FLC tiếp tục bị truy thu thuế thêm 130 tỷ đồng

Mới đây, Cục thuế Sầm Sơn (Thanh Hoá) đã ra thêm 8 quyết định cưỡng chế thuế đối với tập đoàn FLC, tổng số tiền hơn 130 tỷ đồng. Trước đó, tập đoàn này cũng bị Cục thuế Quảng Bình và Hà Nội cưỡng chế truy thu thuế.

Ngày 18/8, Chi cục Thuế khu vực Thành phố Sầm Sơn - Quảng Xương đã ra 8 quyết định cưỡng chế thuế đối với Tập đoàn FLC (Mã chứng khoán: FLC).

Đây đều là quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của FLC tại các ngân hàng.

FLC tiếp tục bị truy thu thuế thêm 130 tỷ đồng - Ảnh 1.

Một góc FLC Sầm Sơn tại Thanh Hóa. Ảnh: Internet

Các tài khoản của FLC bị phong tỏa bao gồm tại VPBank chi nhánh Hà Nội, VIB chi nhánh quận 1, TP.HCM, OCB chi nhánh Hà Nội, Agribank chi nhánh Tây Đô, Vietcombank chi nhánh Thanh Hóa, VietinBank chi nhánh Thanh Hóa và BIDV chi nhánh Thanh Xuân.

Lý do cưỡng chế là bởi tập đoàn FLC đã nợ tiền thuế quá hạn 90 ngày so với quy định. Tổng số tiền bị cưỡng chế là hơn 130 tỷ đồng.

Đây không phải lần đầu tập đoàn này gặp rắc rối về thuế. Vào đầu tháng 8, FLC cũng nhận 3 quyết định của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình về việc cưỡng chế thuế tương tự với tổng số gần 224 tỷ đồng.

Sau đó vài ngày, Cục thuế Thành phố Hà Nội tiếp tục thông báo 9 quyết định gồm tiến hành cưỡng chế thuế gần 72 tỷ đồng và phạt hành chính 11,5 triệu đồng đối với Tập đoàn FLC.

Như vậy chỉ trong nửa đầu tháng 8, tập đoàn đa ngành này đã bị 3 cơ quan thuế cưỡng chế tổng số tiền 426 tỷ đồng bằng biện pháp trích tiền/phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng.

Hoạt động kinh doanh và đầu tư của FLC Group gặp nhiều thách thức kể từ sau khi ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT của FLC bị bắt tạm giam về hành vi thao túng chứng khoán. Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, FLC rơi vào biến động mạnh về nhân sự, mới đây Chủ tịch của hãng hàng không Bamboo Airway, kiêm Phó Chủ tịch FLC cũng từ nhiệm vụ trí này, theo Dân Việt.

FLC là một trong số ít tập đoàn tư nhân lớn, kinh doanh đa ngành như bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, hàng không. Hoạt động của FLC ở nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Định đều là những dự án lớn, tầm cỡ.

Gần đây, FLC có nhiều chỉ số tài chính ở mức xấu sau hàng loạt biến cố lớn từ nhân sự cấp cao. Báo cáo tài chính quý II năm 2022 của FLC cho thấy, doanh thu thuần của Tập đoàn FLC này đạt trên 570 tỷ đồng, giảm trên 65% so với cùng kỳ năm trước; FLC có lỗ ròng sau thuế lớn trên 640 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, doanh thu của FLC đạt trên 1.660 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ, lỗ ròng 1.100 tỷ đồng. Nợ phải trả của FLC sau 6 tháng là hơn 27.500 tỷ đồng (gần 1,2 tỷ USD), trong đó nợ ngắn hạn là hơn 19.100 tỷ đồng (830 triệu USD). Trong khi đó tổng tài sản doanh nghiệp này hết cuối quy II/2022 là 36.200 tỷ đồng (1,57 tỷ đồng).

Sau sự kiện trên, nhiều địa phương đã có động thái dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát và chấm dứt hoạt động hàng loạt dự án như Thanh Hóa, Bình Phước, Kon Tum, Hòa Bình, Lâm Đồng, Quảng Ngãi... với quy mô hàng nghìn tỷ đồng và hàng trăm ha, theo Zing.

Riêng tại Thanh Hóa, Bộ Công an mới đây đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo một số sở, ngành, đơn vị cung cấp hồ sơ, tài liệu mà Tập đoàn FLC thực hiện các dự án đầu tư ở địa phương này.

Một số dự án lớn mà tập đoàn này triển khai tại Thanh Hóa đáng kể như Quần thể FLC Sầm Sơn có quy mô đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng cùng các dự án thành phần, khu công nghiệp Hoàng Long vốn 2.300 tỷ đồng, Nhà máy gạch Tuynel FLC...

(Tổng hợp)

AN LY