Cuộc đời nô lệ của những đứa trẻ Việt sang Anh trồng cần sa, trả nợ cho cha mẹ

Những cậu bé bị bắt cóc, tấn công tình dục, để lại những sang chấn tâm lý kinh hoàng.

Ngày 22.10 vừa qua, truyền thông Anh đưa tin cảnh sát đã giải cứu 3 đứa trẻ, trong độ tuổi từ 15 - 17, khỏi một nhà xưởng được cải tạo lại thành trang trại trồng cần sa trên đường Livsey, Rochdale ngày 14.10.

Cảnh sát cho biết các trẻ em Việt phải sống trong điều kiện tồi tệ, không được rời khỏi địa điểm trồng cần sa.
Cảnh sát cho biết các trẻ em Việt phải sống trong điều kiện tồi tệ, không được rời khỏi địa điểm trồng cần sa.

Cảnh sát Greater Manchester (GMP) tin rằng bọn trẻ đã ở nhiều tháng trời trong trang trại trồng cần sa, bị cấm rời khỏi nơi này và phải sống trong điều kiện tồi tệ. Theo Manchester Evening News, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy 3 đứa trẻ là nạn nhân của hoạt động buôn người, được đưa từ Việt Nam sang Anh, bị "bóc lột sức lao động" để chăm sóc khu vườn cần sa trị giá hơn 1 triệu USD.

Đây chỉ là một trong hàng triệu trang trại cần sa rải rác khắp nước Anh, nơi mà giá cần sa đắt nhất châu Âu. Ước tính mỗi năm có khoảng 13.000 người bị buôn lậu vào Anh, và trẻ em Việt Nam chiếm số lượng lớn nhất, chủ yếu từ Hà Tĩnh, Nghệ An. Những nạn nhân này mang lại khoản lợi "khủng" lên tới 75 triệu bảng Anh cho các tổ chức xã hội đen.

Những trẻ em này chủ yếu xuất thân từ những gia đình nghèo khó và họ thường nghĩ rằng phương Tây là một cơ hội để thoát khỏi cảnh cơ cực. Khi đến Anh, họ bị những kẻ buôn người giam giữ như tù nhân và bị ép trồng cần sa để trả cho số nợ lên đến 30.000 USD (chi phí được đưa sang Anh, tương đương gần 900 triệu đồng). Nơi trồng cần sa là những ngôi nhà có hệ thống làm nóng phức tạp, những chiếc bóng điện cao áp bỏng rát.

Catherine Baker, nhân viên chính sách của tổ chức chống buôn bán trẻ em ECPAT UK, cho hay giới chức Anh thường xuyên xem các nô lệ trẻ em là tội phạm thay vì giúp đỡ họ, vì việc trồng cần sa là hành động trái pháp luật ở Anh.

Những nạn nhân của tệ buôn người, "nô lệ hiện đại"

Trẻ em nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và cho những tay buôn người bán sang Anh để lao động trong các xưởng cần sa.
Trẻ em nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và cho những tay buôn người bán sang Anh để lao động trong các xưởng cần sa.

Hải (16 tuổi, Hải Phòng), bị bọn buôn người đưa sang Anh từ năm 13 tuổi để kiếm tiền trả nợ cho mẹ. 

Theo điều tra của The Sunday Times, rất nhiều thợ tại các tiệm làm móng tay Việt Nam trên toàn nước Anh là nạn nhân của các nhóm buôn người. Một số người bị bọn buôn người buộc phải lao động không công, số khác phải đi bán dâm, để trả nợ “chi phí” mà bọn buôn người bỏ ra để đưa họ sang Anh. Các tiệm làm móng này thường được dùng làm nơi rửa tiền cho các trang trại trồng cần sa ở các vùng nông thôn của Anh. Hải được cho là từng bị bắt làm nô lệ trong một trang trại như vậy, The Sunday Times cho biết.

Cha của Hải chết vì tai nạn giao thông khi em mới bốn tuổi và mẹ em bắt đầu phải mượn tiền từ những người cho vay nặng lãi để trang trải cuộc sống. Những người này sau đó đến nói với mẹ Hải rằng họ biết chỗ có thể giúp Hải, khi đó mới 13 tuổi, sang Anh làm việc để có tiền trả nợ.

Hải cùng một nhóm những đứa trẻ khác được nhóm này đưa sang CH Séc, rồi bị giấu vào trong những chiếc xe tải để đi một hành trình dài sang Anh, trong tình trạng đói khát và giá rét. Trước khi được cảnh sát giải cứu hai năm trước đây, Hải bị cầm tù trong một căn nhà khóa trái ở miền bắc nước Anh. Cậu ở một mình trong căn nhà nói trên suốt cả ngày để trông coi cây cần sa mà sau này cậu kể lại là “có mùi rất kinh khủng”.

Hải kể lại rằng trong hoàn cảnh luôn bị hành hạ về thể xác lẫn tinh thần, toàn bộ hy vọng trốn thoát đều nhanh chóng lụi tàn. “Khi bị dọa rằng mẹ sẽ bị giết, em gái sẽ bị cắt tay, thì em chỉ còn biết làm theo những gì được bảo và cố không nghĩ về ngày mai”, Hải cho hay.

Cuộc đời nô lệ hiện đại của những trẻ em Việt bị ép vào các trang trại trồng cần sa như thế này ở Anh .
Cuộc đời nô lệ hiện đại của những trẻ em Việt bị ép vào các trang trại trồng cần sa như thế này ở Anh .

Hiện chưa có con số chính xác về số trẻ em Việt Nam bị buôn bán sang Anh nhưng các tổ chức chống buôn bán người tin rằng trong thập kỷ qua, hàng ngàn trẻ em đã bị ép buộc trồng cần sa ở xứ này. Khá nhiều trong số đó bị cảnh sát bắt và đưa về các trung tâm chăm sóc, nơm nớp lo sợ bị những kẻ buôn người bắt lại hay phải quay trở về quê nhà nên chạy trốn và trở về với những kẻ bóc lột mình.

Nam, một cậu bé người Việt 16 tuổi, bị bắt cóc, cưỡng hiếp và bị đem bán ở Anh, bị nhốt và buộc phải trồng cần sa, chịu đựng những sang chấn tâm lý kinh hoàng. Khi cảnh sát tìm thấy Nam, cậu bị đối xử như một tên tội phạm thay vì là một nạn nhân. Những đứa trẻ như Nam là tài sản quý giá cho những người điều hành các trang trại cần sa: giá rẻ, dễ kiểm soát và có thể đe dọa được.

Một lần, Nam cố gắng trốn thoát nhưng đã bị bắt lại và được đưa trở lại căn nhà hoang. Cậu hiểu rằng mình sẽ bị giết nếu cố gắng trốn thoát một lần nữa. Nam hiểu rằng những cái cây mà cậu đang chăm sóc còn có giá trị hơn cuộc sống của mình.

Số cần sa được phát hiện ở ngoại ô Manchester có giá thị trường hơn 1 triệu USD. 
Số cần sa được phát hiện ở ngoại ô Manchester có giá thị trường hơn 1 triệu USD. 

Ngày cảnh sát đột kích căn nhà đánh dấu sự kết thúc kiếp nô lệ của Nam và giải thoát cậu khỏi những kẻ buôn người. Nhưng Nam lại trở thành tội phạm buôn ma túy chứ không phải là nạn nhân của những kẻ buôn người. Hành trình gian nan của Nam trải qua những lần chuyển nhà giam, xét xử, được trả tự do rồi bị bắt giam trở lại vì luật sư khuyên cậu nhận tội. Cậu bị bắt nạt bởi cả tù nhân và nhân viên, không được cho ăn và bị tấn công tình dục, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần vốn đã mong manh của Nam. 

Điều kinh khủng nhất Nam đã tiết lộ khiến bác sĩ Frank Arnold, người giúp ghi lại những kinh nghiệm của các nạn nhân bị tra tấn, không thể tưởng tượng ra được, rằng sau cuộc tẩu thoát không thành khỏi nhà trồng cần sa ở Chesterfield, Nam bị những kẻ buôn người bắt giữ lại và cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục, đồng thời chúng cũng nói với cậu rằng chúng đã nhét thiết bị theo dõi vào cơ thể của cậu. Sự đe dọa này tác động tâm lý lên Nam vẫn vô cùng lớn, cậu luôn cảm thấy mất an toàn.

Tháng 11/2018, bản án của Nam về việc trồng cần sa đã bị hủy bỏ. Cậu không còn là tội phạm trong mắt chính quyền Anh. Nam được chính phủ Anh cho phép được lưu lại đất nước vì những lo sợ cậu sẽ bị buôn bán trở lại hoặc bị giết bởi chính băng đảng đã khiến câu trở thành tội phạm. Đối với Nam, điều này giống như một sự tái sinh. Hiện tại, Nam đang cố gắng học lại cách sống của một người bình thường và đã tìm lại được một chút bình yên cho cuộc sống của mình. 

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

AN LY (t/h)

Giấc mơ di dân biến thành thảm kịch

Giấc mơ di dân biến thành thảm kịch

Vụ việc 39 thi thể bị phát hiện trong container đông lạnh ở Anh hôm 23/10 lại nối dài những thảm kịch di dân, tố cáo tội ác của bọn buôn người.