Lọt thỏm trong các con đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh quận 1, TP.HCM, hàng trăm căn nhà với diện tích từ 5-6m2 cũ nát tồn tại lâu nay, khu dân cư này được gọi là Khu tứ giác Mả Lạng .
Từ năm 2000, UBND TP.HCM có chủ trương giải tỏa, chỉnh trang khu Mả Lạng và giao cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn để xây dựng khu trung tâm thương mại. Tại thời điểm đó, chủ đầu tư đã thông báo cho từng hộ dân về kế hoạch đền bù, giải tỏa, nhưng rồi kéo dài đến tận bây giờ chưa thực hiện.
Năm 2007, tức 7 năm sau, cư dân tại khu Mả Lạng được thông báo dự án chuyển cho nhà đầu tư mới là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco. Nhưng giống chủ đầu tư lần tước, sau khi nhận dự án, Công ty Bitexco cũng thông báo cho người dân về kế hoạch đền bù giải tỏa, nhưng rồi mọi việc vẫn chìm vào quên lãng.
Sau gần 20 năm nằm trên giấy, tháng 8/2017, lãnh đạo UBND quận 1 đã có cuộc gặp trực tiếp với cư dân khu Mả Lạng, phân công các nhân viên chuyên trách đến từng nhà để đo đạc, kiểm kê... phục vụ công tác đền bù giải tỏa.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện xong bước đo đạc, kiểm kê, đến nay, người dân nơi đây vẫn chưa nhận được thông báo về việc triển khai những bước tiếp theo. Hàng ngàn người dân khu Mả Lạng vẫn mòn mỏi kiếp sống treo giữa trung tâm Sài Gòn hoa lệ.
Chỉ cách các trung tâm thương mại, khách sạn hạng sang của thành phố vài bước chân, khu Mả Lạng lại mang hình ảnh đối lập hẳn chật hẹp, ẩm thấp và cũ kỹ.
Trước 1975, Mả Lạng là khu nghĩa địa với hàng chục ngôi mộ nằm lộn xộn, xen lẫn nhà dân. Những năm 1977-1982, nghĩa trang được dời đi nhường chỗ cho những người đi kinh tế mới trở về, sau đó họ dựng thêm nhà, sinh sống tạm bợ cho đến nay. Giai đoạn 1997-2003, Mả Lạng là chợ ma túy nổi tiếng ở Sài Gòn.
Dạo quanh khu Mả Lạng vào một ngày mưa Sài Gòn, chúng tôi dường như lạc vào những con hẻm chật hẹp, thiếu ánh sáng, đôi chân không giữ được khô ráo bởi nhiều vũng nước đọng, ổ gà, nắp cống. Những con hẻm hun hút, những ngôi nhà xập xệ với quần áo, xe cộ, vật nuôi càng trở nên nhếch nhác hơn sau cơn mưa.
Người dân sống trong khu đất vàng này dường như đã quá quen thuộc với không gian chật hẹp, tối tăm. Sự khó khăn, bất tiện không chỉ đeo bám họ trong sinh hoạt hằng ngày mà còn vào cả giấc ngủ.
Gặp và trò chuyện với ông Kiệt (63 tuổi) làm nghề chạy xe ôm đang ngồi chờ khách tại hẻm vào khu Mả Lạng (phía đường Nguyễn Cư Trinh), ông Kiệt cho biết, ông và vợ sống ở đây đã lâu, cũng đã nếm qua hết bao nhiêu khó khăn, bất tiện.
Sống trong căn nhà mà bề ngang vỏn vẹn chỉ 1,2m, thêm đồ đạc sinh hoạt, mỗi đêm vào giấc ngủ, vợ chồng ông Kiệt phải thu mình, co chân, không nằm ngủ một cách thoải mái được. Những bệnh về xương khớp từ đó cũng xuất hiện và hành hạ hai vợ chồng già lâu nay, vừa kể, ông vừa xoa đôi chân đau nhức của mình.
Căn nhà ông Kiệt ở nằm sâu trong hẻm nhỏ thiếu ánh sáng, hễ khi mưa xuống hay trời oi nóng, mùi hôi từ vật nuôi xung quanh bốc lên nồng nặc, rất khó chịu.
Ở đây, hộ nào khá giả thì xây thêm gác, mở rộng không gian lên cao, vì thế mà bộ mặt nhà dân khu Mả Lạng càng lộn xộn, rối ren hơn. Trước kia, diện tích mỗi căn cũng được 5-6m2, nhưng vì người dân tự ý chia san, chuyển nhượng nên đến nay, có căn bề ngang chỉ rộng được một cánh tay.
Đã có vài lần người dân Mả Lạng được chính quyền giới thiệu qua khu định cư mới, tuy nhiên điều kiện nơi ở mới cũng không làm người dân hài lòng, nên đâu lại vào đó. Việc giải tỏa và đền bù, người dân cũng được thông tin từ lâu. Tuy nhiên, vì diện tích mỗi hộ dân ở đây quá nhỏ, tiền đền bù không đủ tìm được một nơi ở mới tốt hơn, nên dự án Mả Lạng cứ mãi “treo” từ năm này qua năm khác.
Khổ nạn 50 năm của một gia đình cách mạng
Khi tôi viết những dòng này thì người mẹ liệt sỹ, người đã được nhà nước tặng thưởng huy chương kháng chiến ấy đã vượt ngưỡng tuổi 80.