COVID-19: Mỹ ghi nhận thêm 42.000 ca nhiễm trong 24h qua, Anh phong tỏa thành phố Leicester

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins tính đến 7h30 sáng 30/6 (theo giờ Việt Nam), trong 24h qua, Mỹ ghi nhận thêm ít nhất 42.000 nhiễm COVID-19.

Theo TTXVN, số ca nhiễm mới chủ yếu xuất hiện tại các bang miền Tây và Nam, đưa tổng số ca nhiễm ở Mỹ lên gần 2,6 triệu người. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 trong ngày tiếp tục đà giảm, với 355 ca trong 24 giờ qua. Báo New York Times ngày 29/6 đưa tin 43% số ca tử vong tại Mỹ là ở các trung tâm dưỡng lão và cơ sở chăm sóc sức khỏe lâu dài.

Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về dịch bệnh truyền nhiễm, tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại trong cộng đồng. Tình hình dịch bệnh lây lan đã buộc nhiều thống đốc bang của Mỹ phải tái áp đặt các biện pháp như đóng cửa quán bar và nhà hàng.

Thống đốc bang New Jersey, Phil Murphy ngày 29/6 thông báo duy trì vô thời hạn lệnh cấm các nhà hàng phục vụ ăn uống tại chỗ - vốn theo kế hoạch sẽ được dỡ bỏ từ ngày 2/7 tới. Trong khi đó, Thống đốc bang Arizona, Doug Ducey ra lệnh đóng cửa các quán bar, câu lạc bộ ban đêm, phòng tập gym, rạp chiếu phim và công viên nước trong 30 ngày để ngăn chặn dịch lây lan.

Ngày 28/6, nhà chức trách bang California cũng chỉ thị đóng cửa các quán bar ở thành phố Los Angeles và 6 hạt khác, sau khi các bang Texas và Florida có quyết định tương tự. 

Nhà chức trách Florida cho biết các bãi biển ở hạt Broward và hạt Palm Beach sẽ không mở cửa trong các ngày 3-5/7. Trong khi đó, chuỗi rạp chiếu phim AMC lớn nhất nước Mỹ quyết định lùi thời điểm mở cửa trở lại thêm 2 tuần, đến ngày 30/7 tới. Chuỗi nhà hát Broadway nổi tiếng ở New York cũng sẽ đóng cửa cho đến hết năm nay. Các quyết định này ảnh hưởng không ít tới các kế hoạch kỷ niệm Ngày Quốc khánh 4/7 của nhiều người dân Mỹ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giới chức Mỹ vẫn đưa ra những quan điểm trái chiều, khiến các nỗ lực kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn. Tổng thống Donald Trump cho rằng Mỹ sẽ vượt qua đại dịch COVID-19, trong khi cố vấn y tế của ông cảnh báo biểu đồ dịch bệnh ở Mỹ sắp đạt đến "điểm uốn".

Theo Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar, cơ hội để Mỹ hành động và kiểm soát dịch bệnh đang thu hẹp dần. Liên quan tới các biện pháp phòng dịch, Tổng thống Trump từ chối đeo khẩu trang, trong khi Phó Tổng thống Mike Pence khuyến cáo đeo khẩu trang trong trường hợp không thể thực hiện giãn cách xã hội, hoặc khi nhà chức trách yêu cầu. Tuy nhiên, ông Pence cũng cho biết chính quyền liên bang sẽ cho phép các bang tự quyết vấn đề này.

Nhân viên y tế chuẩn bị đặt nội khí quản cho bệnh nhân COVID-19 tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện ở Houston, Texas,  ngày 29/6. Ảnh: Reuters.
Nhân viên y tế chuẩn bị đặt nội khí quản cho bệnh nhân COVID-19 tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện ở Houston, Texas,  ngày 29/6. Ảnh: Reuters.

Còn tại Anh, Chính phủ nước này đã phong tỏa thành phố Leicester, nơi có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao hơn nhiều so với tất cả các địa phương khác trên cả nước. Đây là động thái quan trọng đầu tiên mà Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson thực hiện nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 trong khuôn khổ chính sách mới, theo đó ngăn chặn dịch từ địa phương hơn là thực hiện các biện pháp toàn quốc.

