Điều tra có hay không về đường dây thông đồng giữa những đối tượng và cán bộ cơ quan nhà nước để tạo "sốt đất" xảy ra trên địa bàn

Mới đây, UBND TP Đà Nẵng ban hành công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng có biện pháp yêu cầu các ngân hàng thương mại không cho phép đảo nợ hoặc định giá lại đối với quyền sử dụng đất đã thế chấp; thắt chặt tín dụng BĐS, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định cho vay vốn tín dụng BĐS. Điều tra có hay không về đường dây thông đồng giữa những đối tượng và cán bộ cơ quan nhà nước để tạo "sốt đất" xảy ra trên địa bàn.

UBND thành phố yêu cầu rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất tại thành phố để bảo đảm an toàn tín dụng. Trong khi đó, các sở, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Thường xuyên trao đổi thông tin với Công an thành phố về tình hình triển khai đấu giá, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố, khi phát hiện các dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất thì giao Công an thành phố triển khai xử lý theo quy định pháp luật.

Đáng chú ý, Sở TN&MT TP Đà Nẵng cũng vừa có công văn bản gửi Công an thành phố đề nghị vào cuộc, điều tra xem có hay không về đường dây thông đồng giữa những đối tượng và cán bộ cơ quan nhà nước để tạo "sốt đất" ở huyện Hòa Vang. Trước đó, Sở này cũng phát đi thông tin cảnh báo sốt đất ảo để trục lợi ở vùng nông thôn thành phố. Theo đó, thời gian gần đây xuất hiện một số nhóm người có chủ ý tạo ra những đợt sốt đất ảo, nhất là ở khu vực nông thôn ở các tỉnh, thành cả nước, trong đó có huyện Hòa Vang nhằm trục lợi.

Thủ đoạn nhóm người này sử dụng là tạo điểm nóng để thông tin không chính xác về việc người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai tại huyện Hòa Vang.

Việc đưa hình ảnh lên mạng xã hội nhằm phô trương nhu cầu, quy mô lượng người giao dịch, mua bán tạo nên làn sóng gây sốt đất ảo, làm giá mua đi bán lại giữa những nhóm người này với nhau, với chiêu trò "giá ngày hôm sau tăng hơn hôm trước", mục đích cuối cùng là đẩy giá đất lên cao so với thực tế và trục lợi từ mua bán đất đai.

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành văn bản về việc tiếp tục nâng cao trách nhiệm và tăng cường công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, việc tổ chức đấu giá đất, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh.UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu UBND các địa phương cần xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức có dấu hiệu “tiếp tay”, vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, quản lý thị trường bất động sản, quản lý thuế bất động sản…

Giao cơ quan công an địa phương kịp thời nắm bắt tình hình, thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các vụ việc vi phạm về kinh doanh bất động sản, đấu giá đất, trốn thuế kinh doanh bất động sản… để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đối với các Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Cục Thuế tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, hoạt động đấu giá đất, thu thuế kinh doanh bất động sản theo chức năng, nhiệm vụ. Phối hợp với Công an tỉnh để cung cấp các thông tin, hồ sơ, tài liệu của những dự án, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật để làm cơ sở điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng giao Công an tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nắm bắt tình hình để điều tra, phát hiện sớm các hành vi vi phạm về kinh doanh bất động sản, đấu giá đất, trốn thuế kinh doanh bất động sản để xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật; tham mưu cho UBND tỉnh có phương án xử lý kịp thời, ngăn chặn từ xa, từ sớm để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm từ khi bắt đầu có dấu hiệu vi phạm.

Tổng Hợp