Cổ phiếu cần quan tâm 5/11: DBC, TCB, STB, ANV, TNG và VTP

DBC, TCB, STB, ANV, TNG, VTP là những mã cổ phiếu cần quan tâm trong phiên giao dịch 5/11 được các công ty chứng khoán khuyến nghị.

Khuyến nghị DBC: Giá mục tiêu 77.828 đồng

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC): CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE - Mã: DBC) công bố KQKD Q3/2021 chưa khởi sắc do tình hình COVID kéo dài sang hết Quý 3 ở Việt Nam và các nước khiến: 1) Giá heo trong nước tiếp tục giảm do giãn các xã hội gây khó khăn cho đầu ra; 2) chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi duy trì mức cao do hiện tượng tắc nghẽn chuỗi cung ứng gây thiếu nguyên liệu và chi phí vận tải duy trì ở mức cao.

Giá heo hơi đã tăng trở lại từ đầu tháng 11 lên trên mốc 50.000 đồng/kg và kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng tới ít nhất Q1/2022. Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát trở lại ở các tỉnh thành từ tháng 9.

Chính phủ đưa ra các phương án giảm giá thức ăn chăn nuôi trong ngắn hạn như giảm thuế đối đối với nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Dự án Lotus Central đã bán được khoảng 95% sản phẩm và đang bàn giao cho khách hàng, kỳ vọng sẽ đóng góp vào KQKD Q4.

Kết quả công bố thử nghiệm tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi của DBC sắp tới sẽ là thông tin hỗ trợ giá cổ phiếu.

FSC điều chỉnh giảm dự phóng cho 2021 và giá mục tiêu cổ phiếu điều chỉnh giảm 9,41% so với định giá gần nhất xuống còn 77.828 đồng/cổ phiếu.

Rủi ro đối với dự phóng: (1) Tình hình COVID diễn biến phức tạp hơn dự đoán. (2) Rủi ro khí hậu bất lợi tại các nước chính trồng các cây nguyên liệu cho TACN: Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Argentina, Australia. (3) Tình trạng tái đàn heo đột biến.

Khuyến nghị TCB: Giá hiện tại với tỷ trọng dưới 5%

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC): Quý 3/2021, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – Techcombank (HOSE - Mã: TCB) công bố LNST đạt 4.338 tỷ đồng (tăng +40% YoY nhưng giảm -7,9% QoQ), LNST 9T2021 đạt 13.445 tỷ đồng, tăng +60,6% YoY và hoàn thành 86% kế hoạch của Ngân hàng đề ra cho cả năm 2021.

Thu nhập lãi thuần tiếp tục tăng mạnh +31,3% YoY và thu nhập ngoài lãi giảm -16,9% YoY chủ yếu do lãi từ kinh doanh trái phiếu và thu nhập khác giảm mạnh so với cùng kỳ.

Tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng +17,1% YoY, mức tăng chậm hơn so với quý trước trong khi chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, tăng +5,6% YoY và chi phí dự phòng giảm -43% YoY do mức nền cao của năm ngoái.

Tín dụng tăng +17% YTD, trong đó cho vay khách hàng tăng +15,7% YTD và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng +25,1% YTD. Tiền gửi khách hàng tăng mạnh trong quý 3/2021 với mức tăng +14% YTD và +9,3% QoQ, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng lên mức cao kỷ lục là 49%.

Tỷ lệ NIM trong Q3/2021 giảm 30 điểm cơ bản so với quý trước xuống còn 5,63%, chủ yếu do Ngân hàng đã giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.

Tuy nhiên, tỷ lên NIM đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và hồi đầu năm. Tại thời điểm cuối Q3/2021, tổng nợ xấu là 1.829 tỷ đồng, tăng +41,2% YoY, tương đương với 0,57% tổng dư nợ cho vay (tăng so với 0,47% tại thời điểm cuối năm 2020 và 0,36% tại thời điểm cuối Q2/2021).

Cho năm 2021, TCB đặt mục tiêu LNTT đạt 19,8 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng +25,3% yoy, tăng trưởng tín dụng tăng +12% yoy, huy động tăng trưởng +14,7% yoy, tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%. Ngân hàng cũng dự kiến không chia cổ tức, đồng thời phát hành hơn 6 triệu ESOP cho CBCNV của Ngân hàng.

Chúng tôi đánh giá tích cực triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của Ngân hàng trong năm 2021 nhờ (1) tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ và NIM tiếp tục cải thiện (nhờ tỷ lệ CASA tăng và hưởng lợi từ môi trường thanh khoản tốt) so với năm 2020 giúp tăng trưởng lãi thuần tăng trưởng trên 20%, (2) CIR tiếp tục cải thiện nhờ chuyển đổi số giúp tối ưu chi phí. Chúng tôi dự báo LNTT của TCB sẽ tăng trưởng +36% yoy, đạt hơn 21,5 nghìn tỷ đồng.

Ở mức giá hiện tại, cổ phiếu đang được giao dịch tại P/B dự phóng là 2,0x. Mức Stock Rating của TCB ở mức 80 điểm cho nên FSC nâng đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của TCB tăng về gần mức kháng cự 54.70 và vượt hoàn toàn đường trung bình 20 phiên với KLGD tăng đột biến so với KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, dòng tiền ngắn hạn đã có dấu hiệu cải thiện kể từ giữa tháng 10/2021 cho đến nay và xu hướng ngắn hạn cũng được nâng lên mức TĂNG.

Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu lên mức 13,84% nếu Sức mạnh giá đạt trên 80 điểm.

Khuyến nghị STB: Mua với tỷ trọng thấp dưới 5%

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC): Mức Stock Rating của STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - HOSE) ở mức 75 điểm cho nên FSC vẫn duy trì đánh giá TRUNG TÍNH mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của STB chốt phiên 3/11 tăng 4,7% và vượt hoàn toàn đường trung bình 20 và 50 phiên với KLGD tăng mạnh so với mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá cũng xác nhận mô hình Vai đầu vai ngược và xu hướng ngắn hạn cũng được nâng lên mức TĂNG.

Đồ thị giá đã thoát khỏi giai đoạn tích lũy. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể xem xét MUA cổ phiếu này với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần lên 9,41% nếu Sức mạnh giá đạt trên 80 điểm.

Khuyến nghị ANV: Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 34.300 đồng

Công ty chứng khoán BIDV (BSC): Cổ phiếu ANV (CTCP Nam Việt - HOSE) đang hình thành xu hướng tăng giá tích cực tại ngưỡng hỗ trợ 34.3. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng hồi phục. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20 và MA50, ủng hộ xu hướng tăng giá tích cực.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 36.55, chốt lãi tại ngưỡng 42.25 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 34.3.

Khuyến nghị TNG: Mua với giá mục tiêu là 45.600 đồng

Công ty Chứng khoán MB (MBS): CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) hưởng lợi từ EVFTA, CPTPP. Những ưu đãi thuế quan sẽ là động lực để thúc đẩy các đơn hàng dịch chuyển sang Việt Nam. Chúng tôi kì vọng các đơn hàng từ châu Âu và các nước thành viên CPTPP sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Mở rộng sản xuất. Nhằm đáp ứng nhu cầu đơn hàng tăng cao, TNG đang có những dự án mở rộng nhà máy, tăng dây chuyền sản xuất. Trong 2021, TNG đã đưa vào hoạt động nhà máy Võ Nhai 2 (20 chuyền may), dây chuyền bông số 3, nhà máy Sông Công mở rộng (16 chuyền may) và Phú Bình mở rộng (16 chuyền may).

Trong tương lai, dự án Đồng Hỷ 2 với 50 chuyền may dự kiến sẽ được xây dựng và đưa vào hoạt động từ 2023. Dự án Đại Từ 2 với 32 chuyền may dự kiến đi vào hoạt động từ 2024.

Mảng bất động sản với nhiều dự án triển vọng. Về bất động sản khu công nghiệp, dự án Sơn Cẩm đã bắt đầu ghi nhận doanh thu và khả năng lấp đầy nhanh chóng. Về bất động sản thương mại, sau thành công dự án TNG Village 1, TNG đang lên kế hoạch ra mắt TNG Village 2.

Bên cạnh đó, TNG còn có các dự án trọng điểm, tọa lạc trên vị trí đắc địa như TNG Landmark, Khu đô thị Đại Thắng, Khu đô thị Hồng Tiến. Định giá Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu TNG với giá mục tiêu là 45,600 VND (+45% upside) sử dụng Phương pháp DCF với mảng dệt may và RNAV với mảng bất động sản. Rủi ro đầu tư.

Những yêu cầu cần và đủ để được hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA và CPTPP rất chặt chẽ, đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ của nguyên phụ liệu.

TNG từ trước đến nay đều tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là dệt may. Việc lấn sân sang một mảng hoàn toàn mới là bất động sản sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ổn vì (1)doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệp trong lĩnh vực này, (2) nguồn vốn cần để phát triển bất động sản rất lớn.

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu TNG với giá mục tiêu là 45.600 đồng/CP (+45% upside) sử dụng Phương pháp DCF với mảng dệt may và RNAV với mảng bất động sản.

Khuyến nghị VTP: Giá mục tiêu 102.300 đồng

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC): Chúng tôi phát hành báo cáo lần đầu Viettel Post (VTP) với khuyến nghị OUTPERFORM, giá mục tiêu 1 năm là 102.300 đồng/CP (Upside: 29%) theo phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF).

VTP đưa vào vận hành nền tảng thương mại điện tử và chuyển phát nhanh Vỏ Sò nhằm tận dụng sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam. 80% doanh thu của VTP đến từ việc vận chuyển hàng hóa cho các sàn thương mại điện tử lớn.

Thế mạnh của VTP là giao hàng liên tỉnh vì mảng này đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng (CSHT) vì thế chịu ít áp lực cạnh tranh hơn trong khi có lợi nhuận cao hơn so với giao hàng nội tỉnh.

VTP đang vận hành 8.000 bưu cục và 300.000 điểm bán hàng được chuyển giao từ Viettel, trở thành đơn vị chuyển phát có quy mô lớn nhất. Công ty đang mở mới và tiến hành số hóa các bưu cục truyền thống nhằm cắt giảm chi phí lao động.

Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn đang sơ khai với nhiều dư địa tăng trưởng. Theo Google, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 52 tỷ USD vào năm 2025 từ mức 15 tỷ USD trong 2020, CAGR ấn tượng 28%. VTP đang ở vị thế thuận lợi để tận dụng sự phát triển mạnh của thị trường thương mại điện tử.

VTP đang có lợi thế để tận dụng sự bùng nổ thương mại điện tử bằng cách khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực giao hàng liên tỉnh, liên tục đầu tư để gia tăng thị phần mảng chuyển phát đường dài. BVSC kỳ vọng VTP sẽ duy trì ưu thế trong phân khúc này thêm vài năm nữa.

Ban lãnh đạo đang lên kế hoạch xây dựng thêm 17 trung tâm logistics trên cả nước nhằm hợp lý hóa quy trình chuyển phát hàng liên tỉnh, củng cố vị thế thống trị của công ty trong lĩnh vực giao hàng liên tỉnh trong tương lai.

VTP đã hoàn thiện hệ sinh thái khép kín với Vỏ Sò (sàn thương mại điện tử), Viettel Sale (quản lý bán hàng đa kênh) MyGo (giao hàng chặng cuối), và Viettel Pay (thanh toán không tiếp xúc) để tạo doanh thu trên toàn chuỗi giá trị trong khi cải thiện dịch vụ khách hàng.

VTP đóng cửa ở mức 79.200 đồng/CP vào 02/11/2021, với P/E tương ứng là 25,4x. Chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM cho VTP với mức giá mục tiêu 1 năm là 102.300 đồng/CP (Upside: 29%), định giá công ty tại mức P/E forward 2022 là 17,5x.

Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Lưu ý!

CHẤN HƯNG