Ngày 21/9, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hà Nội (MRB) thông tin, UBND TP vừa trình Chính phủ báo cáo về việc thẩm định nghiên cứu tiền khả thi dự án metro số 5, tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.
Tuyến đường sắt đô thị số 5 của TP Hà Nội được dự kiến chạy từ phố Văn Cao đến Hòa Lạc, tổng mức đầu tư hơn 65.000 tỷ đồng, có chiều dài 39 km với 21 nhà ga (6 ga ngầm và 15 ga nổi).
Hà Nội mong muốn được đầu tư tuyến đường sắt này bằng nguồn vốn ngân sách thành phố và áp dụng thí điểm thực hiện theo hình thức đối tác thực hiện dự án PDP.
Công trình tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Bá Đô |
Hà Nội kiến nghị Thủ tướng giao TP lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và chế tạo toa xe phục vụ công tác phát triển hệ thống đường sắt đô thị và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ và chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực để hỗ trợ quá trình phát triển ngành công nghiệp đường sắt, từng bước chủ động và giảm dần sự phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài.
Khởi đầu từ khu vực đường Văn Cao giao với Hoàng Hoa Thám, metro số 5 sẽ đi ngầm qua Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, vành đai 3 và đi nổi từ đại lộ Thăng Long. Từ nút giao Hòa Lạc (vành đai 4) đến cuối tuyến thuộc thôn Thạch Bình (xã Yên Bình), metro số 5 đi trên mặt đất vào dải phân cách giữa của cao tốc quy hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình.
Hà Nội dự kiến khởi công dự án tuyến metro số 5 vào năm 2022 và đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.
Năm 2011, Chính phủ phê duyệt quy hoạch dự án trên và chia làm 2 giai đoạn 2016 đến 2020 và 2020 đến 2030. Tuy nhiên, từ lúc quy hoạch đến nay, mục tiêu giai đoạn 2016 đến 2020 không còn khả thi, nên đầu tư toàn tuyến trong giai đoạn 2021 đến 2025 là phù hợp.
UBND TP Hà Nội cho biết hệ thống đường sắt đô thị của thành phố sẽ đóng vai trò chính trong vận tải hành khách công cộng, tốc độ cao. Tuyến số 5 kết nối các đô thị hiện tại và tương lai dọc đại lộ Thăng Long với khu vực đô thị trung tâm.
Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, ông Lê Trung Hiếu cho biết phần lớn chiều dài metro số 5 chạy giữa các tuyến đường bộ hiện hữu, đoạn từ Liễu Giai đến Trần Duy Hưng chạy ngầm giữa đường nên "có thể tiết kiệm chi phí, thời gian giải phóng mặt bằng". Đoạn trên đại lộ Thăng Long cũng không phải làm cầu, hầm, không ảnh hưởng các công trình khác.
Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 nêu mạng lưới đường sắt đô thị ở Hà Nội gồm 8 tuyến, tổng chiều dài 318 km. Trong 10 năm qua, hai tuyến đường sắt đang thi công gồm tuyến số 2 (đoạn 2A, Cát Linh - Hà Đông) và tuyến số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội).
Tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh) dự kiến khởi công từ năm 2007, nhưng đến nay chưa khởi công.
Dịp Tết 2021, đường sắt sẽ chạy hơn 20 đôi tàu khách trên tuyến Bắc-Nam
Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, ngành Đường sắt đã có kế hoạch chạy hơn 20 đôi tàu trên tuyến Bắc - Nam dịp Tết Tân Sửu 2021.