Hà Nội phát hiện hàng trăm bộ test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc

Kiểm tra một ô tô chở hàng, cán bộ Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện 400 hộp chứa bộ test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc.

Ngày 9/6, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, Đội quản lý thị trường số 13 vừa phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Cầu Giấy kiểm tra và tạm giữ 400 hộp dụng cụ xét nghiệm COVID-19 nhãn hiệu Q Standard COVID-19 Ag Home Test, tổng cộng 800 bộ test.

Số dụng cụ xét nghiệm này phát hiện trên một ô tô đang dừng đỗ ở khu vực tòa chung cư Tràng An complex, số 1 Phùng Chí Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội).

Số dụng cụ này có nhãn bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, chủ xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1 cũng đã phát hiện 29 hộp test nhanh COVID-19 tại cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế của Công ty cổ phần tổng hợp Lâm Khang tại địa chỉ số 151-C3, khu đô thị Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) do bà Đào Hồng Thắm là giám đốc.

Mặt sau vỏ hộp của các bộ test nhanh được phát hiện này có nội dung "HANGZHOU TESTSEA BIOTECHNOLOGY CO.LTD CHINA".

Chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp, đồng thời khai nhận đã mua trên mạng Internet.

Thời gian qua, trên nhiều trang mạng đã rao bán bộ test nhanh COVID-19. Theo quảng cáo, bộ test này xuất xứ từ nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… được rao bán với giá vài trăm ngàn đồng một bộ.

Kit test nhanh COVID-19 thuộc nhóm các mặt hàng trang thiết bị vật tư y tế, nên tổng cục đã tăng cường kiểm tra kiểm soát.

Trong trường hợp phát hiện cơ sở kinh doanh bộ kit test không do Bộ Y tế cấp phép hoặc bộ kit test không được kinh doanh tại cơ quan, tổ chức được cấp phép, lực lượng sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời.

kit-test-373.jpg
Rất nhiều bộ test COVID-19 bán trôi nổi.

Trước tình trạng nhiều người rao bán bộ kit test nhanh COVID-19 trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, đại diện Tổng cục Quản lý Thị trường cho biết, sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng bán hàng không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng.

Tổng cục QLTT cũng khuyến cáo, những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người cần được các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế kiểm nghiệm và cấp phép. Chính vì vậy, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng.

Theo Bộ Y tế, người dân không nên mua các bộ kit test nhanh COVID-19 về tự xét nghiệm. Nguy hiểm hơn là nếu các kit xét nghiệm này là giả mạo, chất lượng không bảo đảm không những không phát hiện ra bệnh mà nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh nếu bị bỏ sót.

HẢI MY