Cung Thiếu Nhi Hà Nội ngày ấy: Một cảm giác rất dịu dàng khi nhớ về...

"Giấc mơ đẹp thì ít khi tìm đến. Còn ký ức đẹp, là thứ mình có thể tự tạo ra.” - Điều bác Phạm Hổ nói với chúng tôi.

“Trong cuộc sống có hai điều dịu ngọt dài lâu: những giấc mơ đẹp và những ký ức đẹp. Giấc mơ đẹp thì ít khi tìm đến. Còn ký ức đẹp, là thứ mình có thể tự tạo ra.” - Điều bác Phạm Hổ nói với chúng tôi.

Với bọn trẻ con 8x ở Hà Nội, Cung Thiếu Nhi có lẽ là một ký ức tập thể vô cùng thân thuộc. Gọi là ký ức tập thể, bởi lẽ vào những năm một chín chín mấy ấy, khi cuộc sống văn hóa còn khá đơn sơ với chương trình thiếu nhi duy nhất trên truyền hình là 15 phút phát sóng Những bông hoa nhỏ, thì cái khoảng sân với dãy nhà 4 tầng nằm trên phố Lý Thái Tổ có lẽ là nơi duy nhất, thực sự là một thế giới dành riêng cho trẻ em.

Cung Thiếu Nhi 
Cung Thiếu Nhi 

Có một cảm giác gì đó rất dịu dàng, mỗi khi tôi hồi nhớ về những ngày tháng ấy. Chúng tôi là những học sinh của lớp sáng tác văn học - một câu lạc bộ khá đặc biệt được tổ chức tại Cung. Ngày đầu tiên tới đăng ký lớp, tôi vẫn nghĩ đó là một hoạt động vui vui kéo dài độ vài ba buổi, gặp gỡ một vài nhà văn thú vị như nhà thơ Phạm Hổ, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nghe một vài câu chuyện về văn học thiếu nhi... Vậy mà cuối cùng, tôi cứ bị cuốn theo mãi, gắn bó với nơi này như một ngôi nhà thứ hai của mình. 

Về sau tôi mới biết, bên cạnh các hoạt động khá truyền thống của Cung như Âm nhạc, Mỹ thuật, Múa, Võ thuật… thì đến thời điểm đó, các bác trong ban giám đốc Cung thiếu nhi đã lần đầu thử nghiệm một câu lạc bộ riêng về văn học, xây dựng các hoạt động hoàn toàn để khơi gợi năng khiếu viết lách cho trẻ em.

Trong suy nghĩ của bọn trẻ con tuổi 12-13, những buổi học sáng tác thực sự là các cuộc dạo chơi. Chúng tôi học trong dãy nhà truyền thống, chính là Ấu trĩ viên cũ, gần như tách biệt hoàn toàn với các lớp học khác. Những phòng học khi đó giống như thiên đường, với những vòm cửa sổ cao vút, những căn phòng mát lạnh nối tiếp nhau, chứa đầy bí mật để khám phá. Và bên trong đó là khu thư viện sách thiếu nhi khá lớn, chúng tôi có thể ngồi cả buổi chiều để tìm và đọc những cuốn sách, truyện thiếu nhi thỏa thích.

Lớp sáng tác thường được các thầy cô ưu ái để thật tự do. Có những buổi gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ thiếu nhi, trong đó đáng nhớ nhất là nhà thơ Phạm Hổ - người thầy yêu kính nhất của chúng tôi. Có những buổi chỉ đi dạo và quan sát, chẳng cần làm gì cả, chỉ cần chúng tôi thích viết được gì thì viết. Vậy là suốt giờ học, chúng tôi có thể đi lại thỏa thích ở khắp nơi, sang thăm hết lớp học này tới lớp học khác, hoặc hứng lên thì mang hết bàn ghế ra sân, ngồi ở những khoảng trời mình thích và viết bất cứ điều gì mình có cảm xúc. 

Vào mùa hoa hoàng lan nở, những bông hoa to xanh mướt thơm thoảng từ trên vòm cây, đôi lúc rụng lác đác đầy thềm. Vào mùa thu, lá trút đầy trên sân, trên mặt bàn. Những mẩu truyện ngắn, những vần thơ ngô nghê trẻ con ra đời. Có những truyện ngắn đoạt giải trong cuộc thi văn học thiếu nhi thành phố, có những bài thơ đăng báo, được đọc trên truyền hình. Nhưng cũng có những mẩu xúc cảm bé nhỏ tí ti thôi, và rất đỗi riêng tư, như những điều vụt qua tâm trí được ghi chép lại. Tất cả đều được chắp bút từ không gian ấy, dưới tiếng lá xào xạc của cây hoàng lan. 

Tôi đã yêu mến cái không gian thân thuộc đó biết bao! Niềm yêu thích khi đó hoàn toàn là sự ham thích trẻ con trước một sân chơi thật thoải mái sau những buổi học tại trường. Nhưng mãi về sau này, khi đã đủ lớn để nhìn lại, tôi mới hiểu được ý nghĩa của tình cảm đó, và biết ơn về những điều chúng tôi được trải qua. 

Đó là môi trường đầu tiên trong đời khuyến khích những đứa trẻ được tự do, thoát hoàn toàn khỏi sự bó buộc. Nơi cho chúng tôi được hoàn toàn tự do cảm nhận, tự do khám phá bản thân và tự do thể hiện chính mình. 

"Bọn trẻ con chúng tôi thời đó" - Ảnh chụp trong khuôn viên Cung thiếu nhi (Ảnh tác giả cung cấp)

Đến bây giờ, nghĩ đến những ngày tháng gắn bó với Cung thiếu nhi và Lớp sáng tác, tôi vẫn mỉm cười thật yêu thương. Lứa học sinh ngày nào đa phần đều đã có con đường sự nghiệp riêng, một số theo đuổi niềm yêu thích viết lách để trở thành nhà văn, nhà báo, một số - có lẽ đông hơn - thì nhớ về những tháng ngày học trên Cung thiếu nhi đơn thuần là những kỷ niệm trẻ thơ. Nhưng những hạt mầm trong trẻo được các thầy cô gieo từ những ngày tháng ấy vẫn còn, giúp mỗi đứa trong chúng tôi biết nhìn cuộc sống đẹp hơn, yêu thương hơn. 

Có lần đưa đứa con nhỏ của mình lên Cung chơi, đứng trước không gian quen thuộc, tôi khẽ bảo với con: “Nơi đây là tuổi thơ của mẹ.” Tôi cảm thấy như mình bé nhỏ lại, lại ngồi bên chiếc bàn, trang giấy trắng năm xưa, ngắm lá trút rơi, và thả cho cảm xúc của mình tự do bay bổng. 

Phải, đó thực sự là một ký ức đẹp - Điều dịu ngọt dài lâu mà chúng tôi đã tự tạo ra. 

Nông Bích Vân

Phim thiếu nhi Việt: Làm thế nào để mở toang cửa sổ

Phim thiếu nhi Việt: Làm thế nào để mở toang cửa sổ

Lựa chọn phim Việt cho thiếu nhi duy nhất hiện nay là Maika, cô bé đến từ hành tinh khác, lại dường như không dành được nhiều ưu thế.