Giá thép và vật liệu xây dựng liên tục phá đỉnh khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ càng làm càng lỗ

Thép xây dựng đã trải qua 5 lần tăng giá từ đầu năm đến nay. Giá thép và vật liệu xây dựng liên tục phá đỉnh khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ càng làm càng lỗ.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), xung đột Nga - Ukraine có thể dẫn đến gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng ngành thép tại châu Âu, do Nga là nhà cung cấp lớn về sắt và thép cho thị trường này. Năm 2021, Nga và Ukraine chiếm khoảng 20% sản lượng thép nhập khẩu của khu vực này. Sự mất cân đối về cung - cầu được cho là nguyên nhân đẩy giá thép tăng vọt.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) thông tin, Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ cho các nhà thầu xây dựng.

Theo tính toán của VACC, thép xây dựng chiếm khoảng 18 - 20% giá thành xây dựng công trình dân dụng và chiếm tỷ lệ cao hơn đối với công trình xây dựng công nghiệp và hạ tầng. Đối với các công trình tư nhân, nhà thầu và chủ dự án có thể ngồi lại với nhau để tính toán điều chỉnh hợp đồng. Nhưng đối với các công trình đầu tư công, nhiều nhà thầu chấp nhận dừng dự án và chịu phạt.

“Nếu cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát, bình ổn giá, nhiều công trình sẽ vỡ tiến độ, buộc phải dừng thi công”, ông Hiệp nhận định.

Thông tin được ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC) chia sẻ, các loại vật liệu xây dựng đều tăng mạnh, đặc biệt là thép, có loại tăng đến 70%, thấp cũng vào khoảng 40%. Mỗi năm, chỉ riêng nhu cầu sử dụng thép tại Hòa Bình đã lên đến hàng trăm nghìn tấn, nên giá thép tăng khiến chi phí của Công ty tăng thêm hàng trăm tỷ đồng. “Các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt là doanh nghiệp đóng vai trò tổng thầu sẽ càng chịu nhiều áp lực. Chúng tôi chịu sức ép về tiến độ với chủ đầu tư nên phải tìm cách giữ chân các nhà thầu phụ bằng cách bù giá cho họ”, ông Hải nói.

Tại Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, mặc dù có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng chi phí nguyên vật liệu tăng chóng mặt, nhưng ông Hải thừa nhận, “chỉ giải quyết được một phần nào những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay”. HBC đang tập trung vào hai giải pháp để kiểm soát rủi ro: Thương lượng điều kiện trượt giá với chủ đầu tư và thương lượng điều kiện ổn định giá với nhà đầu tư, nhà cung cấp.

“Chúng tôi tính toán, ngay khi trúng thầu, nếu chúng tôi làm việc được ngay với nhà cung cấp thì rủi ro sẽ giảm bớt. Nhưng thực tế, chúng tôi vẫn phải chấp nhận chịu lỗ trong thi công nhiều công trình”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty Hợp Lực cũng than thở, giá thép và vật liệu xây dựng hiện đã vượt xa mức đơn giá ở thời điểm doanh nghiệp ký kết hợp đồng, vì vậy, các hợp đồng mà Hợp Lực đang triển khai đều trong tình trạng thua lỗ. Giá vật liệu biến động liên tục cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi đưa ra giá chào thầu, quá trình đàm phán vì thế bị kéo dài. “Có những nhà thầu phụ đã hợp tác lâu dài, họ chấp nhận chịu lỗ cùng với tổng thầu, nhưng cũng có những đơn vị không chịu được mức tăng giá vật liệu đã bỏ cuộc, khiến chúng tôi phải đi tìm nhà thầu khác”, ông Thành cho hay.

Giá thép thường xuyên được điều chỉnh tăng rất mạnh và liên tục khoảng 40%, giá nhôm tăng 60%… so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Xăng dầu tăng giá liên tục, tăng tới gần 50% cũng tác động mạnh mẽ đến chi phí vận chuyển nguyên vật liệu trong hoạt động xây lắp. Cùng với đó, nhà thầu hiện cũng rất khó khăn trong việc huy động nhân sự là công nhân. Giá nhân công trong thời điểm trước và sau Tết có lúc tăng tới 80%, do khan hiếm lao động khi nhiều lao động phổ thông trong ngành xây dựng chưa và không muốn quay trở lại các thành phố lớn làm việc, một phần vì lo sợ dịch bệnh, một phần đã kiếm được việc làm khác tại địa phương. Số lượng công nhân trong các công trình hiện tại của chúng tôi cũng chỉ đáp ứng được 40 - 50% số lượng theo yêu cầu.

Thời điểm trước, lợi nhuận của doanh nghiệp xây lắp vốn đã thấp khoảng 3 - 5% nhưng với mức tăng giá vật liệu lên tới 40 - 80%, giá nhân công tăng thì doanh nghiệp không có cách nào bù đắp được chi phí này. Trong khi đó, đối với các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, tại các công trình đang thi công thì chưa có hướng dẫn và quy định bổ sung về trường hợp trượt giá để hỗ trợ cho nhà thầu. Với các công trình tư nhân thì rất khó để được tính chi phí trượt giá nếu hai bên không đàm phàn và đưa những điều khoản này vào hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng. Do đó, ở thời điểm hiện tại, nhà thầu có doanh thu càng lớn, càng thi công thì càng thua lỗ nặng.

Đà tăng giá mạnh như hiện nay sẽ vượt quá sức chống chịu của nhà thầu. Do đó, thời gian tới, mong Chính phủ, các bộ, ban ngành xem xét chính sách bù giá cho nhà thầu trong khâu thanh quyết toán, đưa điều khoản trượt giá vào hợp đồng để nhà thầu yên tâm thi công đảm bảo tiến độ.

Tổng Hợp