Chúng ta, ngày càng quen thuộc và hiểu rõ hơn về sức mạnh của làn sóng Hàn Quốc, thuật ngữ chỉ sự phổ biến toàn cầu của nỗ lực xuất khẩu văn hoá đại chúng, bao gồm giải trí, âm nhạc, truyền hình, điện ảnh, trò chơi trực tuyến, du lịch, ẩm thực… khiến nền kinh tế Hàn Quốc ngày càng phát triển và đạt được vị thế càng cao trên thế giới. Đây chính là mũi nhọn kinh tế được chính phủ nước này ưu tiên hàng đầu trong hai thập kỷ qua.
Hàn Quốc đã và đang trở thành quốc gia đi đầu trong phát triển và văn hoá đại chúng và khẳng định quyền lực mềm của một đất nước lãnh thổ hạn chế. Quyền lực mềm đề cập đến sức mạnh vô hình của một quốc gia được xây dựng thông qua văn hoá, hình ảnh chứ không phải qua vũ lực quân sự hay kinh tế. Trước đây, nước Mỹ đã phát triển văn hoá quảng cáo, khiến cả thế giới say mê về Giấc mơ Mỹ, mua quần jean hiệu Levi’s, iPhone Apple, thuốc lá Marlboro, nước ngọt Coca-Cola và các bộ phim Hollywood. Người Nhật kiến tạo một nền giải trí trong nhà với các tác phẩm sản phẩm của nền công nghiệp truyện tranh, phim hoạt hình, phim thần tượng, trò chơi điện tử, karaoke… sử dụng các thiết bị điện tử tiên tiến nhất. Hàn Quốc đi sau và đã lựa chọn cho mình một hướng đi tổng hợp tất cả sức mạnh đó.
Về đặc thù địa lý, làn sóng Hàn Quốc đầu tiên lan ra Trung Quốc, Nhật Bản rồi sau đó đến Đông Nam Á và hiện giờ đi xa hơn, đến tầm Âu Mỹ, nơi tiếp tục có tác động mạnh mẽ và trên toàn thế giới. Năm 2000, lệnh cấm trao đổi văn hóa đại chúng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản kéo dài 50 năm đã được dỡ bỏ một phần, điều này đã cải thiện hơn nữa sức lan toả của làn sóng văn hóa đại chúng của Hàn Quốc trong người Nhật. Các cơ quan quản lý phát thanh truyền hình của Hàn Quốc đã cử các đại biểu đi quảng bá các chương trình truyền hình và nội dung văn hóa của họ ở một số quốc gia, đặc biệt là khu vực Đông Á rồi tiến sang Đông Nam Á.
Hallyu đã mang lại may mắn cho Hàn Quốc, các doanh nghiệp, văn hóa và hình ảnh đất nước. Từ đầu năm 1999, Hallyu đã trở thành một trong những hiện tượng văn hóa lớn nhất châu Á. Hiệu ứng Hallyu vô cùng to lớn, đóng góp vào 0,2% GDP của Hàn Quốc vào năm 2004, lên tới khoảng 1,87 tỷ USD. Gần đây hơn vào năm 2019, Hallyu ước tính đã thúc đẩy được 12,3 tỷ USD đối với nền kinh tế Hàn Quốc.
Trong hai thập kỷ qua, Hàn Quốc đã trở nên rất giàu có và phát triển nhanh chóng hướng tới tương lai. Năm 1965, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc thấp hơn của Ghana, nằm ở nhóm kém phát triển. Ngày nay, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới. Nền tảng kinh tế là xuất phát điểm vững chắc cho bước tiến về văn hoá, và ngược lại, xuất khẩu văn hoá cũng góp phần làm vững mạnh hơn nữa nền kinh tế.
Truyền thông nhận định dấu mốc của làn sóng Hally bắt đầu từ một loạt phim điện ảnh và truyền hình được phát hành vào năm 1999, trong đó phải kể đến Shiri, một bộ phim chiếu rạp đầy cảm hứng về hoạt động gián điệp của Triều Tiên, Hàn Quốc. Phim được chào đón nhiệt liệt ở thị trường nội địa, nơi luôn có một “chấp niệm” về sự chia cắt lãnh thổ, sau đó thành công rực rỡ đặc biệt ở các quốc gia Đông Nam Á khiến làn sóng Hally trở nên phổ biến và dần thân thuộc với khán giả. Tiếp sau đó là bộ phim Trái Tim mùa thu duy trì sự phấn khích của các khán giả trẻ lẫn già, rồi Cô nàng ngổ ngáo năm 2001 và Bản tình ca mùa đông 2004 đã tiếp nối sự nghiệp xây dựng tầm ảnh hưởng cho nền công nghiệp điện ảnh. Tất cả đều trở nên rất nổi tiếng không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc và Việt Nam. Sự thành công của các sản phẩm giải trí này đã tạo nên một tiếng vang lớn về sự phổ biến và bùng nổ của văn hóa Hàn Quốc. Các nguồn phương tiện truyền thông trong khu vực đã nhanh chóng nhận ra những tín hiệu tích cực này và không bỏ lỡ dịp cùng ra công bố chung về sự ra đời của Hallyu – làn sóng Hàn Quốc.
