Điện năng lượng mặt trời có phải là bài toán tiết kiệm điện?

Điện mặt trời "bùng nổ" và đây có phải là một "bài toán" tiết kiệm như người dân mong đợi.

Hiện nay, không khó để tìm hàng trăm kết quả khi gõ từ khóa điện năng lượng mặt trời trên các trang mạng. Hàng trăm nhà cung cấp, vô vàn thiết bị với giá cả cạnh tranh làm cho người dùng khó lòng đưa ra quyết định lựa chọn.

TP.HCM 3000 hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời 

Gia đình anh Trần Tấn Ngọc (Q. Bình Tân, TP.HCM) có tổng diện tích 64 m², 1 trệt 1 lầu. Số lượng thiết bị điện sử dụng trong nhà rất nhiều: máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, quạt máy…Mỗi tháng anh chi trả gần 2 triệu tiền điện. Nên anh quyết định đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời Lithaco để giảm chi phí điện mỗi tháng. 

Không gian nhà anh Tấn Ngọc tốn khoảng 9 tấm pin năng lượng mặt trời, chiếm 1/3 không gian sân thượng. Theo anh Tấn Ngọc với mức đầu tư 50 triệu đồng cho hệ thống năng lượng điện mặt trời, thì trong vòng 6 năm sẽ thu hồi vốn.

Theo anh Ngọc đây là khoảng đầu tư hợp lý, khi thiết bị được bảo hành 12 năm và vòng đời lên đến 25 năm và được ngành điện lực hỗ trợ đồng hồ điện 2 chiều. Sản lượng điện có thể hòa vào mạng lưới điện quốc gia nếu dư.

Điện năng lượng mặt trời và “bài toán” tiết kiệm điện?
Điện năng lượng mặt trời và “bài toán” tiết kiệm điện?

Cầm chiếc điện thoại thông minh trên tay với chỉ số điện được ghi nhận tự động bằng phần mềm, anh tấn Ngọc cho biết: “Thông tin về lượng điện sản xuất trong ngày, tháng và tổng lượng điện sản xuất của hệ thống đều được cập nhật, báo cáo mỗi ngày và tôi có thể kiểm soát lượng điện tiêu thụ. Đến tháng khấu trừ điện tiêu thụ và thanh toán tiền ngay trên chiếc điện thoại thông minh này”.

“Sau 2 tháng lắp đặt chi phí tiền điện chi trả gia đình tôi giảm xuống hẳn, như tháng 5 vừa rồi tôi chỉ trả có 9.000 đồng tiền điện” Anh Ngọc cho biết thêm.

Theo thông tin từ Tổng công ty điện lực TP.HCM, hiện tại trên địa bàn thành phố đã có trên 3000 hộ gia đình đã lắp đặt điện năng lượng mặt trời.    

Không chỉ có hộ gia đình, các công ty lớn cũng bắt đầu quan tâm và đầu hệ thống điện năng lượng mặt trời. Ông Nguyễn Thanh Phú – Giám đốc Jet Studio – một đơn vị sản xuất chương trinh truyền hình mới đây cũng đã đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời cho phim trường của mình.

Jet Studio chính thức trở thành nhà sản xuất chương trình truyền hình đầu tiên tại Việt Nam sử dụng hoàn toàn năng lượng mặt trời – nguồn năng lượng xanh, sạch và bền vững – vào việc sản xuất các chương trình truyền hình.

Theo ông Thanh Phú, lượng điện sản xuất các chương trình truyền hình rất cao, Jet studio là công ty truyền thông và phim trường đầu tiên tại Việt Nam đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, cung cấp điện cho toàn bộ hoạt động của phim trường và khối văn phòng không chỉ nhằm mục đích tiết kiệm điện mà còn hướng đến việc tạo dựng một không gian xanh năng lượng bền vững.

Người tiêu dùng có thể cập nhật thông tin qua công suất và chi trả tiền ngay trên chiếc điện thoại thông minh của mình
Người tiêu dùng có thể cập nhật thông tin qua công suất và chi trả tiền ngay trên chiếc điện thoại thông minh của mình

Theo ông Nguyễn Duy Quốc Việt – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM, Việt Nam nằm trong dải phân bổ ánh sáng mặt trời nhiều nhất trong năm nên tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta là rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời.

Sử dụng điện mặt trời giúp tiết kiệm một phần chi phí tiền điện do không phải sử dụng nguồn điện lưới, bên cạnh đó còn giúp hấp thụ bức xạ nhiệt đối với mái nhà, giúp làm giảm sức nóng của toàn bộ ngôi nhà, từ đó giảm sử dụng máy lạnh, góp phần tiết kiệm chi phí tiền điện. Đây là nguồn năng lượng an toàn, thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, trong quá trình vận hành không gây ra tiếng ồn và khói bụi.

Ông còn Quốc Việt còn cho biết thêm về phía Tổng công ty điện lực TP.HCM, sau khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, chủ đầu tư có nhu cầu hoà lưới điện quốc gia, bán phần điện dư cho ngành điện, chỉ cần liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng của EVNHCMC qua đầu số 1900545454 sẽ được hỗ trợ kiểm tra điều kiện hoà lưới, lắp điện kế 02 chiều miễn phí.

Ngoài ra, lượng điện thừa sẽ phát ra lưới sẽ được ngành điện mua lại với giá được quy định hiện hành là 2.134đ/kwh và thanh toán định kỳ hàng tháng cho chủ đầu tư. Nếu người dân ký hợp đồng mua điện trước 30/6/2019), thời hạn hợp đồng này kéo dài trong 20 năm; (Theo thông tư 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 có hiệu lực kể từ ngày 25/4/2019).  

Chi phí đầu tư điện mặt trời còn khá cao

Một số hộ gia đình hiện nay lo lắng, đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời liệu có hiệu quả như thông tin quảng cáo của của các đơn vị tư vấn cũng như thi công hệ thống. Hay vào những mùa mưa thì hệ thống không phát huy được năng suất…

Theo anh Trần Triệu Phú, một người từng tư vấn thiết kế cho rất nhiều hệ thống điện mặt trời thì hơn 95% thiết bị năng lượng mặt trời trên thị trường hiện nay đều được sản xuất từ Trung quốc, mẫu mã đa dạng, giá thành cạnh tranh từ 8-25 triệu cho 1kwp.

Hàng xuất xứ trôi nổi chiếm tỉ lệ không nhỏ hơn 50% trong đó không dưới 30% là hàng kém chất lượng. Vì vậy, khi quyết định đầu tư vào hệ thống điện năng lượng mặt trời cần tìm đến những nơi đủ kinh nghiệm. Công ty đó phải có chứng nhận đại diện tại Việt Nam của Nhà sản xuất có thương hiệu uy tính. Nhằm có được chính sách bảo hành bảo trì tốt nhất khi xảy ra sự cố kỹ thuật.

Công suất điện mặt trời sẽ tùy vào điều kiện thời tiết và thiết kế nhà. 
Công suất điện mặt trời sẽ tùy vào điều kiện thời tiết và thiết kế nhà. 

Đơn vị tính cho hệ thống điện năng mặt trời là kwp có nghĩa là công suất đỉnh, công suất này không thể duy trì liên tục trong một thời gian dài mà nó thay đổi theo cường độ ánh nắng (trời mưa hoặc trời tối không thể sản sinh ra điện mặt trời). Hiện nay, khi bạn có mặt bằng 6-7m² để lắp solar modul thì hệ thống chỉ có thể tối đa tạo ra công suất 1kwp ở diện tích trên.

Tính trung bình sản lượng điện trong một năm trên 1kwp sản sinh ra ở khu vực nam bộ sẽ dao động 3,8 - 4,9kwh/ngày, Tây nguyên và Nam trung bộ 4,4 - 5,7kwh/ngày, Bắc trung bộ 4,4 - 5,2kwh/ngày, Tây bắc 3,6 - 4,9kwh/ngày,  Đông bắc 2,8 – 4,1kwh/ngày ở điều kiện thuận lợi.

Dựa vào thông số này, bạn có thể tính được sơ khảo con số bạn mong muốn tiết giảm thì cần đầu tư hệ thống điện mặt trời công suất là bao nhiêu. Bằng cách lấy số kwh/ngày của 1kwp tại khu vực nhân cho số kwp hệ thống bạn dự tính đầu tư, sau đó nhân cho 30 ngày (1 tháng) sẽ ra số kwh gần đúng bạn cần tiết kiệm trong một tháng.

Với những nhà mái bằng quay về hướng nam, khi lắp đặt tấm pin chếch 12º sẽ là phương án tối ưu nhất nhưng cũng chỉ đạt tầm 80% hiệu suất của hệ thống vì khó có thể đạt được tối ưu 100% theo công bố nhà sản xuất. Do tất cả các thiết bị được thí nghiệm, công bố thông số nhà sản xuất là ở 25ºC, cường độ nắng tiêu chuẩn tương đương 1000W/m².

Chủ đầu tư có thể cân nhắc về hệ thống điện mặt trời. 
Chủ đầu tư có thể cân nhắc về hệ thống điện mặt trời. 

Ở điều kiện thông thường hiếm khi đạt được tối đa công suất, một vài trường hợp có thể đạt chỉ số tối ưu nhưng cũng chỉ là tức thời. Nhà có kết cấu mái ngói, nằm hướng đông, lệch đông hoặc tây, lệch tây sẽ có hiệu suất tổng sản lượng trong ngày thấp hơn tùy theo mức độ hiện trạng thực tế.

Bạn có thể kiểm tra tổng sản lượng hệ thống điện năng lượng mặt trời tạo ra bằng cách xem trên App thiết bị sau khi lắp đặt, kiểm tra sản lượng điện bán ra bằng cách xem trên điện kế đo đếm đa năng (điện kế 2 chiều) do Điện lực lắp đặt và tổng sản lượng điện bạn đã dùng trong tháng bằng cách cộng chỉ số điện trên giấy báo tính tiền điện (Điện năng tiêu thụ) với sản lượng bán ra.

Nhìn chung, việc đầu tư một hệ thống điện năng lượng mặt trời nhằm tiết kiệm điện là có kết quả nhưng chi phí đầu tư với giá thành hiện nay vẫn là một con số không nhỏ. Bạn cần tìm hiểu, tính toán sơ khảo được con số gần đúng khi bỏ ra để cân nhắc mức độ kinh tế cho phép, tránh việc không mong muốn khi được các đơn vị quảng cáo quá mức gây lãng phí tài chính cho chính mình khi chưa đến mức thật sự cần thiết.

Hệ thống điện mặt trời hiện này có 3 công nghệ như sau:

Hệ thống độc lập: Hấp thu ánh nắng vào buổi sáng để dùng cùng lúc lưu trữ nguồn điện (thông qua Pin hoặc Accu), ban đêm khi không còn ánh nắng nguồn năng lượng lưu trữ này sẽ được xả ra để sử dụng. Phương án này đa số ứng dụng ở những nơi nguồn điện Quốc gia thường xuyên xảy ra sự cố hoặc ở những nơi lưới điện Quốc gia chưa phủ đến.

Hệ thống hòa lưới: Hấp thu ánh nắng, sản xuất nguồn điện hòa vào lưới điên Quốc gia để sử dụng cho hệ thống điện nội bộ. Phần dư thừa được tạo ra từ hệ thống điện mặt trời này sẽ được bán lại cho Điện lực thông qua điện kế đo đếm 2 chiều. Phương án này là phương án thông dụng trên toàn thế giới khi đầu tư hệ thống điện mặt trời.

Hệ thống hòa lưới có lưu trữ: Là kết hợp 2 loại (vừa hòa lưới + có thể lưu điện khi không còn ánh nắng hoặc mất điện). Loại này khá tốn kém, do bộ nghịch lưu này có giá thành đắt gấp đôi các loại khác và thời gian lưu điện càng dài thì chi phí đầu tư vào hệ thống lưu trữ càng cao.

VIÊN VIÊN

theo Tin 24h