Cục quản lý thị trường Khánh Hòa – Đồng hành cùng sự hồi sinh bình ổn thị trường

Năm 2022, Cục QLTT Khánh Hòa đã xử lý 341 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách NN gần 3,5 tỷ đồng; góp phần tích cực ổn định thị trường Khánh Hòa

Có thể nói, năm 2022 đã trôi qua với rất nhiều khó khăn cho mọi thành phần kinh tế, bởi ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhờ kiên định bám sát chỉ đạo của Trung ương và địa phương, Cục Quản lý thị trường (Cục QLTT) tỉnh Khánh Hòa đã tập trung thực hiện việc chủ trì, phối hợp triển khai các kế hoạch, phương án kiểm tra chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, kiểm tra việc thực hiện luật thương mại phù hợp với tình hình đặc điểm của ngành trên địa bàn. Nhờ vậy, năm 2022, Cục QLTT Khánh Hòa đã đạt được một số kết quả nhất định: xử lý 341 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 3,5 tỷ đồng; ngăn chặn, hạn chế được nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp tục góp phần tích cực ổn định thị trường Khánh Hòa.

Đấu tranh gạn đục khơi trong thị trường

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ, đồng thời thực hiện chủ trương tập trung đầu tư thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, Cục QLTT Khánh Hòa cũng đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường công tác quản lý đối với các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chất lượng hàng hóa được sản xuất, bình ổn thị trường và đáp ứng nhu cầu an toàn cho đời sống nhân dân.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa tăng cường công tác quản lý đối với các mặt hàng thiết yếu
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa tăng cường công tác quản lý đối với các mặt hàng thiết yếu

Từ đầu năm 2022, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được khống chế, nhưng do thời gian dịch bệnh kéo dài, những ảnh hưởng nặng nề của nó đến tình hình sản xuất, kinh doanh, sức mua và sức bán trên thị trường đã gây nhiều hệ lụy: hầu hết các hoạt động dịch vụ du lịch gần như đóng cửa, thua lỗ kéo dài, nhu cầu mua sắm của người dân giảm mạnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn... 

Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế đã bắt đầu hồi sinh, sức sống mãnh liệt trên thị trường tỉnh Khánh Hòa đã dần khôi phục; thị trường hàng hóa lại dồi dào, phong phú và đa dạng, thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Đây cũng chính là lúc các gian thương tiếp tục tái xuất các hoạt động gian lận thương mại như: vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, không niêm yết giá và không bán theo giá niêm yết,...

Vì vậy, nhằm ngăn chặn kịp thời những sai phạm, không để xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức gây bất ổn định thị trường,... Cục QLTT Khánh Hòa đã tích cực chủ động triển khai và phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra liên ngành việc tuân thủ các quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời, tích cực thực hiện các biện pháp quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát nên trong thời gian qua, thị trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nhìn chung tương đối ổn định, cung - cầu các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo.

Riêng mặt hàng xăng, dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng, để phù hợp với giá nhiên liệu xuất, nhập và đáp ứng nhu cầu thị trường, liên Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính đã có rất nhiều lần điều chỉnh tăng, giảm giá trong năm, cụ thể: mặt hàng xăng có 19 lần điều chỉnh tăng giá, 14 lần điều chỉnh giảm giá; mặt hàng dầu có 16 lần điều chỉnh tăng giá, 11 lần điều chỉnh giảm giá; mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) có 08 lần điều chỉnh giảm và 4 lần tăng gía. Cục QLTT đã chủ động bám sát hoạt động kinh doanh tăng, giảm trên, nhằm ngăn chặn tình trạng găm hàng, ép gía...

Đặc biệt, Cục QLTT Khánh Hòa đã ban hành, tổ chức thực hiện 09 kế hoạch và 153 văn bản triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương cũng như của địa phương về nhiệm vụ chống buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát, Cục QLTT Khánh Hòa đã phát hiện và xử lý 341 trường hợp vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, không đảm bảo an toàn thực phẩm (số vụ vi phạm tăng 57 vụ, tỷ lệ tăng trên 20% so với năm 2021); thu nộp ngân sách nhà nước gần 3,5 tỷ đồng (tăng trên 80% so với năm ngoái, đạt trên 110% chỉ tiêu Tổng Cục giao); Hàng hóa thu giữ đang chờ tiêu hủy trị giá trên 900 triệu đồng (trên 1.000 đơn vị sản phẩm), chủ yếu là thuốc lá, thực phẩm, yến sào không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm, đồng hồ, kính mắt, balo, túi xách, giày dép…

Lực lượng QLTT Khánh Hòa vận động tiểu thương ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả...
Lực lượng QLTT Khánh Hòa vận động tiểu thương ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả...

Đồng thời với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, Cục QLTT Khánh Hòa cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động 841 doanh nghiệp, tiểu thương ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng và hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm,… Lực lượng QLTT Khánh Hòa đã tổ chức phát 2.985 tờ rơi tuyên truyền “Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu là hành vi vi phạm pháp luật”; phát 2.901 tờ rơi tuyên truyền “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và một số quy định mới về hoạt động thương mại điện tử” và tờ rơi tuyên truyền “Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn năm 2021-2025”; dán 4.232 tờ áp phích tuyên truyền “Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu”; phối hợp các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả và thực hiện tuyên truyền, phản ánh kết quả vận động ký cam kết, thông tin kết quả hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, nhắc nhở nghiêm túc thực hiện chính sách pháp luật trong hoạt động thương mại; công bố đường dây nóng về việc tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn... 

Phát huy vai trò xây dựng văn minh thị trường

Trước dự báo, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023 sẽ còn gặp nhiều khó khăn; giá cả hàng hóa chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan, lẫn chủ quan trong nước và thế giới; thiên tai, dịch bệnh sẽ tác động đến thị trường hàng hóa; các thành phần gian lận thương mại sẽ tranh thủ cơ hội “nước đục thả câu”... Vì vậy, Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa đã tiếp tục đề ra nhiều kế hoạch với các nội dung cụ thể như: đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường hoạt động kiểm tra thực hiện luật thương mại tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; kiểm tra thông tin công bố trên website thương mại điện tử bán hàng, thông tin hàng hóa theo quy định của pháp luật, thông tin về chủ sở hữu website; kiểm tra việc thực hiện các quy định ghi nhãn hàng hóa, niêm yết giá hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, khu vực chứa đựng, kho bảo quản đảm bảo theo qui định, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh,...

 Cục QLTT Khánh Hòa đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát tình hình thị trường, giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu; chống đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý, loan tin thất thiệt gây bất ổn thị trường trước Tết Nguyên Đán
 Cục QLTT Khánh Hòa đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát tình hình thị trường, giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu; chống đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý, loan tin thất thiệt gây bất ổn thị trường trước Tết Nguyên Đán

Đặc biệt, Cục QLTT Khánh Hòa tiếp tục chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát tình hình thị trường, giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu; chống đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý, loan tin thất thiệt gây bất ổn thị trường,...  Nhằm tăng cường hoạt động và nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, lực lượng QLTT Khánh Hòa cũng đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nghiệp vụ,  kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả; tổ chức kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm các kho tàng, bến bãi, điểm tập kết, cơ sở kinh doanh cố định có dấu hiệu chứa chấp hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, ngăn chặn hành vi lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng… nhất là trong thời điểm tháng cuối năm, dịp Lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán.

Trước mắt, phát huy hiệu quả vai trò phục vụ nhân dân vui xuân đón Tết Nguyên Đán Quý Mão-2023, Cục QLTT Khánh Hòa đã tập trung cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên Đán.

Tập thể cán bộ Cục Quản lý thị trưởng tỉnh Khánh Hòa
Tập thể cán bộ Cục Quản lý thị trưởng tỉnh Khánh Hòa

Với trọng trách là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389/KH, Cục QLTT Khánh Hòa đã tham mưu xây dựng kế hoạch công tác năm 2023; công tác chỉ đạo và tổ chức sự phối hợp giữa các ngành, lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Ngoài triển khai thực hiện các kế hoạch chuyên đề, Cục QLTT Khánh Hòa cũng chú ý công tác dự báo, nắm diễn biến thị trường; chủ động phối hợp cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, trang thiết bị y tế, các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19…; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác, ngăn chặn nguy cơ thiệt hại, bảo vệ kịp thời quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, góp phần tích cực xây dựng thị trường thương mại bình ổn, văn minh và góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển lành mạnh./.

Quỳnh Mỹ

Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ 1.000 bộ van máy thở không rõ nguồn gốc

Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ 1.000 bộ van máy thở không rõ nguồn gốc

Tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Đội QLTT số 24, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Công an huyện Hoài Đức vừa phát hiện và thu giữ 1.000 bộ van máy thở không rõ chất lượng trên đường đi tiêu thụ.