Tính đến ngày 27/1, khoảng 58% doanh số bán khí đốt tự nhiên của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga cho châu Âu và các nước khác được thanh toán bằng đồng euro. Trong quý 3 năm ngoái, 39% là đô la Mỹ.
"Tất nhiên, Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên theo khối lượng và giá cả ... đã được ấn định trong các hợp đồng đã ký trước đó", ông Putin cho biết hôm thứ Tư tại cuộc họp trên truyền hình với các bộ trưởng hàng đầu của chính phủ.
Ông nói: “Những thay đổi sẽ chỉ ảnh hưởng đến đơn vị tiền tệ thanh toán, sẽ được đổi thành đồng RUB của Nga”.
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh phương Tây đã và đang áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Nga, với hy vọng gây áp lực buộc nước này phải rút các lực lượng quân sự khỏi Ukraina.
Ngay sau thông báo trên, đồng RUB đã mạnh lên so với đô la Mỹ và đồng euro.
Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos liền sau đó cũng đưa ra tuyên bố sẽ tiến hành tất cả các hợp đồng quốc tế trong tương lai bằng đồng RUB.
Đầu tháng 3, chính phủ Nga đã công bố danh sách 48 quốc gia được cho là không thân thiện, bao gồm tất cả các nước thành viên EU, Mỹ, Nhật Bản, Thụy Sĩ và Na Uy.
Động thái được công bố có thể gây khó khăn do nhiều nước châu Âu, bao gồm cả Đức, vẫn phụ thuộc vào Moscow về nguồn cung năng lượng.
Đồng RUB đã giảm giá trị mạnh trong bối cảnh Nga chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông Putin cho biết chính phủ và ngân hàng trung ương có một tuần để tìm cách chuyển hoạt động bán khí đốt sang đồng tiền của Nga và tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom do nhà nước kiểm soát sẽ được lệnh thay đổi hợp đồng khí đốt cho phù hợp.
Ngay sau phát biểu này của ông Putin vào hôm 2/3, đồng RUB đã tăng trở lại.
Năm 2021, Nga đã xuất khẩu khoảng 55,5 tỷ USD (50,06 tỷ Euro) khí đốt tự nhiên sang các nước trên toàn thế giới.
Đức nói rằng chuyển sang đồng RUB sẽ là 'vi phạm hợp đồng'.
Đức cam kết sẽ tham khảo ý kiến các đồng minh về các khoản thanh toán khí đốt trong tương lai.
"Việc thông báo thanh toán bằng đồng RUB là ... vi phạm hợp đồng và bây giờ chúng tôi sẽ thảo luận với các đối tác châu Âu của chúng tôi về cách chúng tôi sẽ phản ứng với điều đó", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết. Trước khi Moscow xâm lược Ukraina, Đức đã nhập khẩu 55% khí đốt tự nhiên từ Nga.
Công ty năng lượng Áo OMV cho biết, họ không có kế hoạch thanh toán bằng đồng RUB. Giám đốc điều hành Alfred Stern nói trong các bình luận với đài truyền hình Pul 24 rằng, các hợp đồng hiện tại yêu cầu thanh toán bằng đồng euro. Khoảng 80% khí đốt được sử dụng ở Áo đến từ Nga.