Dưa hấu 'bí' đầu ra khiến người trồng lao đao

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, người trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bắt đầu vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, nông dân trồng dưa đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ khi thị trường trong và ngoài nước đều bị "đóng băng" thời gian qua.

Vụ dưa hấu năm 2022, gia đình ông Nguyễn Trường Vinh, thôn Hòa Trung, xã Ea Bông, huyện Krông Ana trồng 7 sào dưa hấu với chi phí đầu tư hơn 100 triệu đồng, hiện dưa hấu đã đến thời điểm thu hoạch nhưng vẫn chưa bán được vì "khan hiếm" thương lái và giá quá rẻ.

Theo ông Vinh, nhìn chung các loại nông sản của Việt Nam đều đang khó tiêu thụ do thị trường nội địa bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến việc thu mua, vận chuyển khó khăn.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc cũng trong tình trạng khó thông quan khiến thương lái trong nước không dám thu mua số lượng lớn. Vì vậy, dù nhiều hộ trồng dưa đã đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn chưa có người hỏi mua.

ttxvn_20220114_dua_hau.jpg

"Hiện một số hộ đã bán với giá 2.000 đồng/kg. Nếu gia đình thu hoạch 7 sào dưa hấu được khoảng 25 - 26 tấn, bán với giá 2.000 đồng/kg thì vụ dưa của gia đình lỗ trên 60 triệu đồng. Người trồng dưa hấu hiện nay như "ngồi trên đống lửa" khi Tết Nguyên đán cận kề, nhưng vụ dưa hấu cuối năm gần như thất bại. Chỉ còn trông chờ các cấp chính quyền và ngành chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ tiêu thụ để người nông dân giảm bớt phần nào thiệt hại", ông Nguyễn Trường Vinh chia sẻ.

Cùng chung hoàn cảnh này, ông Bùi Văn Biên, buôn Tơ Lơ, xã Ea Na, huyện Krông Ana đang rất lo lắng khi trồng 5 sào dưa hấu, dự kiến gần Tết Nguyên đán sẽ thu hoạch. Theo tính toán, diện tích 5 sào chăm sóc tốt thì thu được khoảng 20 tấn, nếu giá dưa 4.000 đồng/kg thì hòa vốn, còn 2.000 đồng/kg như hiện nay thì thua lỗ rất nhiều.

Những năm trước đây, thị trường tiêu thụ ổn định, chi phí đầu tư sản xuất thấp, giá dưa hấu dao động khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg thì người trồng còn có lợi nhuận. Năm nay, chi phí đầu tư như: phân bón, nhân công, thuốc bảo vệ thực vật… đều tăng cao và đầu ra nông sản còn bị tắc nghẽn thì người trồng dưa sẽ thua lỗ nặng, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời trong khâu tiêu thụ. ông Bùi Văn Biên cho hay.

Người trồng dưa hấu tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn của tỉnh Đắk Lắk cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi giá thua mua thấp cùng sức mua giảm sút khiến người trồng dưa lao đao.

Bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn cho biết, vụ dưa hấu năm 2022 toàn huyện có hơn 130 ha dưa hấu. Hiện người trồng dưa đã thu hoạch khoảng 50% diện tích, nhưng do thị trường trong nước và xuất khẩu đều gặp khó khăn nên giá dưa tại ruộng chỉ ở mức 2.000 - 2.500 đồng/kg. Với giá này thì người trồng dưa sẽ thua lỗ nặng và "trắng tay" với vụ dưa hấu Tết Nguyên đán.

Trước tình hình trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn đã báo cáo và kiến nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh tìm hướng hỗ trợ trong khâu tiêu thụ cho người trồng dưa hấu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, người trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều nhiều khó khăn khi Trung Quốc đóng cửa khẩu để kiểm soát dịch COVID-19. Nhiều thương lái đã ký với nông dân do không xuất được hàng nên không thể bao tiêu hết sản phẩm cho người dân, kéo theo đó làm tồn đọng gây thiệt hại lớn cho người trồng dưa và thương lái. Hiện giá dưa tại ruộng chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, người dân vẫn phải chấp nhận bán vì đã đến thời kỳ thu hoạch. Mặc dù giá đã giảm xuống thấp, nhưng việc bán ra cũng hết sức khó khăn vì rất ít người mua.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Xuân Dũng cho biết, để giảm bớt phần nào khó khăn cho người trồng dưa hấu, Sở  đã phối hợp với Sở Công thương và các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh vào cuộc giúp người dân tiêu thụ dưa hấu. Đơn cử như Công ty Hương Cao nguyên đã tiêu thụ khoảng 1.000 tấn dưa với giá từ 2.500 - 3.000 đồng/kg tại ruộng cho nông dân để đưa vào các siêu thị như: Megar Maket, Coop Mart, WinMart, Go… và tiếp tục vận động các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong tỉnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân nhằm kích cầu thị trường nội tỉnh và trong nước.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo UBND tỉnh về tình hình tiêu thụ và lưu thông hàng hóa nông sản, thủy sản sang Trung Quốc để có hướng chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động ứng phó, hạn chế ảnh hưởng; đồng thời, thông báo đến các Công ty, doanh nghiệp trong tỉnh để chủ động phương án xử lý, bảo quản hàng hóa nông sản, thủy sản.

Theo thống kê, diện tích dưa hấu năm 2022 của tỉnh Đắk Lắk là 524 ha, tập trung ở các huyện như: Ea Súp 230 ha, Buôn Đôn 135 ha, Krông Ana 50 ha..., năng suất trung bình 27,67 tấn/ha với tổng sản lượng cả tỉnh ước khoảng 14.500 tấn. Hiện nay, diện tích dưa hấu đang thu hoạch khoảng 305 ha, sản lượng ước khoảng 8.000 tấn, theo TTXVN.

PV

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương