Đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đã khiến nhu cầu dầu giảm nhanh đến mức thế giới sắp hết kho dự trữ để chứa những thùng dầu. Trong bối cảnh đó, Nga và Saudi Arabia lại diễn ra một cuộc chiến giá cả, khiến nguồn cung dầu trên toàn cầu vốn đã dôi dư càng trở nên “thừa thãi”.
Dù Nga cùng các nhà sản xuất lớn khác và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sau đó đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày, giá dầu vẫn không thể tránh được đà “rơi tự do”.
Những yếu tố trên kết hợp lại đã khiến giá dầu “sụp đổ” đến mức các công ty dầu đá phiến của Mỹ không thể kiếm lời. Và ngày 20/4/2020 đã trở thành một trong những ngày "đen tối" nhất trong ngành năng lượng Mỹ , khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2020 của nước này chốt phiên giảm xuống mức -37,63 USD/thùng.
Công ty tư vấn đầu tư Rystad Energy ước tính, với mức giá 10 USD/thùng, con số trên sẽ tăng lên hơn 1.100 vụ phá sản. |
Đây là lần đầu tiên giá dầu WTI rơi xuống mức âm kể từ khi số liệu được thu thập vào năm 1983. Tuy giá hợp đồng dầu WTI giao tháng 6/2020 vẫn ở trên mức 20 USD/thùng, nhưng với giới phân tích, đó vẫn là “thảm họa”.
Công ty tư vấn đầu tư Rystad Energy ước tính rằng trong kịch bản giá dầu ở mức 20 USD/thùng, 533 công ty khai thác và sản xuất dầu của Mỹ sẽ nộp đơn xin phá sản vào cuối năm 2021. Với mức giá 10 USD/thùng, con số trên sẽ tăng lên hơn 1.100 vụ phá sản.
Ông Artem Abramov, người đứng đầu mảng nghiên cứu thị trường dầu đá phiến tại công ty tư vấn Rystad Energy, cho biết nhiều công ty dầu mỏ đã vay thêm quá nhiều nợ trong thời gian mọi thứ còn tốt đẹp. Nếu giá dầu ở mức 10 USD/thùng, gần như mọi công ty E&P (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu) của Mỹ có nợ sẽ phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản hoặc cân nhắc các cơ hội chiến lược khác.
Whiting Petroleum trở thành cái tên đầu tiên phải dừng cuộc chơi, khi “cựu ngôi sao” trong ngành khai thác dầu đá phiến tại Mỹ đệ đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 2/4. Nhưng theo giới quan sát, chắc chắn công ty này sẽ không phải là doanh nghiệp duy nhất "gục ngã".
Với kịch bản 20 USD/thùng, Rystad dự đoán hơn 70 tỷ USD nợ của các công ty dầu mỏ sẽ phải cơ cấu lại khi họ phá sản. Con số trên sẽ tăng lên 177 tỷ USD vào năm 2021. Và đó chỉ tính tới các công ty thăm dò và sản xuất, chứ chưa bao gồm các công ty dịch vụ cung cấp máy móc và nhân lực cho những bên khai thác.
Trong khi đó, ông Buddy Clark, một chuyên gia luật về mảng năng lượng tại công ty luật Houston Haynes and Boone, lại cho rằng dù giá dầu có giảm hơn nữa, sẽ chỉ có khoảng 100 vụ phá sản trong ngành dầu mỏ trong năm 2020.
Theo chuyên gia này, đã có thể xảy ra nhiều vụ phá sản hơn kể cả khi không có sự biến động mạnh trong giá dầu. Song ông Clark cũng cho biết các công ty đang gặp khó khăn trong việc vạch ra kế hoạch tái cấu trúc vì họ không biết giá của mặt hàng này sẽ trong khoảng bao nhiêu.
Triển vọng ảm đạm của ngành dầu mỏ sẽ khiến các công ty – vốn đang cố gắng tái cấu trúc trong quá trình chuẩn bị nộp đơn xin bảo hộ phá sản – càng khó tìm được sự hỗ trợ và nguồn tài chính cần thiết. Những chủ nợ - bên thường chấp nhận hoán đổi nợ để lấy cổ phần - có thể sẽ không còn muốn những cổ phần đó.
Điều đó có nghĩa rằng không giống như giai đoạn hồi 2014-2016, một số công ty dầu có thể không “sống sót” qua cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, kịch bản “ác mộng” này lại có thể trở thành cơ hội “béo bở” cho những cái tên lớn nhất trong ngành.
Đó là bởi các công ty dầu khí đang gặp khó khăn, hoặc bị phá sản hoặc trước đó, sẽ buộc phải bán hết những tài sản chính với giá rất thấp. Khi đó, Exxon Mobil và Chevron có thể thấy chúng hấp dẫn và muốn mua lại.
Ông Reid Morrison, người đứng đầu mảng năng lượng Mỹ tại công ty kiểm toán PwC, nhận định những công ty có bảng cân đối kế toán mạnh có thể tận dụng tình huống này. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các “đại gia” sẽ thận trọng khi đưa ra quyết định trong sáu tháng tới, bởi lẽ họ phải bảo vệ các khoản chi trả cổ tức của mình trước.
(Nguồn: TTXVN)