Phim Việt 2022: Nhìn lại chặng đường nửa năm đầy trắc trở

Chất lượng của hầu hết những bộ phim này đang không đủ sức thu hút những khán giả, vốn khao khát đến rạp chiếu thưởng thức phim trên màn ảnh rộng.

Sau khi rạp chiếu mở cửa, phim Việt Nam đã có cuộc tái xuất với những tác phẩm hầu hết đã trải qua hành trình dài quay dựng hậu kỳ trong kỳ đại dịch. Thế nhưng, điều đáng lo ngại là chất lượng của hầu hết những bộ phim này đang không đủ sức thu hút những khán giả, vốn khao khát đến rạp chiếu thưởng thức phim trên màn ảnh rộng nhưng lại gặp nhiều trở ngại trên con đường trở thành tín đồ điện ảnh của thời kỳ bình thường mới. 

Nỗ lực tìm đường ra trên nhiều phương diện

2022 có thể coi là năm đáng mong đợi với thị trường phim ảnh Việt khi so với các nước trong khu vực Đông Nam Á hay châu Á, hoạt động rạp chiếu đã sớm trở lại gần như bình thường từ những ngày đầu năm. Sau thời gian “án binh bất động” vì ảnh hưởng của dịch bệnh và dành thời gian để đầu tư, chuẩn bị kỹ càng, hàng loạt các hãng phim tung ra sản phẫm đã ấp ủ. Sự trở lại ồ ạt đó báo hiệu một mùa chiếu sôi động hơn cho màn ảnh Việt

19 bộ phim chiếu rạp trong 6 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng có 2-4 phim Việt ra rạp. Nếu nhìn về số lượng phim và cách khai thác đề tài, thể loại cũng như nỗ lực khám phá những ngôi sao điện ảnh mới, có thể thấy các nhà làm phim Việt Nam thực sự mong muốn tìm đường đến với khán giả đại chúng. 

Võ Thanh Hoà, chàng đạo diễn trẻ xuất thân từ diễn viên, với mối quan hệ thân thiết cùng các danh hài miền Nam đã tiếp tục thế mạnh của mình với hai bộ phim làm lại từ kịch bản nước ngoài, đặt tên rất kêu nghe đã thấy hên như Chìa khoá trăm tỷNghề siêu dễ. Đây cũng là 2 phim lớn, được hai nhà phát hành – cụm rạp hàng đầu là CGV và Lotte o bế. Cả hai bộ phim đều đẩy mạnh theo hướng hài hành động, là thể loại phim dễ gây được chú ý của đông đảo công chúng. Diễn viên của phim là ê-kíp của danh hài Thu Trang đã quen thuộc với khán giả cả nước qua loạt phim chiếu rạp và phim chiếu mạng Chị Mười Ba trước đó. 

Phim Việt 2022: Nhìn lại chặng đường nửa năm đầy trắc trở

Ngoài các phim làm lại, đã thành một kênh đầu tư đảm bảo nguồn thu, nhiều phim Việt thời gian qua cũng khai thác các thể loại phim đã quen thuộc trên thế giới nhưng mới mẻ trên sân nhà. Bóng đè là một sự khai phá đáng trông đợi của đạo diễn Việt Kiều nhiều bí ẩn Lê Văn Kiệt, người có nhiều tác phẩm ở các thể loại phim khác nhau trước đó, đạt doanh thu ấn tượng trong lần hợp tác với nhà sản xuất Ngô Thanh Vân ở Hai Phượng. Kẻ thứ 3 của nữ doanh nhân kim cương Lý Nhã Kỳ là một câu chuyện du hành thời gian, hơi hướng phim lãng mạn Hàn Quốc, chịu chơi khi mời thần tượng một thời của giới trẻ Việt là Han Jae Suk đóng chính.

Kẻ thứ ba thất bại dù nhà sản xuất đã viết tâm thư  kêu gọi
Kẻ thứ ba thất bại dù nhà sản xuất đã viết tâm thư  kêu gọi

Ngoài khai phái thể loại, nhiều nhà đầu tư – sản xuất tự tìm lối đi khẳng định ưu thế của mình. Có thể kể đến Đêm tối rực rỡNgười lắng nghe, hai bộ phim độc lập trước khi đến với khán giả trong nước cũng đã tham gia và nhận một số giải thưởng của liên hoan phim quốc tế khu vực hạng vừa và nhỏ. 

