Bộ Y tế đã đề nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội đến hết tháng 4 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Câu hỏi được đặt ra ở đây là có nên kéo dài thời gian cách ly xã hội không?
Cách ly đến bao giờ và cách ly sao cho hiệu quả?
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Việt Nam thực hiện cách ly xã hội 2 tuần đầu tháng 4, trong thời gian này số ca lây nhiễm cũng giảm, tuy nhiên không thể khẳng định hoàn toàn là đều nhờ cách ly xã hội. Đây là kết quả tổng thể của các biện pháp chống dịch được thực hiện trong thời gian qua và cách ly xã hội là một bước đi nhằm góp phần ngăn chặn lây lan của dịch bệnh.
Ổ dịch mới xuất hiện gần đây liên quan đến bệnh nhân 243 ở Mê Linh Hà Nội với lịch trình dày đặc tử 12/3 cho đến 5/4. Đây là ca bệnh mất dấu khi chưa tìm thấy F0 mà lại có khá nhiều các trường hợp tiếp xúc là nhân viên y tế, người thân, người ở địa phương, hiện tại đã có ca dương tính với Covid-19.
Điều này làm dấy lên lo ngại nếu bệnh nhân 234 không bị lây từ Bệnh viện Bạch Mai thì nguồn lây ở đâu?
Theo chuyên gia y tế trước đó chúng ta xác định không còn bệnh nhân nào ngoài cộng đồng, do Việt Nam khoanh vùng hiệu quả nên tỷ lệ số ca phát hiện nhiều. Thế nhưng với một vài ca không rõ nguồn lây như 243, du khách Thụy Điển, ca bệnh người Hàn Quốc ở Bình Dương lại chứng minh rằng có nguồn lây mới. Vậy nếu kéo dài cách ly thì cách ly đến bao giờ và khi kết thúc cách ly liệu có hết được ca nhiễm hay không?
Một chuyên gia y tế dự phòng cho biết có 40% bệnh nhân không có triệu chứng, không tìm được đầu nguồn lây và các ca bệnh này có thể tự khỏi nhưng đã kịp lây lan cho người khác. Thực tế cho thấy vẫn có thể có những ca chưa có biểu hiện nhiễm bệnh nhưng lại là nguy cơ lây bệnh. Vì thế việc cách ly xã hội trong những ngày qua là cần thiết để cắt nguồn lây. Tuy nhiên cần suy xét thấu đáo thời gian cách ly và tính đến ảnh hưởng về đời sống xã hội.
Chuyên gia kiến nghị có thể nới lỏng cách ly xã hội với những nơi không có bệnh nhân và không có ổ dịch. Riêng những nơi có nguy cơ lây lan như Hà Nội, TP.HCM thì cần tiếp tục xem xét thêm. Đặc biệt là nên bổ sung trong thời hạn cách ly xã hội, người vẫn được làm một số việc cần thiết như rèn luyện sức khỏe, đi bộ.
Chưa thể nói trước về việc có kéo dài cách ly hay không
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện vẫn chưa thể đưa ra kết luận có cách ly xã hội tiếp đến hết tháng 4 hay không. Thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ có thể sẽ xem xét nới lỏng, gỡ bỏ từ từ biện pháp này hoặc quyết định tiếp tục thực hiện tùy diễn biến dịch bệnh.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 6/3, Thủ tướng đã kết luận phải duy trì và thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16, thời điểm cách ly xã hội vẫn duy trì từ ngày 1-15/4 và coi đây là giải pháp rất căn cơ, quan trọng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. |
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, việc Thủ tướng đưa ra Chỉ thị 16 dựa vào nhận định tình hình dịch trên toàn cầu rất phức tạp, nhiều nước có số ca nhiễm tăng vọt, có những nước có số ca tử vong lớn. Đây là giải pháp mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ. Trong khi chúng ta chưa đến mức phải công bố tình trạng khẩn cấp về y tế, chưa đến mức công bố thiết quân luật hay phong tỏa, việc ta làm tốt cách ly xã hội thì sẽ ngăn được dịch Covid-19 lan ra cộng đồng và lây chéo.
Có một số địa phương áp dụng biện pháp kiểm soát vô cùng chặt chẽ nhưng có nơi, người dân vẫn thản nhiên tụ tập đông người, lơ là, coi thường việc cách ly xã hội. Điều này rất nguy hiểm và làm tăng nguy cơ lây nhiễm cao.
Về việc mỗi địa phương có hình thức cách ly xã hội riêng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng đó là do chưa hiểu đúng về Chỉ thị. Địa phương muốn hạn chế dịch là điều dễ hiểu nhưng nếu áp dụng quá nghiêm ngặt, ngăn cấm cả hàng hóa thông thương sẽ gây ảnh hưởng đến chính bà con trong địa bàn. Đơn cử như việc các xe vận tải hàng hóa không được vào thì không có nguyên liệu sản xuất...
Sau khi có văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng thì đến nay cơ bản các địa phương đều đồng tình. Như Hải Phòng cách ly nhưng ngân sách tự chi trả.
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ vừa rồi, Thủ tướng nói các địa phương phải nghiên cứu, thực hiện đúng quy định của pháp luật, vấn đề thu hay không thu phí cách ly phải có căn cứ, tạo thuận lợi cho dân.
Nguyên tắc và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là hạn chế người dân ra ngoài nhưng không được "ngăn sông cấm chợ", không được làm các rào cản giao thông trên đường. Như vậy sẽ làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng đã đưa ra 2 thông điệp: Nếu làm tốt cách ly trong xã hội thì sẽ không có đỉnh dịch ở Việt Nam và sự chấp hành của người dân là yếu tố quan trọng nhất.
Hà Nội có ca nhiễm Covid-19 ủ bệnh 23 ngày
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có những trao đổi về hai ca nhiễm mới của Hà Nội.