Để kiểm soát dịch trước ngày 15/9, TPHCM cần làm gì?

Để kiểm soát được dịch, y tế là giải pháp quyết định nên phải có hỗ trợ y tế hữu hiệu cho tất cả đối tượng ở vùng trọng điểm.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), cho biết để kiểm soát dịch trước 25/8 ở các địa phương và trước 15/9 ở TP.HCM, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cách ly, khoanh vùng, tiêm vaccine, cô lập những điểm nóng của dịch, tách vùng có dịch với vùng xanh an toàn, dần mở rộng vùng xanh, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội... 

Ông nói: "Chính phủ đặt ra thời hạn cụ thể để kiểm soát dịch bệnh cho những vùng đang “nóng” như TP.HCM và các tỉnh, thành phía nam là việc làm cần thiết, có hai ý nghĩa quan trọng.

Thứ nhất, đặt các cơ quan, bộ, ngành, địa phương vào trạng thái phải cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao nhất và lên kế hoạch, chương trình hành động để đến thời điểm đó kiểm soát được dịch. Việc có lộ trình và kế hoạch sẽ giúp Chính phủ và hệ thống phòng chống dịch có hành động cụ thể, logic với nhau để đạt mục tiêu đặt ra.

Hai là việc này giúp cho người dân, doanh nghiệp thấy rõ lộ trình để yên tâm, chủ động trong việc chuẩn bị những điều kiện sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng bị động, hoang mang, không biết thời điểm nào có thể hoạt động".

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường 
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường 

Ông Cường cho rằng, để đạt được mục tiêu cụ thể và quan trọng đó, các vùng đang là trọng tâm của dịch hiện nay như TP.HCM hay các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, phải có lộ trình và kế hoạch cụ thể. Kế hoạch này bắt đầu từ việc sàng lọc, khoanh vùng, cô lập được các điểm nóng của dịch bệnh, tách được những vùng có dịch với vùng xanh an toàn.

Thực hiện nghiêm và quyết liệt giải pháp giãn cách xã hội. Việc này cần làm đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, tổ dân phố và từng người dân trong việc bảo vệ vùng xanh, cụm dân cư, địa bàn của mình.

Đội ngũ y tế cơ sở phải là nơi đầu tiên tiếp cận tất cả yêu cầu về hỗ trợ y tế, tư vấn, khám sàng lọc cho những người có nhu cầu ở tầng điều trị bên dưới, phát hiện ngay đối tượng nào cần hỗ trợ y tế tích cực để chuyển tuyến. 

"Giải pháp quan trọng khác chính là chiến lược vaccine, trước hết đẩy mạnh, ưu tiên ở những vùng đang là trọng tâm của dịch. Nếu đảm bảo được nguồn vaccine, tôi tin những địa bàn như TP.HCM, Bình Dương hay Hà Nội, chỉ trong vòng một tháng có thể tiêm phủ với tỷ lệ cần thiết", ông Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cho biết, việc hạn chế người lưu thông, di chuyển từ vùng này qua vùng khác để ngăn nguy cơ lây lan dịch cũng kéo theo hoạt động lưu thông hàng hóa bị đình trệ; hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, sản phẩm tạo ra cũng bị ứ đọng, không có tiềm lực về kinh tế sẽ không thể chống dịch được.

Nhưng rất may trong bối cảnh khó khăn ấy, chúng ta đã có phương thức khá hiệu quả là phân luồng xanh cho vận tải hàng hóa, quy định rõ phương tiện nào được lưu thông trong địa bàn tỉnh, loại nào được lưu thông liên vùng. Chúng ta cần mở rộng thêm luồng xanh bằng cách thành lập những lực lượng vận tải mang tính chất chuyên biệt. Tức là lực lượng vận tải thuộc luồng xanh đã được kiểm tra, xét nghiệm sẽ được quyền lưu thông giữa vùng có dịch với vùng không có dịch.

Họ phải được tổ chức, quản lý một cách riêng biệt để chỉ tiếp xúc với 2 đầu là nơi nhận hàng và nơi giao hàng, không tiếp xúc với bất kể bên thứ ba nào. Họ sẽ là lực lượng an toàn, chuyên tâm chỉ làm công tác vận tải, khi đó sẽ đảm bảo hàng hóa được lưu thông thông suốt", ông Cường nói. 

Khi thực hiện chiến lược vaccine, ngoài ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu và những người dân ở vùng trọng điểm của dịch, thì lực lượng công nhân, người lao động trong nhà máy, khu công nghiệp cũng cần được ưu tiên, để giúp họ yên tâm ở lại sản xuất. Phải chuẩn bị ngay nguồn lực cho hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh để khi hết dịch, họ có thể quay trở lại sản xuất được ngay.

Cần sớm triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, giúp doanh nghiệp tồn tại được, không phải rút lui khỏi thị trường sau khi bị tác động nặng nề bởi 4 đợt dịch. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ về nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn để doanh nghiệp không phải lo chuyện trả các khoản nợ.

Thanh Mai

Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai (9-10/8): Nam B có mây, có mưa rào và dông vài nơi

Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai (9-10/8): Nam B có mây, có mưa rào và dông vài nơi

Dự báo thời tiết đêm nay 9/8 và ngày mai 10/8 các khu vực trên cả nước theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.