COVID-19 chiều 5/12: Thêm 4 người dương tính, ngày thứ 4 không có ca nhiễm ngoài cộng đồng

Cập nhất đến 18h chiều 5/12, Việt Nam chỉ có 4 ca nhiễm được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có ca nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng.

Tính từ 18h ngày 4/12 đến 18h ngày 5/12, Việt Nam có 4 ca mắc COVID-19 mới, đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Trong đó, 3 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP.HCM và 1 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP. Đà Nẵng.

Như vậy, đã 4 ngày liên tiếp, TP.HCM và cả nước không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.220 bệnh nhân/1.361 bệnh nhân COVID-19. Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 5 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 4 ca; số ca âm tính lần 3 là 2 ca.

Tròn 4 ngày, cả nước không có ca nhiễm COVID-19 mới ngoài cộng đồng. Ảnh: Sức Khoẻ & Đời Sống
Tròn 4 ngày, cả nước không có ca nhiễm COVID-19 mới ngoài cộng đồng. Ảnh: Sức Khoẻ & Đời Sống

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đang tích cực truy vết, mở rộng xét nghiệm giám sát các nhóm có nguy cơ cao. Các nhóm nguy cơ cao bao gồm trường hợp có tiếp xúc với các ca dương tính mới 1342, 1347, 1348, 1349 (F1, F2); tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại TP.HCM; người nhập cảnh đang lưu trú tại các khu cách ly tập trung và cơ sở lưu trú có thu phí; người đã thực hiện cách ly ở các tỉnh thành khác về cư trú tại TP.HCM.

Ngoài ra, còn có 14 điểm nguy cơ cần giám sát lấy mẫu xét nghiệm gồm quán ăn, quán cà phê, karaoke, phòng tập gym, trung tâm Anh ngữ và các trường đại học... nơi các ca bệnh đã lui tới hoặc có người tiếp xúc gần.

Trả lời trên Tuổi Trẻ hôm 4/12, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, nếu khống chế được số mắc COVID-19 đợt này dưới 10 ca bệnh là ngăn được lây nhiễm chu kỳ thứ ba. "Tôi cho rằng có thể dập tắt được ổ dịch tại TP.HCM, nhưng chúng ta không được chủ quan lơ là vì có thể có những trường hợp chưa phát hiện được do có nhiều trường hợp không có triệu chứng hoặc có những triệu chứng nhẹ mà người dân không khai báo và không đến trạm y tế, không phát hiện và có thể lây lan”, ông Phu nói.

Theo ông, nếu xét nghiệm F1 có kết quả âm tính thì F2 không phải cách ly nữa. Tuy nhiên F2 cần phải theo dõi sức khỏe và có vấn đề gì thì báo cho cơ sở y tế để hướng dẫn và tư vấn kịp thời, đặc biệt cần phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.

Lực lượng chức năng phong tỏa một khu vực ở TP.HCM hôm 4/12 để kiểm soát dịch - Ảnh: Tuổi Trẻ
Lực lượng chức năng phong tỏa một khu vực ở TP.HCM hôm 4/12 để kiểm soát dịch - Ảnh: Tuổi Trẻ

Theo trang thống kê worldometers.info, cập nhật đến 18h ngày 5/12 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 66,3 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 1,5 triệu ca tử vong, hơn 45,9 triệu ca phục hồi và hiện còn hơn 18,8 triệu ca đang phải điều trị.

Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19, với tổng số ca nhiễm là 14,7 triệu ca, trong đó 285.656 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới và đứng đầu khu vực châu Á, với 9,6 triệu ca mắc, trong đó 139.736 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba thế giới và đứng đầu khu vực Nam Mỹ về số ca nhiễm, với 6,5 triệu ca mắc, trong đó 175.981 ca tử vong.

Tại Mỹ, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia (UNIAID), Tiến sĩ Anthony Fauci ngày 4/12 cảnh báo Mỹ vẫn chưa trải qua “đỉnh dịch hậu kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn” về mức độ lây nhiễm COVID-19, ngay cả khi các bang trên khắp nước Mỹ đã ghi nhận số ca lây nhiễm tăng kỷ lục trong tuần qua.

Trả lời trên NBC News, Tiến sĩ Fauci nêu rõ, nước Mỹ sẽ có thể “không nhận thấy ảnh hưởng đầy đủ do các cuộc tụ họp và đi lại vào kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn gây ra” cho đến khoảng 2-3 tuần sau kỳ nghỉ này. Ông Feuci cho rằng, đó là một điều gây lo ngại, bởi vì số ca lây nhiễm sẽ ở mức đáng báo động bởi tình trạng này sẽ diễn ra khi sắp đến kỳ nghỉ Lễ Giáng sinh, khi mọi người bắt đầu đi lại và mua sắm cũng như tụ tập.

Nhân viên y tế tại điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Đại học Y tế Washington. Ảnh: AP
Nhân viên y tế tại điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Đại học Y tế Washington. Ảnh: AP

Mexico hiện là một trong những quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador trong ngày 4/12 đã kêu gọi người dân cả nước và đặc biệt là tại thủ đô Mexico City ở nhà, không ra đường khi không có việc quan trọng và tránh hội họp, tụ tập đông người dịp Giáng sinh và Năm mới để tránh lây lan dịch bệnh.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Mexico Martha Delgado cho biết, nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ vào cuối tháng 12 và y, bác sỹ là những đối tượng ưu tiên hàng đầu.

TIỂU GU

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương