Giá trị bất động sản có thể bị đóng băng vì hạ tầng, nhưng cũng có thể tăng mạnh nhờ hạ tầng

Bất động sản và hạ tầng là hai yếu tố có mối liên hệ mật thiết với nhau. Giá trị bất động sản có thể bị đóng băng vì hạ tầng, nhưng cũng có thể tăng mạnh nhờ hạ tầng.

Số liệu cập nhật của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, 70-80% nguồn cung mở bán các dự án mới thường nằm xa trung tâm nội đô từ 5 đến 10 km, thậm chí đang có xu hướng ra xa hơn. Giá cả thấp hơn, trong khi không gian rộng rãi, thoải mái hơn, khiến người mua nhà dễ dàng chấp nhận việc sinh sống xa trung tâm.

Việc chính quyền Thành phố ưu tiên đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, phát triển hạ tầng trong năm 2022 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản. Nơi có hạ tầng phát triển thì giá nhà đất có thể tăng trưởng nhờ quy luật cộng hưởng và ngược lại, nơi có hạ tầng kém thì giá bất động sản sẽ khó có cơ hội lập mặt bằng giá mới.

Theo kế hoạch, trong năm 2022, TP.HCM sẽ phát triển các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, giúp tăng kết nối vùng và giảm ùn tắc. Đơn cử, tập trung hoàn thiện nút giao An Phú ở TP. Thủ Đức - nơi giao nhau giữa 3 trục giao thông lớn gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của. Dự án này có tổng vốn đầu tư 3.926 tỷ đồng, quy mô 3 tầng, gồm hầm chui hai chiều nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây qua tuyến Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống; mặt đất xây đảo, tiểu đảo; trên cao làm cầu vượt.

Một dự án khác là mở rộng Quốc lộ 50, đoạn qua huyện Bình Chánh với tổng đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, sẽ triển khai trên đoạn tuyến dài gần 7 km, mở rộng lên 34 m. Công trình này sẽ góp phần giải quyết điểm đen giao thông tại khu vực này.

Còn có các công trình khác như: mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý; mở rộng, nâng cấp đường Trần Văn Mười; đường Thị Trấn - Thới Tam Thôn; xây cầu Rạch Kinh; kè chống sạt lở bờ sông khu vực cầu Giồng Ông Tố...

Thông tin về những dự án trọng điểm sẽ khởi công trong năm 2022, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) cho biết, đơn vị sẽ phối hợp chính quyền địa phương và các bên liên quan đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ. Đồng thời, đơn vị cũng sẽ đầu tư hoàn thành toàn bộ các dự án như cầu Bưng mới (Bình Tân, Tân Phú); đường và kênh Nước Đen (quận Bình Tân); xây dựng hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất ở khu Thủ Thiêm.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cũng cho biết, mục tiêu trong năm 2022 của ngành giao thông Thành phố là triển khai thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ 3 đề án quan trọng. Phấn đấu cơ bản hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 1 và khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2 trong năm 2022; triển khai các công việc theo kế hoạch chuẩn bị nhằm vận hành, khai thác hiệu quả tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên… “Dự kiến trong năm nay Sở sẽ hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án cấp bách, kết nối vùng”, ông Lâm nói.

“Điều quan trọng là các tuyến đường mới mở, cùng tiện ích xã hội phát triển giúp họ có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc di chuyển, cũng như chọn chỗ học hành cho con cái. Khi người dân có xu hướng ly tâm sẽ kéo giãn mật độ cư dân ra ngoại ô, các loại hình dịch vụ cũng sẽ dịch chuyển theo”, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nói.

Bà An lấy ví dụ, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dù lỡ hẹn nhiều lần, nhưng cũng đã tạo ra một làn sóng đầu tư bất động sản bao quanh. Ghi nhận thực tế cho thấy, chạy dọc theo tuyến đường sắt trên cao này có hơn 30 dự án bất động sản “ăn theo”, từ nhà ở đến các trung tâm thương mại. Giá mở bán các dự án tại những quận có tuyến metro này đi qua trong giai đoạn 2012-2016 tăng khoảng 150-200% so với các khu vực khác, đến nay tiếp tục tăng thêm 15-50%.

Tổng Hợp