Eximbank bị tố ngăn cản quyền dự họp của cổ đông trước thềm ĐHCĐ 2020 lần 2

Cổ đông của Eximbank cho rằng, ngân hàng này đang có quy định trái pháp luật, ngăn cản quyền dự họp và tạo ra bất bình đẳng giữa các cổ đông.

Ông Hoàng Đôn Hùng, người đại diện theo uỷ quyền của một cổ đông Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam ( Eximbank ) vừa có đơn tố cáo gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của nhà băng này trong việc triệu tập ĐHCĐ thường niên 2020 và công bố thông tin.

Vị này chỉ ra, trong thông báo mời họp ĐHCĐ thường niên lần 2 dự kiến diễn ra vào ngày 29/7 sắp tới, Eximbank yêu cầu cổ đông phải xuất trình bản chính thông báo mời họp, nếu không, việc đăng ký tham dự sẽ do Ban kiểm tra tư cách cổ đông xem xét. Với trường hợp cổ đông uỷ quyền, người được uỷ quyền cũng phải xuất trình được bản chính thông báo mời họp và giấy uỷ quyền có dấu mộc đỏ của Eximbank.

Ông Hùng khẳng định, các yêu cầu của Eximbank là trái pháp luật, Điều lệ Ngân hàng, ngăn cản việc dự họp - quyền và lợi ích căn bản nhất của cổ đông. Thông báo mời họp HĐCĐ cho cổ đông là nghĩa vụ của Eximbank và tham dự họp là quyền của cổ đông. Khi thực hiện quyền này cổ đông chỉ cần chứng minh có quyền dự họp, cụ thể là có tên trong danh sách chốt cổ đông có quyền dự họp, theo đúng Điều 34 Điều lệ Eximbank.

Người đại diện cổ đông cũng cho rằng, việc Eximbank quy định Ban thẩm tra tư cách cổ đông xem xét giải quyết trong trường hợp cổ đông không mang bản chính thông báo mời họp nhưng xuất trình được giấy tờ tuỳ thân hợp pháp, là sai luật và tạo ra bất bình đẳng giữa các cổ đông.

Song song đó, ông Hùng cũng cho rằng, việc cổ đông phải sử dụng mẫu giấy uỷ quyền có dấu mộc đỏ của Eximbank là trái pháp luật, ngăn cản quyền của cổ đông.

Eximbank yêu cầu cổ đông phải có giấy mời mộc đỏ, kể cả người đại diện. Ảnh: Eximbank
Eximbank yêu cầu cổ đông phải có giấy mời mộc đỏ, kể cả người đại diện. Ảnh: Eximbank

Đơn tố cáo được gửi trước thềm ĐHCĐ thường niên năm 2020 lần thứ hai của Eximbank sau liên tiếp 4 lần thất bại từ năm 2018. Ở lần họp này, Eximbank lấy lại danh sách cổ đông có tên trong đợt chốt ngày 10/3 trước đó.

Theo Luật Doanh nghiệp và điều lệ ngân hàng, ĐHCĐ lần thứ hai được tổ chức trong thời gian 30 sau khi đại hội lần đầu thất bại. Tại lần đại hội lần hai (diễn ra ngày 29/7), Eximbank có quyền tiến hành họp chỉ cần số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Trước đó, Eximbank thông báo tổ chức hai ĐHCĐ trong cùng một ngày 30/6 để báo cáo kết quả kinh doanh năm từ hai năm trước, thông qua mục tiêu kinh doanh năm 2020 và giải quyết các vấn đề theo kiến nghị của cổ đông lớn.

Tuy nhiên, ngân hàng này đã tổ chức bất thành ĐHCĐ thường niên năm 2020 lần đầu vào buổi sáng. Nguyên nhân là do tổng số cổ phần biểu quyết của các cổ đông tham dự họp, bao gồm cổ đông và người đại diện theo uỷ quyền, thấp hơn 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Điều này trái quy định theo Điều lệ Eximbank.

Với lý do tương tự, cuộc họp ĐHCĐ 2020 bất thường vào chiều cùng ngày của Eximbank cũng không thể tiến hành, do số lượng cổ đông có mặt chỉ chiếm 51,92%. Nhiều cổ đông đinh ninh các vụ “lùm xùm” suốt thời gian dài trong nội bộ HĐQT Eximbank là nguyên nhân khiến hai cuộc họp ĐHCĐ tiếp tục bất thành như năm 2019. Đáng nói, chức Chủ tịch của nhà băng này xoay chuyển liên tục.

ĐHCĐ thường niên của Eximbank liên tiếp thất bại trong hai năm. Ảnh: Nguyên Phương
ĐHCĐ thường niên của Eximbank liên tiếp thất bại trong hai năm. Ảnh: Nguyên Phương

Trước ĐHCĐ 2020 lần đầu 5 ngày, Eximbank thông báo HĐQT chấp thuận cho ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm chức Chủ tịch, đồng thời đưa Phó Chủ tịc Yasuhiro Saitoh thay ông Ninh. Nhưng vị này đang bị cổ đông chiếm 15% SMBC kiến nghị miễn nhiệm.

Gần đây nhất, dưới chữ ký của ông Yasuhiro Saitoh, Eximbank vừa bất ngờ miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐQT đối với ông Đặng Anh Mai vào ngày 25/7.

Đến nay, sau hơn một năm, Eximbank vẫn không có Tổng giám đốc. Ông Nguyễn Cảnh Vinh đang giữ quyền Tổng giám đốc ngân hàng. 

Eximbank nói gì?

Về việc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ TN) 2020 và công bố thông tin, Eximbank khẳng định đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và điều lệ ngân hàng.

Nhà băng này nhấn mạnh việc HĐQT thực hiện gửi thông báo mời họp, ban hành mẫu Giấy ủy quyền và thông báo trước cho các cổ đông về các thủ tục đăng ký dự họp là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cổ đông và phù hợp theo quy định của pháp luật, Điều lệ và các quy định nội bộ của Eximbank.

“Hiện nay, Eximbank đang hoạt động trong sự minh bạch cao, mỗi cổ đông và các thành viên HĐQT có quyền nêu lên quan điểm, chính kiến của mình, nhưng HĐQT, Ban Điều hành và toàn thể cán bộ Ngân hàng phải cùng nhau hành động vì lợi ích chung của Ngân hàng trong bất cứ hoàn cảnh nào” – thông cáo của Eximbank nêu rõ. 

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương