Đầu tư túi hiệu sinh lời không kém chứng khoán, nhà đất: Phải có kiến thức nếu không dễ “mất trắng"

Túi xách hàng hiệu được đánh giá là món đầu tư sinh lời tốt. Thế nhưng, có phải ai cũng phù hợp với “bộ môn" này?

 Túi xách hàng hiệu: Món đầu tư sinh lời không kém bất động sản, chứng khoán

Túi xách đến từ thương hiệu xa xỉ là mơ ước của nhiều người tiêu dùng trên toàn cầu. Giờ đây, những chiếc túi xách này không đơn thuần là phụ kiện thời trang. Mà chúng còn có giá trị đầu tư cao, đem lại lợi nhuận được đánh giá không kém so với chứng khoán hoặc bất động sản.

Điển hình như chiếc túi Gucci Jackie vintage hiện đang là hơn 11 triệu đồng, tức là đã tăng 101% so với năm 2019. Còn chiếc Constance của Hermès có giá ''sang tay'' là gần 160 triệu đồng. Đồng hồ và đồ trang sức, cũng như túi xách là những vật phẩm có giá trị với mức biến động thấp (từ 2,5% đến 5% hàng năm). Điều này được xem là điểm cộng của chúng giữa thời điểm kinh tế còn nhiều khó khăn.

Trả lời trên Forbes, CEO CultureBanx nhận định túi xách hàng hiệu có thể trở một loại tài sản, mang lại lợi nhuận cho người muốn đầu tư ngắn hạn. Còn theo New York Times, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, túi xách xa xỉ được xem là món đầu tư khôn ngoan sinh lời.

Khác những món đồ hạng trung, túi xa xỉ có ưu điểm là càng dùng lâu càng giá trị, tất nhiên là nếu chủ sở hữu biết cách bảo quản. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, túi xách thuộc các phiên bản cũ còn đạt chất lượng cao cấp hơn hẳn phiên bản mới do nhiều yếu tố liên quan tới việc thiếu nguồn cung nguyên liệu, kỹ thuật chế tác, xưởng sản xuất... 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

 Có nhiều nguyên nhân khiến đầu tư túi hiệu là “bộ môn" sinh lời tốt.

- Thứ nhất, chất lượng của sản phẩm

Túi xách xa xỉ làm từ các thương hiệu lâu đời trên thị trường, đồng thời được chế tác từ các chất liệu cao cấp như da cừu, da dê non hoặc chất liệu mang tính biểu tượng như vải tweed của Chanel, họa tiết cannage của Dior, chữ lồng nổi bật của Louis Vuitton…

Ngoài ra, ở những phiên bản giới hạn chất liệu làm nên túi hàng hiệu còn được xem là “độc nhất vô nhị” khi được chế tác từ da cá sấu, da trăn, da đà điểu hoặc được thêu lông công để giúp chiếc túi trở nên lộng lẫy nhất có thể, mang lại trải nghiệm đẳng cấp cho khách hàng sở hữu chúng.

Cũng vì thế, các túi hiệu không chỉ được xem là món phụ kiện, mà còn tạo nên sự sang chảnh và đẳng cấp của người dùng - điều mà những người giàu có luôn khao khát tìm kiếm.

- Thứ hai, tính độc bản và khan hiếm của túi xách

Các thương hiệu xa xỉ định giá túi hiệu không chỉ bằng cách đặt giá ngất ngưởng mà còn thông qua việc giới hạn số lượng người được sở hữu “tác phẩm nghệ thuật" của họ. 

Nói cách khác, với nhiều túi hiệu cao cấp, không phải chỉ cần có nhiều tiền là mua được. Ví dụ, trong một năm, một người không thể mua các mẫu túi Hermès Kelly và Birkin quá 2 chiếc. Với những mẫu túi cổ điển hoặc giới hạn khi muốn đặt hàng phải nằm trong danh sách chờ một thời gian dài, dẫn đến nhiều khách hàng “đứng ngồi không yên” tìm mọi cách để có thể sở hữu được chiếc túi yêu thích. 

Cũng vì thế, với tâm lý muốn sử dụng ngay  những món đồ độc quyền, được tận tay sắm sửa những thứ mà không phải cứ có tiền là mua được đã tạo động lực thúc đẩy thị trường mua bán lại túi xách xa xỉ phát triển.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

- Thứ ba, xu hướng của thời trang

Thời trang có nét đặc trưng là các xu hướng luôn được “xoay vòng và tài sinh". Chẳng hạn như mới đây, một loạt các xu hướng thời trang từ thập niên 1990 và 2000 đã trở thành trào lưu. 

Một món đồ gì đang trendy thì ngay lập tức được săn lùng. Nhiều chiếc túi hàng hiệu cũ bỗng trở nên đắt khách, thậm chí không kém so với các mẫu túi mới trên thị trường. Cũng vì sự thay đổi của xu hướng thời trang quá nhanh chóng, do đó đầu tư vào những món túi xách, phụ kiện cổ điển vượt thời gian luôn là lựa chọn an toàn. 

Đầu tư túi hiệu cũng tồn tại rủi ro

Giống như biết bao hình thức đầu tư khác, túi hiệu cũng mang lại nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Không phải túi hiệu nào cũng mang lại mức sinh lời tốt, khiến bạn giàu lên nhanh chóng. Dưới đây là những điều bạn cần cân nhắc trước khi tham gia thị trường này.

- Chi phí bảo quản tốn kém

Trước khi tìm được chủ nhân mới cho túi hiệu, bạn cần phải đảm bảo món đồ này luôn được bảo quản tốt, không bị hư hỏng bất cứ cái gì nếu không có thể bị “mất trắng". Đây là lý do tại sao nhiều nhà sưu tập túi hiệu đã chi hàng nghìn đô thuê chuyên gia về túi hiệu, hoặc chỉ cất chúng trong két sắt và hầm để tránh mọi thiệt hại và trộm cắp. Nếu mua túi hiệu để bán lại, bạn chỉ nên cất giữ dùng và coi như là một “tác phẩm" nghệ thuật, chứ không nên sử dụng tuỳ tiện trong cuộc sống hàng ngày.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

- Khó thu hồi vốn

Thị trường bán lại hàng xa xỉ còn tồn tại nhiều trở ngại khiến bạn gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn. Bạn phải chứng minh tính xác thực và trải qua các cuộc kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo túi hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn bán lại, thậm chí, việc tìm được chủ món có thể mất nhiều năm.

Xu hướng thời trang thay đổi liên tục. Đó là lý do khiến thị trường mua đi bán lại trở nên náo động. Một ngày nào đó, chiếc túi của bạn có thể nằm trong danh sách yêu thích của mọi người và ngày hôm sau nó được thay thế bằng một chiếc túi có thiết kế khác. Điều này có nghĩa là bạn cần có đủ tiền để chịu thua lỗ và có thể duy trì bản thân sau khi mua hàng đó. 

Cũng y như chứng khoán và bất động sản, bạn phải am hiểu và có kiến thức thì mới nên đầu tư túi hiệu và mong sinh lời. Một số mẫu túi hiệu giữ giá tốt bất chấp sức ảnh hưởng của lạm phát kể đến như túi đến từ thương hiệu Chanel, túi xách gắn liền với biểu tượng thời trang Gucci Jackie bag 1961 được đặt tên theo cựu Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy hay Chanel Diana Flap gắn với tên tuổi cố Công nương Diana…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

- Không dễ dàng để săn được túi hiệu

Các thương hiệu luôn biết cách chỉ dành những chiếc túi cao cấp cho khách hàng “đặc biệt” nhất. Đơn cử như Hermès sẽ không bán Birkin cho khách hàng không có lịch sử mua sắm xa xỉ phẩm của hãng nhiều lần. Cũng vì thế, nếu muốn sở hữu túi xách quý hiếm hoặc độc quyền, bạn cần vào được danh sách khách VIP của thương hiệu, hoặc chấp nhận chờ đợi đến… 4-10 năm cũng chưa chắc vào được danh sách này.

Vân Anh

“25 tuổi mua túi hiệu, 32 tuổi không có tiền đóng viện phí”: Người chị U40 tự thú về cái giá của lối sống sang chảnh

“25 tuổi mua túi hiệu, 32 tuổi không có tiền đóng viện phí”: Người chị U40 tự thú về cái giá của lối sống sang chảnh

“Giá như từng có người nói cho tôi biết rằng việc sống quá thoải mái thời trẻ có thể gây ra những nỗi ân hận suốt cả cuộc đời”.