Đạo diễn Lan Nguyên: Nếu không làm phim, tôi sẽ mở tiệm bánh mì

Tôi đồng cảm, thấu hiểu nỗi đau của nhân vật, sống trong nỗi đau ấy để quay phim và dựng phim, và tạo ra nỗi đau của mình

AI có thể làm được nhiều bài thơ chữa lành, nhưng AI có chữa lành được cho con người hay không, hay chính họ chứ không ai khác, phải và nên tự cứu mình? Vì sao trong thế giới hiện tại, việc “chữa lành” lại trở nên phổ biến, thông dụng và cần thiết tới vậy? Vì sao nghe tới chữa lành, có người lại phẩy tay coi như chuyện phù phiếm?

Series “Những vết thương lành” của đạo diễn Lan Nguyên và ekip với những sự chia sẻ từ nhạc sĩ Ngọc Lễ, nhà bảo tồn Nguyễn Văn Thái, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thị Vân, đặc biệt là đạo diễn Xuân Phượng và ca sĩ Hà Anh Tuấn trên Netflix đang được công chúng chú ý bởi sự tích cực và nhìn thẳng vào sâu tâm tư của chính mình. Để rồi từ đó thấy được những sự đồng cảm thấu hiểu, bao giờ cũng là liều thuốc quý cho những trái tim đang rất tổn thương.

Đạo diễn Lan Nguyên.
Đạo diễn Lan Nguyên.

HÃY NHÌN NGẮM NHỮNG VẾT THƯƠNG

Điều gì khiến chị quyết định thực hiện series phim tài liệu “Những vết thương lành”?

Phim tài liệu “Những vết thương lành” đến với tôi chính xác là vào lúc tôi nghe ca sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ về việc anh muốn làm một concert để dành tặng cho những vết thương, vì “khi bắt đầu nhìn ngắm những vết thương, chính là lúc đã qua đỉnh của cơn đau”.

Khoảnh khắc thứ hai, là khi tôi nghe câu hát “Đôi khi nghe rạn vỡ trong biển khơi” từ ca khúc “Một mình một sớm ban mai” của nhạc sĩ Việt Anh, tôi đã mắc kẹt trong câu hát đó, tự hỏi “rạn vỡ trong biển khơi” là gì mà lại khiến tôi buồn đến vậy. Tôi nghĩ về hiệu ứng “trái tim tan vỡ”, rằng có những lúc ta như có thể nghe thấy tim mình vỡ ra thành tiếng. Thế là tôi quyết tâm thực hiện bộ phim này, để đi tìm và thỏa mãn câu hỏi của chính mình.

Chị có ngại đề tài “chữa lành” này liệu có giống những thứ mà người ta đang thấy ngoài xã hội có rất nhiều tới nỗi như bị bội thực không?

Tôi nghĩ, vết thương, nỗi đau và nhu cầu được chữa lành thời nào cũng có. Có lẽ hiện nay sợi dây liên kết hiện hữu giữa ta và tâm hồn mình lỏng lẻo hơn, nên nhu cầu “chữa lành” được nhắc đến nhiều hơn. Phải khẳng định: Tôi không làm phim này để “chữa lành”, tôi muốn nói về chuyện chấp nhận hơn là chữa lành.

Tôi biết khi nghe tên bộ phim, sẽ dễ nghĩ theo lối mòn vì thế tôi biết rõ mình không muốn làm một bộ phim đầy nước mắt. Sự khác biệt đến từ những nhân vật trong phim, họ không buông lời thở than, không rơi nước mắt, dù trong câu chuyện của họ ta sẽ thấy đồng cảm vì đâu đó họ thật giống mình, hoặc ta sẽ đau vì choáng ngợp bởi nỗi đau vô lường mà ta có thể tưởng tượng.

Ảnh: NAG Dy Duyên.
Ảnh: NAG Dy Duyên.

Và sự khác biệt thứ hai, như tôi vừa nhắc đến ở trên, tôi muốn nói về chuyện chấp nhận. Điều này thể hiện rất rõ qua các nhân vật và qua các câu hát tôi chọn để vang lên trong phim. Ngay từ trailer phim, tôi đã muốn nhấn mạnh chuyện đó, rằng “…tôi thấy nỗi buồn vẫn còn nguyên ở đó không phai một chút nào, chỉ là tôi có muốn nhớ hay quên về nó”, và lặp lại một lần nữa ở kết trailer “nếu như chúng ta quên đi cảm giác về những vết thương, ta sẽ là những người vô cùng bất hạnh” – đó chính là thông điệp của phim.

Việc lựa chọn các nhân vật thế nào cho phù hợp, chị có tiêu chí gì không?

Tôi đi tìm một bác sĩ, người chữa trị vết thương theo nghĩa đen, và tìm một người mang nhiều vết thương về thể xác và tinh thần, và những nhân vật này cứ như thể đến với tôi, ngay khi họ xuất hiện, tôi đã biết chính xác là người mình cần. Tôi không lựa chọn họ, mà có vẻ như chính họ đã lựa chọn tôi.

Điều thuận lợi nhất, điều khó khăn nhất khi chị thực hiện bộ phim này là gì?

Điều thuận lợi nhất là tôi có các nhân vật tuyệt vời. Và đó cũng chính là điều khó khăn nhất. Mỗi nhân vật trong phim này đều là những người “có tiếng nói”: Nhạc sĩ Ngọc Lễ, nhà bảo tồn Nguyễn Văn Thái, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thị Vân, đặc biệt là đạo diễn Xuân Phượng và ca sĩ Hà Anh Tuấn. Muốn biết cuộc đời họ thế nào, nỗi đau mất mát ra sao, chỉ cần search google sẽ ra cả trăm bài báo. Làm cách nào để xâu chuỗi – kết nối câu chuyện của họ để kể được câu chuyện “của tôi” – đó là điều vô cùng khó và khiến tôi đau đầu suốt hơn một năm.

Poster chính thức của bộ phim với đầy đủ các nhân vật (Ảnh: NVCC).
Poster chính thức của bộ phim với đầy đủ các nhân vật (Ảnh: NVCC).

Trong phim, chị để các nhân vật tự bộc lộ, tự kể về những vết thương của bản thân và cách để họ thay đổi để tồn tại, còn chị, chị có cảm xúc thế nào về các nhân vật của mình?

Đó là khoảnh khắc tôi trò chuyện với nhà bảo tồn Nguyễn Văn Thái, khi tôi hiểu anh đang tránh né nói về sự mất mát của gia đình mình, tôi đã cố ý hỏi thẳng rằng “nỗi đau của cá nhân anh thì sao?”, khoảnh khắc anh nén cái thở dài nặng nề và chấp nhận nói ra vết thương lớn của mình, anh ấy không khóc mà tôi bật khóc. Tôi cảm thấy bản thân mình tàn nhẫn, tôi đang ép anh ấy phải nói ra điều tôi mong chờ, tôi bắt anh ấy phải thừa nhận nỗi đau.

Cho đến khi anh Thái xem bản dựng nháp và đồng ý để câu chuyện của mình lên phim, anh nói đó là cách để anh chấp nhận và vượt qua, tôi mới thôi cảm thấy tội lỗi. Tôi đã để nguyên vẹn khoảnh khắc ấy vào phim, mỗi lần nhìn lại chuyển biến cảm xúc trên gương mặt anh Thái, tôi đều đau lòng.

Một chia sẻ của chính chị, nỗi đau của chị là gì? Và chị đã chuyển hóa thế nào?

Tôi không hiểu mình hỏng hóc ở đâu và tại sao mình lại u buồn nhiều đến thế, cho đến khi tôi xem series Hannibal, có một nhân vật tên Will Graham và tôi hiểu trên đời có một khả năng gọi là thấu cảm, thấu cảm là năng lực và cũng là nỗi đau của nhân vật Will, bởi anh ta dùng năng lực đặc biệt này để hiểu tâm lý tội phạm, đứng về phía chúng để phục vụ cho việc phá án, rồi anh ta chìm trong đau khổ, vẫy vùng trong bóng đêm.

Tôi không nói tôi giống nhân vật này nhưng tôi cho rằng từ khi tôi bắt đầu làm tài liệu, thông qua quá trình dài lắng nghe và quan sát, tôi đã tiếp xúc – thu nạp quá nhiều nỗi u buồn từ nhẹ đến nặng, tôi đồng cảm, thấu hiểu nỗi đau của nhân vật, sống trong nỗi đau ấy để quay phim và dựng phim, và tạo ra nỗi đau của mình. Tôi vẫn chưa chuyển hoá được, vẫn đang trên con đường đi tìm hiểu ngọn nguồn nỗi đau của mình thông qua việc làm phim.

HÀ ANH TUẤN – NGƯỜI NGHỆ SĨ TĨNH LẶNG

Ca sĩ Hà Anh Tuấn đóng vai trò gì trong bộ phim này và chị cảm nhận thế nào về những chia sẻ mà Tuấn đã nói trong các show của mình?

Ca sĩ Hà Anh Tuấn chính là người tạo cảm hứng cho tôi làm bộ phim này, tôi cảm động trước câu nói của anh. Tôi là người dễ rung động, nhưng sự rung động đủ lớn để khiến tôi phải lao vào làm một điều gì đó to đến cỡ một bộ phim thì vô cùng hiếm, nên khi nó xuất hiện, tôi quý trọng và nâng niu. Từ đó, Hà Anh Tuấn trở thành nhân vật dẫn chuyện của phim, trong những câu chuyện anh kể trên sân khấu, tôi thấy được nỗi đau của chính anh.

Trong quá trình tôi ghi hình, Hà Anh Tuấn không hề biết.
Trong quá trình tôi ghi hình, Hà Anh Tuấn không hề biết.

Tôi nghĩ những gì Hà Anh Tuấn chia sẻ trên sân khấu cũng đến từ quá trình thấu cảm của anh đối với con người và cuộc đời này. Anh không nói về bản thân, mà nói về những điều anh cảm nhận, lắng nghe và quan sát được, tôi cho rằng đó chính là điều khiến Hà Anh Tuấn trở thành một nghệ sĩ đặc biệt.

Trong suốt quá trình tôi ghi hình, anh Tuấn không hề biết, cũng không có bất cứ một buổi ghi hình bổ sung ngoài phạm vi concert, vì vậy không có sự sắp đặt nào, và cũng không có bất cứ sự can thiệp nào của anh vào quá trình hoàn thiện bộ phim. Tôi nhìn thấy một người nghệ sĩ tĩnh lặng, vững chãi, kiêu hãnh và hiểu rõ khát vọng của bản thân, tôi trân trọng những phẩm chất ấy và không có mong cầu gì hơn.

Chị có dị ứng nếu ai đó phản hồi phim hơi nhạt, chưa tới, còn sơ sài?

Bộ phim này vốn là một lời “đặt hàng” từ thương hiệu STORII – thương hiệu sáng tạo đi ra từ chính ca sĩ Hà Anh Tuấn, và hiện tại tôi đang là giám đốc nội dung của STORII. Tôi đã đưa bộ phim đi xa hơn đề bài ban đầu: một bộ phim về quá trình làm nên concert “Những vết thương lành”. Đối với tôi, trong khuôn khổ đó, bộ phim như vậy là đủ. Tôi làm bộ phim này cho STORII, không phải cho tôi, bởi câu chuyện gốc không phải đến từ tôi, có thể thấy rõ qua tấm poster: Một câu chuyện của STORII được kể bởi HÀ ANH TUẤN với đạo diễn là LAN NGUYÊN.

Vì thế tôi hoàn toàn biết ưu và nhược điểm của đứa con này, nên không có gì gọi là dị ứng với những lời phản hồi như vậy, tôi biết mình sẽ còn làm những thứ hơn thế, không cần gì phải vội.

Đạo diễn Cao Trung Hiếu và đạo diễn Lan Nguyên chia sẻ về
Đạo diễn Cao Trung Hiếu và đạo diễn Lan Nguyên chia sẻ về "Những vết thương lành" và STORII.

Một trong những kỷ niệm trong đời làm phim mà chị sẽ khó quên?

Có hai kỷ niệm tôi sẽ nhớ mãi.

Một. Đêm công chiếu phim “Màu cỏ úa” diễn ra mà không có sự hiện diện của nhạc sĩ Trần Tiến, ông đang trong cơn bệnh, sáng sớm hôm sau tôi nhận được tin nhắn của ông, ông cảm ơn tôi, vì ông không ngờ người ta còn nhớ đến ông nhiều như vậy, chỉ trong một đêm ông nhận được vô số lời nhắn, cuộc gọi, có cả những người ông tưởng chừng đã bặt tin.

Hai. Ngày ra mắt phim “Những vết thương lành”, lần đầu tiên Hà Anh Tuấn xem bộ phim sau nhiều lần từ chối, tôi nhìn thấy sự xúc động của anh, anh bước lên cảm ơn tôi vì “đã nhìn thấy những vẻ đẹp ngay cả chính anh cũng không thấy”.

Hai lời cảm ơn đó là kỷ niệm - là động lực để tôi tiếp tục, là ý nghĩa của việc làm phim. Theo quan niệm của tôi, một bộ phim đơn giản là món quà tôi dành tặng cho cuộc đời và cho nhân vật, là lời an ủi dành cho những điều u buồn trên đời mà tôi từng chứng kiến. Tôi hạnh phúc vì đem đến cho người khác một chút hạnh phúc.

Chương trình Sto.Talk do STORII tổ chức.
Chương trình Sto.Talk do STORII tổ chức.

Series “Những vết thương lành” được phát hành trên Netflix, chị có nhận được phản hồi như một tín hiệu rằng chị đã đi đúng đường đấy!?

Ngay sau ngày lên sóng Netflix, nhóm đối tượng đầu tiên đón xem sớm là cộng đồng fan của anh Tuấn, tôi nhận được nhiều tin nhắn từ những người bạn trẻ xa lạ, và rồi sau đó là những chia sẻ từ nhiều anh chị đồng nghiệp, tất cả khiến tôi bất ngờ và cảm động. Tôi biết mình đã đi đúng đường.

Liệu sau series chữa lành này, chị sẽ làm phim đề tài gì?

Tôi không có ý định làm chuỗi phim về đề tài chữa lành, nên sẽ không có phần tiếp theo. “Những vết thương lành” chỉ là một lát cắt trong cuộc đời tôi, và cũng giống như chuyện cứ đau đớn hoài vì một vết thương, hành trình của bộ phim cũng cần phải dừng lại.

Tôi có 4 câu chuyện ấp ủ để kể, một trong số đó là dự án mà tôi đang phát triển, câu chuyện về cha và con gái. Ngoài ra, cái gì đến tôi sẽ đón nhận, như những bộ phim – vốn không có trong kế hoạch cuộc đời tôi.

Đạo diễn Lan Nguyên: Nếu không làm phim, tôi sẽ mở tiệm bánh mì

Có bao giờ chị nghĩ tới điều này không: Nếu không làm phim, chị sẽ làm gì?

Nếu không làm phim, tôi sẽ mở tiệm bánh mì. Tôi vốn là người đầy rẫy những suy nghĩ tiêu cực, và mùi bánh mì mới ra lò khiến tôi cảm thấy hạnh phúc, tôi thấy chuyện nhào nặn và nướng bánh cũng như chuyện làm phim, đều là chuyện rút hết nội công của mình để tạo ra một điều nhỏ nhoi khiến người khác hạnh phúc.

Cảm ơn và chúc chị thành công cả trong việc làm phim, chữa lành, và tôi nghĩ chị vẫn nên mở một tiệm bánh mì!

Codet Hanoi

Phim tài liệu về thảm kịch 39 người Việt chết tại Anh sẽ được công chiếu tại Liên hoan phim Mỹ

Phim tài liệu về thảm kịch 39 người Việt chết tại Anh sẽ được công chiếu tại Liên hoan phim Mỹ

Phim tài liệu “One Year on: The Essex Lorry Tragedy” hiện được trình chiếu độc quyền ở Việt Nam trên Galaxy Play.