Cuộc đua huy động tiền gửi vẫn tiếp tục diễn ra

 Lãi suất 10%/năm trên thị trường đã biến mất. Các ngân hàng trả lãi suất cao vọt chỉ áp dụng vài ngày đều điều chỉnh lãi suất huy động về ngang thị trường chung.

Hiện có 19 ngân hàng trả lãi 6% một năm cho tiền gửi 1 tháng và 3 tháng tại quầy. Con số này trên kênh online là 18 đơn vị.

Với kỳ hạn 12 tháng, giao dịch tại quầy đang có 9 ngân hàng, giao dịch online đang có 13 nhà băng trả lãi trên 8%. SCB vẫn là quán quân lãi suất ở cả hai kênh giao dịch.

Việc tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, theo Công ty Chứng khoán SSI, không gây quá nhiều bất ngờ cho thị trường. Tuy nhiên, diễn biến lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại vẫn còn khá phức tạp.

SSI nhận định các ngân hàng thương mại trong hệ thống đều đã đồng loạt điều chỉnh tăng 30-100 điểm cơ bản tùy kỳ hạn, trong đó kỳ hạn dưới 6 tháng ở hầu hết đã đẩy lên mức trần 6%. Tính đến nay, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã về lại vùng trước dịch Covid-19, hoặc thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 300-400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021.

Trước đó, mặt bằng lãi suất huy động liên tục được đẩy lên mức cao với sự "nhập cuộc" của loạt ngân hàng. Có những ngân hàng trong vòng một tháng phải mất 2 lần điều chỉnh lãi suất.

Tại Ngân hàng Quốc dân (NCB), biểu lãi suất huy động áp dụng từ ngày 27/10 niêm yết lãi suất 10,5%/năm cho các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Trước khi gửi tiền, khách hàng cần liên hệ trước và có sự đồng ý của ngân hàng.

Biểu lãi suất niêm yết của Nam A Bank có hiệu lực từ ngày 26/10 cũng áp dụng lãi suất 11%/năm cho 3 tháng đầu cho các khoản tiền gửi tại sản phẩm Happy Future tại kỳ hạn 9 tháng, 6 tháng cuối có lãi suất 5,95%/năm.

Các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ thời gian vừa rồi đã liên tục đẩy lãi suất lên mức cao, sau động thái tăng lãi suất điều hành 2 lần của Ngân hàng Nhà nước.

Nhưng hiện tại, biểu lãi suất của NCB không còn mức lãi suất 10,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân gửi trên 500 tỷ đồng. Các mức lãi suất khác vẫn được giữ nguyên. Ngoài ra, với các khách hàng lần đầu tiên gửi tiết kiệm tại NCB, ngân hàng này sẽ cộng thêm 0,2% lãi suất so với biểu lãi suất online.

Nam A Bank cũng không còn niêm yết sản phẩm tiền gửi Happy Future và lãi suất áp dụng cho các sản phẩm khác vẫn được giữ nguyên.

Đến ngày 3/11, hầu hết ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm nay. Bức tranh lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng đã được hé mở. Dù chịu áp lực lạm phát toàn cầu cùng với các quy định mới hay những dự thảo sửa đổi quy định cũ chặt chẽ hơn trong ngành bất động sản và an toàn trong hoạt động ngân hàng, nhiều nhà băng vẫn tăng trưởng 2 chữ số, báo lãi nghìn tỷ đồng sau 9 tháng.

Trong loạt nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh vẫn có đơn vị tăng trưởng đi ngang so với cùng kỳ, thậm chí có ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm.

BacABank 9 tháng chỉ tăng trưởng gần 2% so với cùng kỳ năm trước hay Viet Capital Bank cũng ghi nhận mức tăng trưởng trên 9%.

Còn 3 ngân hàng tăng trưởng âm là OCB, Kienlongbank và BaoVietBank. Cụ thể, OCB 9 tháng đạt lợi nhuận trước thuế đạt 2.649 tỷ đồng, giảm 29,7%. Lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank ở mức 513 tỷ đồng, giảm 41,6% so với cùng kỳ. Còn BaoVietBank cũng "bốc hơi" 21% lợi nhuận so với 3 quý đầu năm 2021.

Còn NCB, sau 9 tháng, lỗ 180 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 vẫn lãi 206 tỷ đồng. Quý III năm nay, lợi nhuận của ngân hàng này cũng đi ngược với bức tranh chung của ngành ngân hàng khi lỗ gần 200 tỷ đồng. Nguyên nhân được NCB lý giải là do ngân hàng thực hiện thoái lãi, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với nợ quá hạn, nợ xấu, đồng thời trích lập dự phòng theo phương án cơ cấu lại, bên cạnh đó là áp dụng chính sách hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tổng Hợp