Shiri - bộ phim khởi mở làn sóng Hallyu |
Nhìn lại quá trình, có thể thấy 5 yếu tố chính đóng góp rất nhiều vào sự trỗi dậy phát triển và thành công của làn sóng Hàn Quốc
Bãi bỏ lệnh cấm du lịch nước ngoài đối với người Hàn
Có lẽ yếu tố quan trọng nhất cuối cùng đã mở đường cho Hallyu, là quyết định của Chính phủ Hàn Quốc vào đầu những năm 1990 nhằm dỡ bỏ lệnh cấm du lịch nước ngoài đối với cư dân Hàn Quốc. Điều này đã tạo tiền đề cho một số lượng đông đảo người Hàn Quốc hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phim ảnh giải trí, tự tin tìm đường khám phá thế giới phương Tây. Điểm đến thời gian này chủ yếu là Mỹ và châu Âu, cái nôi của văn hoá nghệ thuật và công nghiệp giải trí. Trong khi nhiều người theo đuổi con đường học vấn ở những quốc gia này thì một số những cá nhân khác bắt đầu sự nghiệp của mình tại các công ty danh giá ở Châu Âu và Mỹ trước khi trở về Hàn Quốc vào cuối những năm 1990. Những người Hàn Quốc có trình độ học vấn phương Tây và tinh thần làm việc bất khuất với khát khao thay đổi vận mệnh của bản thân, của gia đình, đã mang theo những quan điểm mới về kinh doanh, sự tinh tế và cách diễn giải mới đối với nghệ thuật, điện ảnh và âm nhạc cũng như các hình thức biểu đạt sáng tạo. Điều này đã tạo ra một đội ngũ nhân tài mới, trẻ và có trình độ cao đang chờ đợi để khám phá các cơ hội ở Hàn Quốc.
Cho phép người Hàn đi du lịch nước ngoài là một chính sách đúng đắn của Hàn Quốc |
Tái cơ cấu các tập đoàn tài phiệt (chaebols) của Hàn Quốc
Cùng thời điểm lệnh cấm du lịch – du học – làm việc nước ngoài được dỡ bỏ, châu Á (và Hàn Quốc) đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính khu vực nghiêm trọng giai đoạn 1997-1998. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á là một cơn bão nợ xấu toàn diện, gây hoang mang cho chủ nợ - người cầm nắm nguồn vốn đầu tư phát triển và những thách thức kinh tế khu vực. Vào tháng 12 năm 1997, Chính phủ Hàn Quốc đã vay 97 tỷ USD từ IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế). Cuối cùng, họ chỉ sử dụng 19,5 tỷ USD và khoản vay đã được trả lại vào năm 2001 ba năm trước thời hạn. Hàn Quốc từng là một quốc gia nghèo chỉ vài năm trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, và đánh bại đói nghèo là điều mà đất nước này đã học được một cách khó khăn. Vì vậy, tất cả các biện pháp thúc đẩy kinh tế, thắt chặt chi tiêu đã được áp dụng để ưu tiên trả lại khoản vay và trở lại đúng thời gian kỷ lục.
Cuộc khủng hoảng đã để lại cho Hàn Quốc một vấn đề nghiêm trọng về hình ảnh, vì nhiều bên liên quan toàn cầu vẫn tin rằng Hàn Quốc đang ở trong tình trạng tồi tệ, vì vậy nước này mất các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài, thiếu hấp dẫn về du lịch và đối mặt với sự hoài nghi toàn cầu. Để giải quyết vấn đề này, người sắp lên chức tổng thống khi đó Kim Dae-Jung và người đứng đầu cơ quan PR toàn cầu của Hàn Quốc Edelman, đồng tác giả cuốn sách “Hàn Quốc: Trên đường đi - và Mở cửa cho Doanh nghiệp”, triển khai mọi biện pháp truyền thông chính sách nhắm thẳng đến các nhà đầu tư toàn cầu.
Loạt chính sách này chủ yếu nhằm giải quyết ảnh hưởng lớn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế đối với các chaebols của Hàn Quốc. Các chaebols của Hàn Quốc là những tập đoàn đa dạng hóa hoạt động trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, từ sản xuất chip điện tử, xây dựng, vận tải đến đóng tàu. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á buộc các chaebols này phải tái cấu trúc mô hình kinh doanh bằng cách thoái vốn nhiều đơn vị kinh doanh để chỉ tập trung vào năng lực cốt lõi của họ. Điều này lại mang đến cho những người chơi nhỏ hơn – các doanh nghiệp mới có thể tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh khác nhau – vốn trước đó bị các chaebols thao túng. Nhiều doanh nhân nổi lên từ cuộc khủng hoảng nhờ có cơ hội. Hàn Quốc nhận ra rằng nếu hoàn toàn phụ thuộc vào các chaebols - nếu họ thất bại, đất nước sẽ thất bại. Tổng thống Kim Dae-Jung đã thúc đẩy công nghệ thông tin và văn hóa đại chúng là hai động lực mới cho tương lai Hàn Quốc với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn. Chính phủ cấp tiến tin rằng công nghệ sẽ tạo ra các ngành công nghiệp mới bên trên nền sản xuất truyền thống mà Hàn Quốc đã phụ thuộc vào kể từ khi nước này thoát khỏi đói nghèo và công nghiệp hóa, và văn hóa đại chúng có thể trở thành một sản phẩm xuất khẩu quan trọng trị giá hàng tỷ đô la - đồng thời sẽ giúp tái tạo thương hiệu cho Hàn Quốc.
Samsung là một trong những tập đoàn nổi tiếng nhất của Hàn Quốc, và hệ lụy của cuộc khủng hoảng 1997-98 đã tạo ra động lực nâng cao khả năng quốc tế hóa của công ty và các chủ sở hữu khi họ tìm kiếm sự phát triển mới bên ngoài Hàn Quốc. Dùng công nghệ phát triển lối sống văn hoá chính là cách tập đoàn này tạp dựng chỗ đứng và đóng góp vào nền kinh tế. Samsung và sự nổi lên của mình kể từ đó là một ví dụ nổi bật về cách các công ty Hàn Quốc đã được hưởng lợi từ mối quan tâm toàn cầu đối với Hàn Quốc và những câu chuyện xứ sở này.
Mở cánh cửa cho kiểm duyệt
Luật kiểm duyệt của Hàn Quốc thời gian trước đã cấm các nhà sản xuất phim và các nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực khác trình chiếu nhiều chủ đề được coi là gây tranh cãi. Điều này đã kìm hãm sự độc lập sáng tạo của họ trong một thời gian dài. Năm 1996, tòa án hiến pháp Hàn Quốc đã ra quyết định chấm dứt tình trạng này bằng lệnh cấm kiểm duyệt tác phẩm và mở ra cơ hội cho các nghệ sĩ khám phá một loạt các chủ đề. Động thái này đã mang lại cơ hội to lớn và sự độc lập cho thế hệ trẻ và sôi động của Hàn Quốc để thể hiện những ý tưởng mới hơn và táo bạo hơn thông qua điện ảnh và âm nhạc. Nhiều nhà làm phim có ảnh hưởng đã nổi lên trong thời kỳ này. Từ đó trở đi, điện ảnh Hàn tăng trưởng liên tục về cả doanh thu phòng vé trong nước và tỷ lệ phần trăm chiếm lĩnh của phim nội. Năm 1999 trở thành cột mốc lịch sử của điện ảnh xứ kim chi với sự ra đời của bộ phim Shiri do đạo diễn Kang Je Gyu thực hiện, đạt doanh thu phòng vé 60 triệu USD, với 6,5 triệu lượt xem, vượt cả kỷ lục bộ phim Hollywood bom tấn Titanic 2 năm trước đó với 4,3 triệu lượt xem tại Hàn Quốc. Vấn đề vốn nhạy cảm về quan hệ Bắc Triều Tiên lại trở thành mỏ vàng nội dung để các biên kịch đạo diễn nhiệt tình khai thác trong cả phim điện ảnh lẫn truyền hình, từ thể loại hành động đến tình cảm. Mật danh Iris (2009), Hậu duệ mặt trời (2016), Điệp vụ Bắc Hàn (2018), Hạ cánh nơi anh (2020)... là những Kdrama có kịch bản độc lạ, thậm chí đụng chạm đến vấn đề chính trị, tệ nạn xã hội, vướng tranh cãi tình tiết vô lý, gây ảnh hưởng sai lệch khi sản xuất thậm chí bị kiện tụng, nhưng vẫn được làm được trình chiếu và lan toả câu chuyện Hàn Quốc đến với khán giả khu vực và quốc tế.
