khứ bi tráng mà hồn nhiên, qua những chuyện đời thường nhưng đáng trân trọng để chắt lọc cho cuộc sống đang đi tới" là lời Anh Đỗ Quyết Thắng, công tác ở Ban tuyên giáo nói về những suy nghĩ của mình về cuốn sách mới nhất của Huỳnh Dũng Nhân.

Chia sẻ tại buổi khai sinh đứa con tinh thần mới nhất, Huỳnh Dũng Nhân tếu táo rằng, sau mũ rơm, mũ cối, anh sẽ viết về mũ phớt, mũ bảo hiểm với mức độ dày hơn, nóng hơn. Cuộc sống luôn vận động, biến đổi không ngừng. Người cầm bút phải lưu lại bức tranh hiện thực của lịch sử. Đó là bổn phận của nhà báo, nhà văn.

Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối của nhà văn, nhà báo, nhà giáo Huỳnh Dũng Nhân ra mắt nhân dịp Kỷ niệm 55 năm chống chiến tranh ném bom phá hoại của Mỹ ở Miền Bắc; Kỷ niệm 55 năm thành lập Trại trẻ sơ tán Báo Nhân Dân; Kỷ niệm 20 năm tác giả sinh sống và học tập ở Hà Nội.

Thảo Nguyên

Cơm độn: kí ức thời bao cấp

Cơm độn: kí ức thời bao cấp

Cơm độn là bạn đồng hành của phần lớn các gia đình ở Việt Nam thời kỳ bao cấp.