Xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang tiếp tục leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây và chưa cho thấy các dấu hiệu nhượng bộ của các bên.
Cuối tuần trước, Mỹ đã áp mức thuế 15% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tăng từ con số 10% trước đó. Đây là đòn thuế mới, nhằm vào khoảng 300 tỉ đô la Mỹ hàng Trung Quốc. Nếu hai nước không đạt được một thỏa thuận thì Mỹ sẽ đánh thuế tiếp vào ngày 15/12.
Các chuyên gia nhận định về tình hình kinh tế . |
Bắc Kinh cũng đã đáp trả bằng thuế quan từ 5-10% nhằm vào 75 tỉ đô la Mỹ hàng nhập khẩu từ Mỹ, chủ yếu ảnh hưởng đến các sản phẩm nhạy cảm với ngành nông nghiệp. Bắc Kinh cũng đâm đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới về vòng thuế mới nhất của Mỹ, cho rằng nó vi phạm sự đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đạt được ở Osaka, Nhật Bản vào đầu năm nay. Mặt khác, để giảm thiểu tác động của việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu, Trung Quốc đã giảm bớt dự trữ bắt buộc và bơm tiền ra thị trường nhằm hạ giá đồng Nhân dân tệ.
Theo chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại Việt Nam chiến tranh thương mại leo thang sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam theo hướng có lợi cho bởi nước ta có thể thay thế một phần đáng kể lưu lượng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ngoài ra, các dòng vốn đầu tư rút khỏi Trung Quốc sẽ tìm đến Việt Nam như một điểm đến tiềm năng, nếu chúng ta đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên điều quan ngại là đồng Nhân dân tệ giảm giá làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và Việt Nam sẽ là thị trường nhập khẩu các mặt hàng và công nghệ không cao đang dư thừa ở Trung Quốc. Điều này sẽ gây khó khăn cho sản xuất trong nước, làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc, gây sức ép lên tỷ giá tiền đồng và đô la Mỹ. Nếu Việt Nam xử lý không tốt sẽ làm lạm phát tăng, làm giảm giá trị đồng nội tệ, đe dọa ổn định vĩ mô.
Ngoài ra, doanh nghiệp Trung Quốc có thể thông đồng với một số doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam rồi tìm cách xuất khẩu sang Mỹ (kể cả lợi dụng cơ chế tạm nhập tái xuất hoặc có thể gia công thêm một vài công đoạn đơn giản, không bảo đảm tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ). Đây là điều rất nguy hiểm, tạo cớ cho Mỹ đánh thuế bổ sung đối với hàng hóa của Việt Nam (như vụ thép và nhôm).
Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại Việt Nam. |
Riêng phía Mỹ, theo ông Tuyển tại thời điểm này Việt Nam chưa phải là đối tượng mà Mỹ hướng đến nhưng Mỹ đã cảnh báo Việt Nam trên các nội dung: Việt Nam xuất siêu lớn, từ vị trí thứ 6 đầu năm 2018, hiện nay, Việt Nam đã lên thứ 4 trong 16 nước xuất siêu vào Mỹ. Mỹ cho rằng, Việt Nam cũng đang tác động đến thị trường ngọai tệ theo cách phi thị trường, đã mua vào lượng ngoại tệ lớn (hơn 2% GDP).
Ngoài ra, họ cũng cảnh báo Việt Nam về các biện pháp hạn chế doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam thể hiện trong một số điều khoản của Luật An toàn thông tin mà Quốc Hội đã thông qua.
Tại hội thảo, ông Mathew Smith, Giám đốc Nghiên cứu, phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm gia tăng những bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu.
Đây là một lý do dẫn đến sự biến động mạnh ở các thị trường chứng khoán Mỹ (mà cho đến gần đây đang ở mức cao nhất từ trước đến nay), đường cong lãi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ trở nên bằng phẳng và giá kim loại quý tăng lên - tất cả đều cho thấy các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm những kênh trú ẩn an toàn. Điều này cũng được phản ánh bởi sự tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi trọng yếu.
“Các nhà đầu tư nước ngoài thậm chí đang bán mạnh chứng khoán Việt Nam mặc dù quốc gia này được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại, điều này cũng cho thấy sự e ngại của họ trước những rủi ro. Mặc dù các vấn đề chiến tranh thương mại chưa chắc sẽ sớm được giải quyết, dòng tiền chảy vào các thị trường mới nổi (bao gồm cả Việt Nam) có thể sẽ được cải thiện vào cuối năm nay khi các ngân hàng trung ương toàn cầu, đặc biệt là Cục dự trữ liên bang (Fed) của Mỹ, nới lỏng chính sách tiền tệ để giải quyết vấn đề phát triển kinh tế trì trệ”, ông Mathew nói thêm.
Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc. |
Trước câu hỏi trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang ngày càng có nhiều diễn biến mới, doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì?
Ông Tuyển cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực điều chỉnh cơ cấu thị trường theo hướng cân bằng hơn. Theo đó, Việt Nam nên giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, nhất là các sản phẩm công nghệ cao để tăng nhập khẩu các sản phẩm này từ Mỹ.
Khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU và chú ý đến Đông Âu , thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ. Đây là một tiềm năng to lớn cần khai thác. Song song đó, phải kiên quyết chống gian lận thương mại, bao gồm gian lận xuất xứ để tránh bị Mỹ và các đối tác thương mại trừng phạt.
Trong khi đó, tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thương chiến diễn ra sẽ là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế và lấp các khoảng trống về mặt pháp lý.
Trước hết, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để hoàn thiện việc quản lý, cung cấp và kiểm tra xuất xứ hàng hóa, qua đó tranh thủ nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA cho doanh nghiệp bản địa. Tiếp theo, Việt Nam nên nâng cao việc theo dõi và quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng ở khu vực là một cơ hội vàng để Việt Nam chào đón các chuỗi cung ứng phù hợp với mục tiêu phát triển dài hạn của mình.
Bài viết không tồn tại hoặc đã xóa