Dệt may trong nước có nguy cơ thiếu nguyên liệu do virus COVID-19

Do có đến 70% nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào Trung Quốc, thế nên ngành dệt may trong nước đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu do dịch cúm gây ra.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các cơ sở sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may phía Trung Quốc vẫn chưa sản xuất trở lại do ảnh hưởng bởi dịch cúm do virus Covid-19 gây ra.

Nguồn nguyên liệu sắp cạn kiệt

Để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất trong năm 2020, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có bước chuẩn bị nguyên liệu trước. Tuy nhiên, do số lượng dự trữ không nhiều khi dịch cúm Covid-19 bất ngờ xảy ra các doanh nghiệp dệt may không kịp trở tay.

Đơn cử là trường hợp của Công ty may Sài Gòn 3, đơn vị đã nhận nhiều đơn hàng từ thị trường Châu Âu và Hoa Kỳ.

Để chuẩn bị cho các đơn hàng này, từ giữa tháng 11/2019, công ty đã nhập nguyên phụ liệu, song số lượng chỉ đủ sản xuất đến hết quý I năm 2020. Chính vì thế mà dịch cúm Covid-19, các công ty nguyên liệu ở Trung Quốc dừng sản xuất, điều này kéo theo hoạt động của Công ty may Sài gòn 3 bị ảnh hưởng.

Dệt may Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu do dịch Covid-19.
Dệt may Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu do dịch Covid-19.

“Trung Quốc là thị trường cung cấp gần 70% nguồn nguyên phụ liệu cho ngành dệt may của Việt Nam. Nay nước này ngưng trệ do ảnh hưởng từ dịch cúm khiến các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam gặp khó. Hiện Công ty may Sài Gòn 3 của chúng tôi chỉ còn đủ nguồn nguyên phụ liệu sản xuất cho hết tháng 3. Sau thời gian đó chắc chắn không chỉ doanh nghiệp chúng tôi mà nhiều công ty khác cũng sẽ không còn đủ nguồn nguyên phụ liệu để sản xuất. Trong khi đó, nguồn nguyên phụ liệu trong nước chỉ đáp ứng được 20- 30% nhu cầu”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty may Sài Gòn 3 cho biết.

Lâm vào hoàn cảnh tương tự là Công  ty cổ phần may Sông Hồng, đơn vị này cũng chỉ còn đủ nguyên liệu sản xuất hết quý I năm 2020. Đại diện công ty cho biết, khả năng thiếu hụt nguyên liệu trong quý II là cực kỳ lớn.

“Thông tin các nhà cung cấp từ Trung Quốc sẽ quay lại sản xuất từ ngày 20/02 là tín hiệu đáng mừng với ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, việc các nhà cung cấp tại Trung Quốc sẽ sản xuất với công suất thế nào khi trở hoạt động trở lại vẫn chưa rõ…”, đại diện Công ty Cổ phần may Sông Hồng cho biết thêm.

Khó tìm nguồn nguyên liệu thay thế

Mặc dù biết trước khả năng thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất trong thời gian tới là cao, song  khả năng các công ty dệt may trong nước chuyển sang nhập nguyên liệu từ các nước khác là rất thấp.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, việc các doanh nghiệp ngành dệt may muốn nhập nguồn nguyên phụ liệu từ các nước khác không phải việc một sớm một chiều là thực hiện được. Hiện tại, các doanh nghiệp dệt may có thể tìm mua nguyên liệu tại các nước như Malayxia, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc… tuy nhiên việc tìm hiểu, ký kết giữa đôi bên phải mất thời gian nhiều hơn một tháng.

Tuy nhiên, đó chỉ là vấn đề nhỏ, vấn đề lớn là làm sao tìm được nguyên liệu phù hợp. Bởi, hơn 80% sản phẩm dệt may của Việt Nam là xuất đi châu Âu và Hoa Kỳ- những thị trường vô cùng khó tính về nguồn gốc, tiêu chuẩn nguyên liệu. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam và châu Âu vừa ký kết Hiệp định EVFTA nên vấn đề này lại càng cao hơn.

Theo cam kết trong hiệp định này, các sản phẩm dệt may của Việt Nam phải đáp ứng nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu. Trong những nước mà Việt Nam có thể tìm mua nguyên liệu chỉ có Hàn Quốc là phù hợp với tiêu chuẩn do châu Âu đề ra. Tuy nhiên  nước này không đủ nguyên liệu để cung cấp cho cả ngành dệt may của Việt Nam.

Như vậy, sau những ngành nghề, lĩnh vực khác, đến lượt dệt may đang đứng trước khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ mở rộng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU, thị trường lớn thứ hai đối với các sản phẩm của Việt Nam. Trong năm 2019, EU nhập khẩu 4,4 tỷ USD giá trị xuất khẩu từ Việt Nam, tăng 2,2% so với năm ngoái. Hàng may mặc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU từ Việt Nam.

THÁI MỸ

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương