Giá thủy sản nguyên liệu tăng mạnh

Các nhà máy chế biến thủy sản tại ĐBSCL khôi phục hoạt động sau thời gian dài giãn cách đã khiến giá thủy sản tại các địa phương tăng mạnh.

Theo Bộ Công thương, từ cuối tháng 9/2021 giá tôm sú cỡ 20 con/ kg đã phục hổi trở lại mức trước đại dịch, trong khi giá tôm sú cỡ 40 con/ kg và tôm thẻ chân trắng đã tăng trở lại, nhưng vẫn ở mức thấp.

Giá cá tra nguyên liệu tại tỉnh An Giang kể từ cuối tháng 9/2021 tiếp tục tăng lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Ngày 28/10/2021, giá cá tra thịt trắng kích thước 0,7 – 1,1 kg/con tươi giao dịch ở mức 22.500 – 23.000 đồng/kg, tăng 3.000 – 3.300 đồng/kg so với đầu năm và tăng 1.000 – 2.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020; giá cá tra thịt trắng kích thước > 1,2 kg/con giao dịch ở mức 22.500 – 23.500 đồng/kg, tăng 2.300 3.300 đồng/kg so với đầu năm và tăng 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020.

tom-su.jpg
Giá thủy sản nguyên liệu tăng nhanh từ cuối tháng 9/2021

Tại tỉnh Phú Yên, từ đầu năm 2021 đến nay, giá tôm sú các cỡ tương đối ổn định, trong khi giá tôm thẻ chân trắng và cá ngừ đại dương sau khi giảm trong tháng 8 và tháng 9/2021 do tác động của dịch COVID-19 đã tăng trở lại, lên mức cao hơn so với mức giá trước thời điểm dịch bùng phát.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý III/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 433.300 tấn, trị giá 2,07 tỷ USD, giảm 20,9% về lượng và giảm 13,23% về trị giá so với quý II/2021, giảm 22,6% về lượng và giảm 14,9% về trị giá so với quý III/2020.

Quý III/2021, xuất khẩu thủy sản giảm mạnh so với quý trước đó và cùng kỳ năm 2020 chủ yếu do tác động của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 trong nước bùng phát khiến các tỉnh, thành phố phía Nam, khu vực sản xuất chính của ngành thủy sản Việt Nam, phải áp dụng giãn cách xã hội. Tính chung 9 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 6,2 tỷ USD, giảm 0,6% về lượng, nhưng tăng 2,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Quý III/2021, xuất khẩu cá các loại như: cá tra, cá đông lạnh, cá ngừ, cá khô, cá đóng hộp là những mặt hàng bị tác động mạnh bởi đợt dịch Covid-19 vừa qua, trong khi xuất khẩu tôm chịu tác động nhẹ hơn. Ngược lại xuất khẩu surimi, nghêu, mắm, ruốc, ốc tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Dự kiến xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi trở lại trong quý 4/2021 khi dịch COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát. Sau khi các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội kể từ cuối tháng 9/2021, các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất. Đây là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất để đáp ứng nhu cầu dịp cuối năm từ các thị trường nhập khẩu lớn. Với nhu cầu từ Hoa Kỳ và EU ở mức cao, xuất khẩu thủy sản trong các tháng cuối năm dự báo sẽ phục hồi mạnh trở lại.

Đ.KHẢI