Hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn “mỏng” vốn

Hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn “mỏng” vốn nếu so sánh với các ngân hàng quốc tế, cũng như đặt trong môi trường kinh doanh rủi ro. Đó cũng chính là lý do các nhà băng liên tục đưa ra các kế hoạch tăng vốn “khủng” trong mùa đại hội đồng cổ đông(ĐHĐCĐ) hàng năm.

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng không chia cổ tức bằng tiền mặt, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất và hỗ trợ khách hàng (Chỉ thị số 01/CT-NHNN). Các ngân hàng cũng “chuộng” phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp tăng vốn, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn, tăng tín dụng. SHB, ACB, MSB, VIB cũng tăng vốn từ 25 - 35% thông qua việc chia cổ tức và thưởng cổ phiếu. Sau khi thực hiện thành công, vốn điều lệ ACB sẽ nâng lên hơn 33.700 tỷ đồng, của MSB lên trên 20.000 tỷ đồng, của VIB nâng lên 21.000 tỷ đồng.

NHNN cho biết, vốn điều lệ của toàn hệ thống đã tăng tới 24,2%, từ 576.300 tỷ đồng cuối năm 2018 lên 715.600 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2021. Trong đó, vốn điều lệ của nhóm ngân hàng thương mại tư nhân tăng trưởng mạnh nhất, với mức tăng 30,4%, trong khi nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối tăng trưởng 14,7%. Còn theo định lượng của Fitch Ratings, trong 3 năm qua, mức vốn cần bổ sung của hệ thống ngân hàng Việt đã giảm một nửa (từ cần gần 20 tỷ USD, tương đương 9% GDP, hiện chỉ còn cần bổ sung khoảng 10,7 tỷ USD, tương đương 2,9% GDP), đã cho thấy những nỗ lực lớn của cả hệ thống.

Đáng chú ý, tổ chức này ước tính, nếu các ngân hàng chưa tuân thủ Basel II chỉ cần huy động thêm 0,6 tỷ USD vốn mới để đáp ứng yêu cầu tỷ lệ CAR tối thiểu của Basel II là 8% trước thời hạn thực hiện vào tháng 1/2023. Như vậy, có thể hiểu, con số dự kiến vốn bổ sung 10,7 tỷ USD tương đương tiệm cận tiêu chuẩn Basel III.

Tính tới thời điểm hiện tại, đã có khoảng 13 ngân hàng công bố hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II, đặc biệt một số thành viên đã bắt đầu triển khai áp dụng các chuẩn mực cao hơn là Basel III và IFRS9. Do đó, để hoàn thành mục tiêu, các ngân hàng bắt buộc phải tăng vốn.

Theo các chuyên gia, tăng vốn là áp lực với bất kỳ ngân hàng nào, nhưng dư địa để tăng vốn nhằm cải thiện hệ số CAR lại khác nhau ở các ngân hàng, đặc biệt là giữa ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng quốc doanh.

MB cho biết sẽ tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 892,4 tỷ đồng đã được thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2021. Trong đó, Ngân hàng sẽ phát hành 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Viettel và 19,24 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 (tỷ lệ 20%). Qua đó, tăng vốn điều lệ thêm 7.556 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng có kế hoạch chào bán 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Giá thỏa thuận không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính được kiểm toán tại thời điểm gần nhất. Thời gian thực hiện trong năm 2022 và 2023.Năm 2022, SeABank sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu ESOP và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

ABBank cũng vừa hoàn tất việc phát hành hơn 114 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 11,4 triệu cổ phiếu ESOP, đồng thời tiếp tục triển khai chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35% (tính trên số vốn điều lệ mới) từ nguồn vốn chủ sở hữu, nâng tổng vốn điều lệ lên gần 10.000 tỷ đồng.

Với các ngân hàng có gốc quốc doanh, sau khi hoàn thành phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 27,6%, nâng vốn lên hơn 47.300 tỷ đồng đầu năm 2022, Vietcombank tiếp tục trình phương tăng vốn điều lệ tại kỳ ĐHĐCĐ năm nay.

BIDV cũng vừa hoàn thành trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25,7%, nâng vốn điều lệ lên 50.585 tỷ đồng, đồng thời có kế hoạch phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới, tương đương 8,5% vốn điều lệ qua chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, nhưng chưa thực hiện…

Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng nhận định rằng, những số liệu chung có thể “che lấp” đi nguy cơ dễ bị tổn thương của một số ngân hàng thương mại, trong đó có những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn thấp. Trong khi đó, dự báo của một số chuyên gia, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 2,3 - 2,5% năm 2022, nợ xấu gộp có thể tăng cao tới 7,1 - 7,7%, đặc biệt là nửa cuối năm 2022 khi các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực. Chính vì thế, các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh tăng vốn để khắc phục những rủi ro, thêm sức bật cho giai đoạn phát triển mới, khi nền kinh tế tiến tới phục hồi sau đại dịch.

Tổng Hợp