Nhiều bộ phim ra rạp thời kỳ này cũng có thể coi là nỗ lực thanh lý hàng tồn kho hay tận dụng tài nguyên của nhà sản xuất nhà đầu tư như Mưu kế thượng lưu, Mỹ nhân thần sách hay Ê ông già yêu nha. Các phim kiểu này hoặc vốn là phim kinh phí thấp hay phim chiếu mạng, được tút tát lại để đem ra “rạp nhà” – đơn vị thân thiết phát hành để chiếu. 

Một cách thức khác là Mến gái miền Tây hướng thẳng tới tệp khán giả đặc thù ngay từ tên gọi, giống như Vu quy đại náo, Vòng eo 56… đánh tập trung vào các tỉnh miền Tây, thích các chuyện hài và lối kể “bà tám”. 

Việc tìm ra những phân khúc khán giả đặc biệt hay thử sức mình ở các thể loại phong phú cùng với việc tìm cách để đưa phim ra rạp là nỗ lực không thể phủ nhận của ê-kíp các phim

Thất bại của những tên tuổi từng là bảo chứng

Nếu xét về số lượng phim, hẳn người làm thống kê sẽ thấy mừng. Tuy nhiên, chừng ấy tác phẩm lại là dấu lặng hoặc sự thụt lùi tay nghề của một số đạo diễn đã khẳng định bản thân mình trước đó. 

Lê Văn Kiệt mang đến một Bóng đè rối rắm, cắt dựng lộn xộn, càng về sau càng đuối cả ở câu chuyện lẫn dàn dựng. Phong độ của đạo diễn Hai Phượng sụt giảm đáng kể với tác phẩm mới nhất, cho dù các diễn viên nhí đã nỗ lực diễn xuất gồng gánh cho cả bộ phim.

Đạo diễn Lưu Huỳnh, người gây xúc động năm xưa với Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử, Lấy chồng người ta… mang đến hi vọng cho một bộ phim chính kịch gợi cảm mãnh liệt, dán nhãn 18+, gây sốc ngay từ loạt poster nóng bỏng và dòng tagline “Cuộc sống là một kiệt tác. Hãy tận hưởng!”khi tái xuất với Người tình. Thế nhưng, ngoài phần tạo hình ấn tượng, bối cảnh chỉn chu, diễn xuất lăn xả của diễn viên – đặc biệt là sự không ngại táo bạo của siêu mẫu Minh Tú cho vai diễn điện ảnh đầu tiên, toàn bộ phim thể hiện phong cách điện ảnh ước lệ, cũ kỹ, phù hợp với thập niên 1980, xa lạ với khán giả đương đại. Phần thoại của phim rất khó hiểu, tối nghĩa với người xem hiện đại. Đó là lý do phim không được khán giả và giới theo dõi điện ảnh đón nhận. 

Võ Thanh Hoà, với hai bộ phim làm lại của điện ảnh Hàn Quốc, không thể hiện được sự tiến bộ trong tay nghề. Anh vẫn tiếp tục sa lầy vào lối kể chuyện ồn ào, thiếu trau chuốt trong chỉ đạo diễn xuất, dựng phim. Hai phim anh làm dù được các hệ thống rạp lớn hậu thuẫn, cũng chỉ dừng ơi mức doanh thu tầm 70 tỷ, không chạm được cột mốc trăm tỷ của các phim thương mại đầu tư cao. Xuất hiện trong phim Võ Thanh Hoà, các ngôi sao từng dễ dàng thu tiền trăm tỷ ở các phim trước đó giờ thành cũng thành chật vật như Thu Trang, Kiều Minh Tuấn, Tiến Luật… Đặc biệt với Nghề siêu dễ có cả phiên bản phim chiếu mạng và ê-kíp kết hợp nhiều chiến thuật để truyền thông trên mạng xã hội, trong cộng đồng fan lớn mạnh của diễn viên – nhà sản xuất Thu Trang, thế nhưng hiệu ứng truyền miệng hạn chế. 

Nghề siêu dễ hạn chế hiệu ứng truyền miệng 
Nghề siêu dễ hạn chế hiệu ứng truyền miệng 

1990 của đạo diễn nhà sản xuất Đoàn Nhất Trung, từng giữ chức quán quân phòng vé Việt với Cua lại vợ bầu, tập hợp dàn sao nữ trong mơ Nhã Phương, Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9X, ngỡ sẽ là cú huých lớn cho thị trường sau đại dịch. Nhưng không, phim lủng củng rời rạc với ba tuyến truyện của nữ chính đều thiếu điểm nhấn. Nhã Phương tiếp tục có vai diễn lộ điểm yếu đài từ và sự tập trung trong diễn xuất. Lan Ngọc nhạt nhoà, Diễm My 9X khá hơn, song tương tác chung với bạn diễn nam của ba cô đều không tốt. Tất cả mang đến một bộ phim dưới trung bình, dùng danh tiếng diễn viên hay khai thác căng thẳng hậu trường mà doanh thu chỉ 24 tỷ. 

1990 - 1 bộ phim lủng củng và rời rạc
1990 - 1 bộ phim lủng củng và rời rạc

Không khó để nhận ra, kịch bản phim vẫn là điểm yếu cốt tử của hầu hết phim Việt chiếu rạp, nửa đầu năm nay cũng không ngoại lệ. Một số ít các phim có đầu tư cho kịch bản đã thể hiện rõ sức mạnh trong giá trị sản xuất như Bẫy ngọt ngào hay Đêm tối rực rỡ, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức an toàn, đúng công thức, xây dựng nhân vật có độ phát triển hợp lý.  

Lo ngại thu hồi vốn của các khoản đầu tư khủng

Nếu nói về kinh phí, nửa đầu 2022 chứng kiến nhiều bộ phim có kinh phí kỷ lục nhưng doanh thu phòng vé thì thấp ở mức đáng báo động. Điều này khiến nghề sản xuất phim vốn chứa đựng nhiều bất trắc theo kiểu “được ăn cả, ngã về không” giờ càng trở nê rủi ro hơn. 

Trạng Tí là bộ phim có số phận đặc biệt khi trình chiếu qua 2 mùa phim Tết vì trước đó gặp lệnh giãn cách. Ngay từ khi công chiếu lần đầu tiên, phim đã gặp khó khăn do ảnh hưởng từ scandal tranh chấp bản quyền với tác giả truyện tranh. Sau một thời gian dài ngưng trệ, phim có lần ra mắt phim sau dịch, trở thành một trong các phim Tết Nhâm Dần, nhưng sức nóng đã hạ nhiệt đáng kể do tình tiết phim không còn mới lạ, phụ huynh các bạn nhỏ cũng không hào hứng cho con em đến rạp khi các quy định về phòng chống dịch tại rạp chiếu cho đối tượng khán giả nhỏ tuổi vẫn nhiều mơ hồ. Doanh thu sau hai đợt chiếu của phim ước đạt 21 tỷ, còn xa mới tới điểm hoà vốn do kinh phí đầu tư là 43 tỷ. 

Nhưng thất bại này chưa là gì so với bom tấn hành động 578 Phát đạn của kẻ điên. 60 tỷ kinh phí đầu tư cho một bộ phim có phần hợp tác quốc tế ở khâu chỉ đạo võ thuật, hậu kỳ và cả cố vấn kịch bản nhưng tổng thể phim rối nùi với phần hành động dàn dựng nhiều cảnh dàn ngang thiếu điểm nhấn, quay phim lạm dụng flying cam, thoại phim tối nghĩa như người nước ngoài nói chuyện. Chưa kể tình tiết phim khiên cưỡng, xây dựng nhân vật một chiều, xuất hiện ngẫu nhiên, rút đi theo sở thích đạo diễn, gây khó khăn về diễn xuất cho nhiều tên tuổi người nổi tiếng mới tham gia đóng phim điện ảnh lần đầu tiên. Xét về trình độ chuyên môn, phim thua cả tác phẩm đầu tay Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng, khi không còn ngây thơ mà thành ngây ngô ảo tưởng. Chỉ số truyền thông rất cao của một siêu phẩm hành động với kinh phí kỷ lục, có sự tham gia của Top5 hoa hậu hoàn vũ thế giới, có nhiều bài đăng trên mạng xã hội hé lộ độ hoành tráng…không khiến bộ phim thuyết phục được người xem mua vé. Doanh thu tuần đầu tiên không chạm nổi mốc 3 tỷ, một con đường hoàn vốn mờ mịt cho “siêu phẩm”.

Cũng tốn kém với mác hợp tác quốc tế, Lý Nhã Kỳ tiêu tốn 33 tỷ để giải cứu cho một bộ phim mà nhà sản xuất ban đầu là Hạnh Nhân đã bỏ trốn vì vỡ nợ. Người thứ 3, cái tên dự báo điềm chẳng lành. Ngôi sao một thời của Hàn Quốc – Han Jae Suk đã thiếu đi sức hút về ngoại hình hay diễn xuất, càng không chú ý đến danh tiếng hay giữ gìn hình ảnh. Cách anh xuất hiện xuề xoà ở sự kiện ra mắt phim hay giao lưu với khán giả cho thấy đây là một bộ phim đáng quên trong sự nghiệp của anh. Nhà sản xuất – nhà đầu tư Lý Nhã Kỳ cũng không khá hơn. Sự xuất hiện ngô nghê của cô cùng với một giọng nói đớt lẽ ra nên được sắp đặt ở tuyến hài nhưng không, lại là nữ chính. Công bằng mà nói, phim xem dễ chịu hơn 578 khi có những đoạn dàn dựng lãng mạn đậm chất Hàn, diễn xuất của Kim Tuyến cũng tạm chấp nhận nhưng tổng thể cũ kỹ, chắp vá, khiến phim chuẩn bị rời rạp rồi mà doanh thu chỉ vọn vẹn 1 tỷ đồng, không bõ công Lý Nhã Kỳ bỏ khai mạc LHP Cannes để ở lại quảng bá. 

578 là một bước lùi của đạo diễn? 
578 là một bước lùi của đạo diễn? 

Điều đáng nói là cách tiêu tiền phong cách "nhà giàu xổi" này của các nhà sản xuất phim thiếu chuyên nghiệp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp những sản phẩm họ mang đến thị trường mà còn tạo ra một tiền lệ xấu với khán giả. Quyết định để ra rạp xem phim thời hậu dịch khó khăn hơn trước rất nhiều, không chỉ là trăm nghìn cho vé xem bắp nước, mà còn là chi phí về thời gian công sức khi rời khỏi “màn ảnh tại gia” chăn ấm đệm êm, lao ra đường, Họ sẽ phản ứng ra sao khi xem phải bộ phim không tương xứng với lựa chọn đó? Danh nghĩa hợp tác quốc tế chưa chắc đã mang đến xuất phát thuận lợi về thu hút danh tiếng mà còn khiến người xem tự hỏi: tại sao phải dính tới nước ngoài khi nội dung hay hình thức phim không khá khẩm gì hơn? Liệu hợp tác sản xuất mà cùng kéo nhau đi xuống có phải là một cách rửa tiền? 

Trong cuộc đua về kinh phí năm nay, bộ phim âm nhạc sử thi Em và Trịnh cũng gây chú ý với mức 50 tỷ. Theo ước tính của người làm nghề, một bộ phim có chi phí sản xuất ban đầu là 50 tỷ, cần đạt được doanh thu 120 tỷ mới bắt đầu hoà vốn và có lãi. Một bài toán khó về kinh phí. Nhưng đối với bộ phim này, ý nghĩa lịch sử nghề nghiệp chắc sẽ quan trọng hơn các con số doanh thu. 

Nhìn một cách lạc quan một chút, thách thức hiện nay phần nào là cơ hội. Không gì có thể thay thế được trải nghiệm điện ảnh ngoài rạp chiếu lớn, khán giả vẫn sẵn sàng đến rạp để thưởng thức phim hay. Nhìn vào mức doanh thu gần 200 tỷ của Phù thủy tối thượng trong Đa Vũ trụ hỗn loạn, vẫn có thể tin vào dung lượng thị trường phim ảnh nội địa. Tất nhiên, phim lớn thì phí quảng bá vận hành cũng lớn. Tuy nhiên, có bột mới gột nên hồ, trong kinh doanh thông thường không thể quảng bá một sản phẩm lỗi mà mong có lãi được. Với phim ảnh, loại sản phẩm đặc thù, càng không có chuyện phim không đủ chuẩn thắng ngoài rạp chiếu. 

Việc nhà sản xuất hiện nay làm phim không tốt rồi cố gắng đi bài PR lộ liễu có thể mang đến sự phản cảm với công chúng, bởi phim ảnh luôn là một sản phẩm giải trí lan truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng. Mọi nỗ lực quảng bá trên mạng xã hội chủ yếu tạo được tiếng vang trước khi phim thực sự ra rạp. Còn sau đó, có duy trì được suất chiếu phụ thuộc vào chất lương. Người xem phim có lý lẽ riêng của mình dựa trên nhu cầu cá nhân và vì thế, ở bất cứ nền công nghiệp điện ảnh nào, sự trật khớp giữa cảm nhận nhà phê bình (rất hiếm nhà phê bình thực sự) và đón nhận khán giả đại chúng cũng luôn tồn tại. Với cảm nhận tự thân của mỗi khán giả, nhất là là khi trình độ khán giả đang nâng cao với sự khắt khe hơn trong lựa chọn, mọi phê bình điện ảnh chỉ còn có giá trị tham khảo. 

Hàn Thuỷ

Khởi tố, bắt tạm giam Phó Trưởng phòng Quản lý giá, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế

Khởi tố, bắt tạm giam Phó Trưởng phòng Quản lý giá, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam ông Nguyễn Huỳnh - Phó Trưởng phòng Quản lý giá, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế