Theo báo cáo, New York vẫn giữ vị trí số 1 với Đại Lộ số 5 là điểm bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới, trong khi Milan vươn lên vị trí thứ 2, vượt qua Tsim Sha Tsui của Hồng Kông. Đặc biệt, Đường Đồng Khởi của TP.HCM nổi bật khi tăng 1 bậc lên hạng 13.
Theo Tiến sĩ Dominic Brown, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Quốc tế tại châu Á Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng ngành bán lẻ đang tiếp tục hành trình phục hồi sau đại dịch, không chấp nhận thách thức từ làn sóng lạm phát và tăng lãi suất toàn cầu.
Trên phạm vi toàn cầu, giá thuê mặt bằng bán lẻ tăng trung bình 4,8%, với châu Á Thái Bình Dương là khu vực có mức tăng mạnh nhất, đạt 5,3%. Các thị trường hàng đầu như Hồng Kông và Tokyo chiếm đến 6 trong 8 bảng xếp hạng hàng đầu tại khu vực.
Mục tiêu của báo cáo đặt ra là mặc dù giá thuê tăng, nhưng không tương xứng với mức lạm phát, và ngành bán lẻ cao cấp dự kiến vẫn sẽ duy trì ổn định và phục hồi tích cực trong những năm tới.
Tiến sĩ Brown cũng nhấn mạnh rằng sự phục hồi của ngành bán lẻ xa xỉ ở châu Á Thái Bình Dương có dấu hiệu tích cực, đặc biệt là khi khu vực này dự kiến có triển vọng kinh tế mạnh mẽ vào năm 2024.
Hơn 95% thương hiệu xa xỉ báo cáo tăng trưởng lợi nhuận vào năm 2022, và xu hướng tích cực này được dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2023, mặc dù sẽ đối mặt với một số thách thức trong năm 2024.
Còn theo Savills Việt Nam, trong 6 tháng cuối năm 2023, thị trường bán lẻ cao cấp tại TP.HCM đã chào đón nhiều thương hiệu danh tiếng ở nhiều ngành hàng như thời trang, trang sức, mỹ phẩm, đồng hồ như Loewe, Van Cleef & Arpels, Breitling,... Các thương hiệu này đều đã lựa chọn cho mình những mặt bằng đắc địa tại trung tâm quận 1 như Union Square hay trên trục đường Đồng Khởi.
Trong giai đoạn cuối năm, thị trường sẽ chứng kiến sự sôi động hơn của phân khúc bán lẻ cao cấp với các hoạt động khai trương cửa hàng mới. Phân tích về sức hút của TP.HCM đối với các thương hiệu này, bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Cho thuê Bán lẻ Savills TP.HCM cho biết, sự tăng trưởng của tầng lớp có thu nhập cao và tâm lý chi tiêu phóng khoáng cho các mặt hàng xa xỉ, cao cấp nổi tiếng là một trong những yếu tố then chốt.
"Cùng với đó, không thể không kể đến sự phát triển của các tập đoàn phân phối bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian qua với thực lực mạnh mẽ và thị phần lớn đã thuyết phục được nhiều thương hiệu "khó tính" gia nhập vào thị trường Việt Nam", bà Trần Phạm Phương Quyên nói thêm.
Yếu tố khác đến từ nguồn cung mặt bằng chất lượng cao tại thành phố trong năm 2023. Theo bà Quyên, sau khi nhiều mặt bằng đắc địa đã hoàn tất kế hoạch cải tạo, nâng cấp dự án, các thương hiệu đã có nhiều lựa chọn hơn trong việc chọn địa điểm để đặt cửa hàng phù hợp với chiến lượng kinh doanh của mình. Các chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ cũng mang đến những cơ sở chất lượng, uy tín và được những thương hiệu cao cấp tin tưởng, gắn bó.
Bên cạnh những diễn biến tích cực trên, chuyên gia Savills cũng đưa ra một số khó khăn của thị trường trong giai đoạn nền kinh tế có sự chững lại.
"Tại TP.HCM, các thương hiệu ở phân khúc trung bình đang gặp nhiều thách thức khi doanh số giảm 20-30% so với kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do nhóm người tiêu dùng của phân khúc này thường nhạy cảm hơn về giá thành các sản phẩm. Khi nền kinh tế chung khó khăn họ có xu hương thắt chặt hơn về chi tiêu cũng như cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố giá thành khi mua sắm", bà Quyên dẫn chứng.
Ở bức tranh rộng hơn, ông Simon Smith, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills châu Á - Thái Bình Dương cho biết, các nhà bán lẻ trong khu vực đang đối mặt với một số thách thức về kinh tế vĩ mô trong ngắn và trung hạn.
Cùng với đó, mối lo ngại đến từ phát triển của thương mại điện tử đối với các chủ mặt bằng bán lẻ cho thuê vẫn còn hiện hữu. Thói quen mua sắm trực tuyến đang trở nên phổ biến hơn sau giai đoạn đại dịch. Điều này đồng nghĩa với việc các cửa hàng và trung tâm mua sắm cần cung cấp nhiều trải nghiệm hơn để thu hút và giữ chân người tiêu dùng.
Đối với các doanh nghiệp phát triển các dự án bán lẻ, chuyên gia Savills cho biết tình trạng lạm phát đang làm tăng chi phí xây dựng và nhân công. Do đó, các chủ tài sản đang phải kỳ vọng rất lớn vào niềm tin của các thương hiệu vào cửa hàng vật lý tiếp tục tăng, từ đó thúc đẩy giá thuê.