Thành công của Hậu duệ mặt trời góp phần lan toả hình ảnh mới của Hàn Quốc ra quốc tế |
Tăng cường chú trọng xây dựng thương hiệu của các công ty hàng đầu Hàn Quốc
Một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung và LG đã bắt đầu hành trình xây dựng thương hiệu của họ vào giữa những năm 1990. Những doanh nghiệp này ngày càng chú trọng đến chất lượng, thiết kế, tiếp thị và xây dựng thương hiệu trên quy mô toàn cầu, coi sản xuất tạo ra giá trị và kể câu chuyện đó theo cách thu hút nhất là mục tiêu, sứ mệnh. Những kỹ năng này cũng được cọ xát với nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế như quảng cáo, tiếp thị. Phim ảnh và các sản phẩm văn hoá Hàn Quốc luôn tận dụng mọi cơ hội để quảng bá xu hướng tiêu dùng, lối sống mới của người Hàn với các sản phẩm Hàn Quốc. Văn hoá vừa là mục tiêu vùa là phương tiện ngày càng thôi thúc cải thiện chất lượng tổng thể của lao động để cung cấp mọi loại hàng hóa cao cấp cho thị trường thế giới.
Tăng cường tập trung vào cơ sở hạ tầng
Chính phủ Hàn Quốc đã và đang chi ngân sách đáng kể để phát triển cơ sở hạ tầng Internet công nghệ cao từ những ngày đầu tiên của văn hoá mạng đến thời điểm hiện tại vì họ tin rằng mọi người dân Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc kết nối với thế giới toàn cầu. Ngoài ra, Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia trên toàn thế giới đầu tư vốn vào các công ty khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nội dung và công nghệ. Trong năm 2012, quỹ chính phủ chiếm hơn 25% tổng số tiền đầu tư mạo hiểm được giải ngân ở Hàn Quốc. Trong đó, một phần ba tổng số vốn đầu tư mạo hiểm ở Hàn Quốc được chi cho ngành giải trí với tâm niệm chấp nhận rủi ro cho một ngành công nghiệp không khói high risk – high return: rủi ro cao nhưng lợi nhuận xứng đáng. Đến nay, Hàn Quốc vẫn có một môi trường mạng sôi động, cạnh tranh cao, cư dân mạng yêu ghét cực đoan, sẵn sàng tẩy chay đến cùng một nghệ sỹ, một công ty thiếu tài năng thiếu đạo đức. Tuy nhiên, đó cũng là những khán giả, thính giả, độc giả luôn đòi hỏi người làm sáng tạo đổi mới, tạo nên xu hướng và mạnh tay chi tiền cho thần tượng, cho sản phẩm nghệ thuật có chất lượng cao.
Tất cả những điều trên xảy ra từ giữa những năm 1990 trong một khoảng thời gian kinh tế chính trị Hàn Quốc có nhiều biến động. Thế nhưng, dù ai làm tổng thống, dù tập đoàn nào phá sản hay đột phá, động lực phát triển cho người làm sáng tạo chưa bao giờ thiếu, khiến người làm giải trí cạnh tranh, chiến đấu không ngừng cho thành công. Những người Hàn Quốc trẻ tuổi và năng động, có được nền tảng kinh tế để phát huy tài năng và cả tiềm năng, đồng thời đối diện với áp lực phải tạo dựng thành tựu càng sớm càng tốt đã thúc đẩy họ không ngừng thử nghiệm khai với âm nhạc, phim truyền hình và điện ảnh.
Nhiều bộ phim có chủ đề gây tranh cãi hơn với những thể loại phim chưa từng được sản xuất trước đó (kinh dị, giả tưởng) đã được sản xuất, dự thi, phát hành rạp chiếu và cả không gian mạng, rồi trở nên phổ biến trên toàn khu vực. Bên cạnh đó là nhiều bộ phim gia đình khai thác sâu nền tảng văn hóa truyền thống, có sự có diễn xuất dấn thân của loạt thần tượng trẻ, thu hút đông đảo người dân châu Á cũng trở nên rất phổ biến, làm gia tăng cơn sốt chung đối với các sản phẩm giải trí Hàn Quốc trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Nhiều ca sĩ và ban nhạc Hàn kiều hay có tư duy, kiến thức âm nhạc tầm quốc tế đã sáng tác biểu diễn nhạc rap kết hợp cả phong cách Mỹ và tâm lý Hàn Quốc, tạo ra những sản phẩm phù hợp với sở thích người Hàn và chinh phục thế giới. Những sản phẩm giải trí ở lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh truyền hình, trò chơi điện từ hay chuyện tranh mạng, đã khởi đầu cho sự phát triển vượt bậc của làn sóng Hàn Quốc.
Những nàng thơ của Trịnh Công Sơn lên phim như thế nào?
Nhắc đến nhà thơ Trịnh Công Sơn là nhắc đến nhiều mối tình kể cả trong nghệ thuật cũng như đời sống.