Hiện Anh đang dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc, những cửa hàng không phục vụ những mặt hàng thiết yếu đã mở cửa và giai đoạn nới lỏng hạn chế tiếp theo sẽ được thực hiện từ ngày 4/7. Tuy nhiên, Leicester và các khu vực xung quanh đang phải làm ngược lại. 

Trong báo cáo gửi Quốc hội Anh, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày qua tại Leicester là 135 ca/100.000 người, cao nhất cả nước và gấp 3 lần so với thành phố đứng thứ 2 về tỷ lệ lây nhiễm tại Anh.

Trong tuần qua, số ca nhiếm mới tại Leicester chiếm 10% tổng số ca của cả nước. Vì vậy, Bộ Y tế Anh quyết định không triển khai giai đoạn nới lỏng phong tỏa tiếp theo tại thành phố này từ ngày 4/7 tới như áp dụng với các địa phương khác trên cả nước. Cùng với đó, từ ngày 30/6, tất cả các cửa hàng bán mặt hàng không thiết yếu tại thành phố sẽ phải đóng cửa. Các trường học cũng sẽ đóng cửa từ ngày 2/7.

Anh là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất ở châu Âu, với hơn 43.500 ca. Quốc gia này bắt đầu phong tỏa cả nước từ ngày 23/3 nhưng dần nới lỏng các biện pháp hạn chế trong tháng 5 và tháng 6.

Gần đây, Thủ tướng Johnson tuyên bố nhà chức trách sẽ chuyển hướng sang kiểm soát dịch bệnh từ địa phương.

Một người phụ nữ đeo khẩu trang bước qua tấm biển kêu gọi giãn cách xã hội trong khu phố North Evington của Leicester ngày hôm nay (30/6). Ảnh: Dailymail.
Một người phụ nữ đeo khẩu trang bước qua tấm biển kêu gọi giãn cách xã hội trong khu phố North Evington của Leicester ngày hôm nay (30/6). Ảnh: Dailymail.

Cùng ngày, giới chức Hy Lạp xác nhận các chuyến bay thẳng từ Anh và Thụy Điển tới quốc gia này sẽ tiếp tục bị cấm đến ngày 15/7, đồng thời cho biết Athens sẽ dựa theo hướng dẫn của Liên minh châu Âu (EU) để xác định các quốc gia vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh.

Quyết định này được đưa ra bất chấp thực tế Anh lâu nay luôn là thị trường quan trọng của ngành du lịch Hy Lạp, ngành kinh tế mũi nhọn vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh khiến kinh tế toàn cầu suy giảm.  

Hy Lạp mở cửa trở lại các sân bay chính ở Athens và Thesaloniki để phục vụ các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/6 và sẽ mở cửa tất cả các sân bay từ ngày 1/7. Theo đó, tất cả các chuyến bay từ hầu hết các địa điểm của châu Âu đều sẽ được hạ cánh tại các sân bay Hy Lạp. Tuy nhiên, các chuyến bay thẳng từ Anh và Thụy Điển chưa được phép hạ cánh tại Hy Lạp, ít nhất là tới giữa tháng 7.

Nhấn mạnh việc mở cửa trở lại cần được thực hiện theo một quy trình linh hoạt, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết chính phủ nước này sẽ thận trọng xem xét tình hình trong khi triển khai quy trình này. Hy Lạp được coi là một trong những quốc gia có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 thấp so với các quốc gia khác tại châu Âu, chủ yếu nhờ sớm áp dụng biện pháp phong tỏa.

Đến nay, Hy Lạp chỉ ghi nhận tổng cộng 3.376 ca mắc. Từ tháng 5, Hy Lạp dần nới lỏng các hạn chế. Từ ngày 1/7 tới, người nhập cảnh Hy Lạp phải điền tờ khai các địa điểm đã qua tối thiểu là 48h trước khi nhập cảnh.

NGỌC CHÂU (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương