Hàng loạt hồ cạn nước, thủy điện thiếu hụt 5.000 MW

Hiện, tổng công suất không huy động được từ các hồ Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Tuyên Quang, Thác Bà, Hủa Na, Bản Vẽ... tới gần 5.000 MW.

Theo số liệu cập nhật mới nhất của EVN và Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), phụ tải toàn hệ thống điện ngày 12/6 đạt 817 triệu kWh. Trong đó miền Bắc ước khoảng 401,9 triệu kWh, miền Trung khoảng 76,3 triệu kWh, miền Nam khoảng 338,2 triệu kWh. Công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) cũng tăng cao hơn so với ngày hôm qua. Cụ thể, công suất hệ thống đạt đỉnh vào lúc 14h30 đạt 40.039 MW.

Trong bối cảnh khó khăn về nguồn, cơ quan điện lực cho biết công suất tiết giảm điện tối đa ở miền Bắc ngày 12/6 vào khoảng 3.225 MW, con số này tăng lên so với ngày 11/6 là 2.744 MW và ngày 10/6 là 1.300 MW.

Loạt hồ cạn nước, thủy điện thiếu hụt 5.000 MW - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Miền Bắc có thêm 20 triệu kWh điện mỗi ngày

Trong ngày 12/6, tổng sản lượng huy động từ thủy điện khoảng 138,3 triệu kWh, (miền Bắc là 52,8 triệu kWh); nhiệt điện than huy động cao nhất đạt 469,2 triệu kWh (miền Bắc 288 triệu kWh).

Bên cạnh đó, tuabin khí huy động được 87,1 triệu kWh; điện năng lượng tái tạo trên 85,6 triệu kWh, trong đó điện gió là 45,6 triệu kWh, điện mặt trời huy động 67,5 triệu kWh. Nguồn điện dầu không phải huy động.

Về các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, tính đến hết ngày 12/6, đã có 51 dự án với tổng công suất 2.852 MW đã trình Bộ Công Thương phê duyệt giá điện tạm; 40 dự án với tổng công suất 2.367 MW đã ký hồ sơ đàm phán giá; 8 nhà máy đang thí nghiệm; 14 nhà máy đã thí nghiệm xong; 9 nhà máy đã vận hành thương mại (COD).

Nguồn nhiên liệu than cho sản xuất điện được đảm bảo. Tuy nhiên, do phải huy động công suất lớn, liên tục nên một số tổ máy vẫn gặp sự cố. Trong đó, sự cố dài ngày vào khoảng 2.100 MW, sự cố ngắn ngày khoảng 580 MW, theo Zing.

Trong ngày 12/6, Nhiệt điện Mông Dương, Nghi Sơn khắc phục xong sự cố và hòa lưới. Tuy nhiên nhiệt điện Thăng Long giảm công suất và ngừng sự cố S1 để xử lý xì bộ trao đổi nhiệt (dự kiến 11h ngày 14/6 trả dự phòng); nhiệt điện Mông Dương 1 suy giảm công suất S2 và ngừng sự cố lò L2B do sự cố máy cấp than (hiện tại S2 đang vận hành với lò L2A).

Thủy điện thiếu hụt 5.000 MW

Báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp về tình hình vận hành hồ thủy điện ngày 13/6, lưu lượng nước về hồ tăng nhẹ so với 12/6.

Các hồ chứa khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ ở mực nước tăng nhẹ ở mức nước thấp, xấp xỉ mực nước chết; Khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên mực nước các hồ dao động nhẹ so với ngày hôm qua, mực nước nằm trong phạm vi mực nước tối thiểu theo quy định của quy trình vận hành.

Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, số nhà máy xấp xỉ mực nước chết tập trung khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ.

"Các nhà máy này đang phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành khó có thể đáp ứng được việc phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này", báo cáo nêu rõ.

Một số hồ xấp xỉ mực nước chết tại miền Bắc như: Sơn La, Thác Bà, Bản Chát, Bản Vẽ, Hủa Na, Thác Mơ. Một số thủy điện phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An.

Cơ quan thống kê dự báo tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ 24 giờ tới tăng; mực nước các hồ khu vực Bắc bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ tăng chậm, ở mức thấp.

Hiện, tổng công suất không huy động được từ các hồ Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Tuyên Quang, Thác Bà, Hủa Na, Bản Vẽ... tới gần 5.000 MW.

Nhiều giải pháp khẩn cấp chống thiếu điện

Về việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết, cùng với hạn hán làm các thủy điện suy kiệt nước, việc cung ứng than, đặc biệt là nguồn than nhập khẩu cho các nhà máy nhiệt điện và cấp khí trong năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số mỏ khí đã có thời gian khai thác lâu, thường xuyên xảy ra sự cố, làm cho việc cung cấp khí cho sản xuất điện trở nên khó khăn, theo TPO.

"Công suất phát của các nguồn nhiệt điện than miền Bắc bị ảnh hưởng do điều kiện nhiệt độ môi trường tăng cao khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Một số tổ máy nhiệt điện lớn bị sự cố kéo dài, mất nhiều thời gian để khắc phục. Công suất và sản lượng điện nhập khẩu Trung Quốc khó tăng thêm khi phía Trung Quốc thông báo về khó khăn thiếu nguồn cung cấp điện", Bộ Công Thương cho hay.

Bộ Công Thương cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị bằng mọi giá không được để thiếu than, thiếu nhiên liệu phục vụ cho sản xuất điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải tập trung mọi nỗ lực trong vận hành hệ thống điện, có giải pháp cấp bách, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hệ thống điện quốc gia phải được đảm bảo, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

"EVN khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện đã sẵn sàng phát điện, đẩy nhanh việc mua bán điện với các dự án nhập khẩu điện đã ký kết và thực hiện ngay việc phát động phong trào tiết kiệm điện trong toàn ngành. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo, đôn đốc khắc phục sự cố và sớm đưa vào vận hành các tổ máy phát điện, đảm bảo vận hành tin cậy, ổn định các nhà máy điện, không để xảy ra việc thiếu khí, thiếu than cho sản xuất điện", Bộ Công Thương yêu cầu.

(Tổng hợp)

AN LY