Gần 1.000 người đang cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng, không quân chuẩn bị 13 máy bay

Bộ Quốc phòng yêu cầu chuẩn bị 2 máy bay CASA C-295, 9 trực thăng. 2 trực thăng Mi-171E từ Cần Thơ và Tân Sơn Nhất cũng sẽ ra làm nhiệm vụ.

Chiều 14/10, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố, Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cho hay, sau hơn một ngày mở đường, lực lượng cứu hộ vào đến trạm kiểm lâm 67, nơi 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích. Hiện trường tại trạm kiểm lâm bị đất đá đã san bằng một khoảng rộng lớn.

Các lực lượng cứu hộ và chó nghiệp vụ đang trong quá trình tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích, song chưa có kết quả.

Công bình đào bới tại hiện trường vụ sạt đất ở trạm kiểm lâm 67. Ảnh: VNE
Công bình đào bới tại hiện trường vụ sạt đất ở trạm kiểm lâm 67. Ảnh: VNE

Việc tìm kiếm các nạn nhân vẫn đang tiếp tục diễn ra ở hiện trường với gần 1.000 người và 189 phương tiện các loại, 3 chó nghiệp vụ. Trong đó, Bộ Quốc phòng điều động 666 cán bộ, chiến sỹ và 119 trang bị, phương tiện các loại và 3 chó nghiệp vụ. Bộ Công Thương có 5 người và 2 máy phát điện. Địa phương có 312 người và 68 phương tiện các loại.

Ngày mai, 15/10, lực lượng cứu hộ sẽ đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm đoàn công tác 13 người tại khu vực trạm Kiểm lâm 67. Tiếp tục san, gạt thông đường vào thủy điện Rào Trăng 3, tìm kiếm số công nhân bị mất tích.

Dự kiến, lực lượng chức năng của Sở chỉ huy tiền phương sẽ tiếp cận nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 trong sáng 15/10, để tiếp tục sơ tán những người còn bị mắc kẹt tại đây.

Khu vực trạm kiểm lâm 67 cách UBND xã Phong Xuân hơn 14 km, cách thủy điện Rào Trăng 3 hơn 10 km.

Cũng trong chiều 14/10, lực lượng cứu hộ đã đưa 19 công nhân và 1 thi thể đã được đưa về bằng cano, đến Bệnh viện Quân y 268 và Bệnh viện đa khoa Phong Điền. Những người được sơ tán phần lớn là công nhân của hai nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4.

Sau khi được sơ tán, số công nhân còn lại ở nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 là 8 người và Rào Trăng 4 là 28 người.

Đồng thời, lực lượng Biên phòng huyện A Lưới đã liên lạc với những công nhân tại nhà máy Thủy điện A Lin B2. Theo đó, toàn bộ 14 công nhân tại đây vẫn an toàn và có đủ lương thực, thực phẩm dự trữ.

Hiện trường vụ bị đất đá vùi lấp. Ảnh: Zing
Hiện trường vụ bị đất đá vùi lấp. Ảnh: Zing

Trao đổi với Zing, thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, cho biết Bộ Quốc phòng yêu cầu lực lượng không quân chuẩn bị 2 máy bay CASA C-295, 9 trực thăng (trong đó có 3 chiếc dự bị) để thực hiện cứu hộ, cứu nạn.

Ngoài ra, lực lượng không quân cũng chuẩn bị tiếp nhận 2 trực thăng Mi-171E cất cánh từ Cần thơ và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) ra Đà Nẵng, sau đó hạ cánh ở sân bay Phú Bài để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Trước đó, ngày 12/10, sau khi nhận được tin báo của người dân về sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức đi kiểm tra, khảo sát để xác minh, có phương án cứu hộ cứu nạn kịp thời.

Đoàn gồm có 21 người gồm lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam), Quân khu 4, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, Ban Chỉ huy quân sự huyện Phong Điền và một số cơ quan liên quan.

Tối 12/10, trên đường đến hiện trường, đoàn đã tạm nghỉ tại Trạm quản lý bảo vệ rừng 67. Lúc 24h ngày 12/10 xảy ra sự cố sạt lở tại khu vực đoàn đang tạm nghỉ, có 8 người thoát ra khỏi khu vực sạt lở, còn 13 người mất tích, trong đó có 11 cán bộ Quân đội và 2 cán bộ địa phương.

Trong số những người được xác định mất tích, có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4; ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền.

(Tổng hợp)

Q. HUY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương