Tính đến 18 giờ ngày 1/11, Việt Nam có tổng cộng 1.180 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 14.689 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 176 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 13.233 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 1.280 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 là 6 ca, lần 2 là 4 ca, lần 3 là 7 ca.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.063 ca.
Cập nhật tình hình COVID-19 ở Việt Nam tính đến 18h ngày 1/11. Đồ họa: Bộ Y tế |
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 18h00 ngày 1/11 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 46.463.772 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1.201.257 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 33.541.743 người.
Mỹ với 9.402.717 ca nhiễm và 236.077 ca tử vong do COVID-19 vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 8.184.082 ca nhiễm và 122.149 ca tử vong và Brazil với 5.535.605 ca nhiễm và 159.902 ca tử vong.
Tại châu Âu, theo số liệu thống kê chính thức của hãng tin AFP, số ca nhập viện do COVID-19 trong tuần này đã lên mức cao nhất tại ít nhất 14 quốc gia trong châu lục. Những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bao gồm CH Séc với tỷ lệ nhập viện là 62 trên 100.000 dân, tiếp đó là Romania (57 ca), Bỉ (51 ca), và Ba Lan (39 ca).
Anh đã trở thành quốc gia thứ chín trên thế giới và thứ tư ở châu Âu (sau Nga, Pháp, Tây Ban Nha) ghi nhận trên 1 triệu ca mắc COVID-19. Ngày 31/10, Anh xác nhận thêm 21.915 ca nhiễm COVID-19, đưa tổng số bệnh nhân COVID-19 ở nước này lên 1.011.660 người, số trường hợp tử vong cũng tăng thêm 326 ca, lên 46.555 người.
Ngày 31/10, thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lệnh phong tỏa mới kéo dài 4 tuần nhằm phòng, chống đại dịch COVID-19 trên toàn vùng England. Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ ngày 5/11 đến 2/12. Theo quy định, người dân ở vùng England chỉ được phép rời khỏi nhà vì những lý do cụ thể, như đi học, làm việc hoặc mua thực phẩm.
Thủ tướng Anh quy định người dân chỉ được phép ra khỏi nhà vì những lý do cụ thể, như đi học, làm việc hoặc mua thực phẩm. |
Tại Italy, với hơn 30.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong hai ngày qua, quốc gia này đang quan ngại sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng mới do tình trạng quá tải của hệ thống y tế quốc gia. Bộ Y tế Italy ngày 31/10 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 31.758 ca nhiễm mới và 297 ca tử vong. Đây là mức tăng hằng ngày cao nhất kể từ khi dịch xuất hiên.
Tính đến nay, Italy đã ghi nhận tới 679.430 ca nhiễm và 38.618 ca tử vong. Nhật báo Corriere della Sera ngày 31/10 đưa tin Chính phủ Italy có thể sớm áp đặt lệnh phong tỏa đối với những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Tại châu Á, để khống chế dịch, chính quyền thủ đô Seoul, Hàn Quốc sẽ bắt đầu áp mức phạt 100.000 won (khoảng 88 USD) đối với những người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng từ ngày 13/11 tới. Tuy nhiên, quy định không áp dụng với trẻ em dưới 14 tuổi, người tàn tật hoặc được chẩn đoán gặp vấn đề sức khỏe, khiến họ khó thở khi đeo khẩu trang. Hàn Quốc hiện có tổng cộng 26.635 ca nhiễm và 466 ca tử vong do COVID-19.
Trong khi đó, một tin vui đến từ quốc gia "chuột túi". Australia bước vào ngày đầu tiên của tháng Mười Một với lần đầu tiên không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng nào sau gần 5 tháng.
Theo Bộ trưởng Y tế Australia Minister Greg Hunt, bang Victoria, điểm nóng COVID-19 chiếm hơn 90% ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Australia, thông báo không phát hiện ca nhiễm mới và tử vong nào trong ngày thứ hai liên tiếp. Như vậy, đây là lần lần đầu tiên kể từ ngày 9/5, quốc gia "chuột túi" không có ca mắc mới trong cộng đồng.
Kể từ khi dịch bùng phát tới nay, Australia ghi nhận khoảng 27.500 ca mắc COVID-19, ít hơn nhiều so với đa số các những quốc gia phát triển khác. Kết quả này có được nhờ Chính phủ Australia đã nhanh chóng đóng cửa biên giới, áp đặt giãn cách xã hội, tiến hành xét nghiệm rộng rãi và truy vết. Bang Victoria cũng vừa chấm dứt lệnh phong tỏa kéo dài 111 ngày đêm, một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất và kéo dài nhất thế giới để phòng chống dịch.
Phó Thủ tướng Canada tự cách ly
Tại Canada, Phó Thủ tướng nước này Chrystia Freeland vừa thông báo trên Twitter, cho biết sau khi nhận được thông báo từ COVID Alert (ứng dụng cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19), bà đã đi xét nghiệm và hiện đang tự cách ly trong khi chờ kết quả xét nghiệm.
Phó Thủ tướng Canada, bà Chrystia Freeland đã tự cách ly sau khi nhận được thông báo từ COVID Alert. Ảnh: The Canadian Press |
Ứng dụng COVID Alert đã có mặt tại Canada từ cuối tháng 7/2020, là một ứng dụng miễn phí trên điện thoại thông minh để cảnh báo người sử dụng khi họ từng ở gần một người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 (với điều kiện là người mắc COVID-19 cũng cài ứng dụng và tự nguyện thông báo về việc bị nhiễm).
Người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Canada, bà Theresa Tam ngày 31/10 đã kêu gọi người dân cùng thực hiện “nỗ lực chung”, tuân thủ những hướng dẫn về y tế công cộng, như thực hiện giãn cách, rửa tay, đeo khẩu trang và sử dụng ứng dụng COVID Alert để ngăn chặn đà tăng của dịch bệnh COVID-19 và giảm bớt gánh nặng cho những lao động làm việc trong lĩnh vực thiết yếu.