Chị Nguyễn Bạch Điệp – CEO FPT Retail
Từ một nhân viên thực tập làm việc không lương suốt một năm trời, đến nay, để ngồi vào vị trí “cai quản” chuỗi cửa hàng điện thoại FPT Shop, chuỗi nhà thuốc Long Châu,… chị Nguyễn Bạch Điệp đã trải qua không ít thăng trầm.
Thời điểm những năm 90, Nguyễn Bạch Điệp, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, đại học Mở TP.HCM, đã từng thực tập với vị trí bán hàng ở một cửa hàng của FPT. Tại đây, chị có cơ hội rèn luyện kỹ năng lắng nghe cũng như tự đặt mục tiêu cho từng mốc thời gian cụ thể.
Chị Nguyễn Bạch Điệp - CEO FPT Retail |
Năng nổ, nhiệt huyết với công việc giúp chị nhanh chóng được bổ nhiệm làm cửa hàng trưởng. Dĩ nhiên, ở lứa tuổi ấy, vị trí cửa hàng trưởng là một cơ hội đối với chị, nhưng chị sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách mà điển hình là phải làm việc một thời gian dài trong sự chống đối của một số nhân viên.
Họ hoài nghi năng lực của chị. Trong hoàn cảnh như thế, chị Diệp chọn đối mặt với khó khăn, lựa chọn cách đến gần với mọi người hơn, lắng nghe, chia sẻ, tạo cơ hội và âm thầm giúp đỡ từng cá nhân để giúp họ tăng doanh số, tăng thu nhập. Mặt khác, chị cũng chứng minh cho nhân viên của cửa hàng thấy được khả năng làm việc chuyên nghiệp của mình với các đối tác.
Và, chị đã được mọi người thừa nhận. Chỉ trong vòng 6 tháng, cửa hàng do chị phụ trách đã có sự chuyển biến tích cực về mọi mặt, nhân viên làm việc hiệu quả hơn, đoàn kết với nhau hơn, tạo nên một tập thể vững mạnh.
Kết thúc năm 2018, FPT Retail ghi nhận doanh thu lũy kế 12 tháng đạt 15.298 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với năm 2017. Doanh thu online đạt mức 2.432 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 21%. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 348 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt 2,3% và tăng trưởng 20% so với năm 2017.
Trong năm 2018, tổng số lượng cửa hàng đạt 533 shop. Doanh số trung bình trên của hàng đạt 2,4 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.
FPT Retail đồng thời lọt vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018.
FPT Retail được thành lập từ một bộ phận bán lẻ của FPT. Giai đoạn đầu 2012, FPT đã có 5-7 cửa hàng bán lẻ nhưng chủ yếu làm “showroom” cho các hãng, nên chị mạnh dạn đề nghị với tập đoàn thành lập một công ty bán lẻ độc lập. Ngày 1/2/2012, FPT Retail chính thức ra đời nhằm thực hiện đề án chuỗi bán lẻ của tập đoàn.
Là người đến sau trên thị trường bán lẻ khốc liệt, FPT Shop, đặc biệt là ban lãnh đạo của thương hiệu này và chị Điệp, phải đứng trước áp lực kinh khủng.
Nhân sự cũng là một thách thức lớn khi đó là một trong 2 yếu tố chiếm chi phí nhiều nhất của cửa hàng, bên cạnh chi phí về địa điểm. Với các nhân viên cần có chế độ thưởng phạt rõ ràng để vừa khích lệ vừa giúp họ tự phát triển bản thân.
“Tôi nghĩ quan trọng nhất là sự chân thành. Khi thưởng hay phạt đều phải rõ ràng, tại sao thưởng, tại sao phạt. Trong quan điểm quản trị của tôi, những người cùng làm với tôi, cùng đi theo tôi thì tôi phải đảm bảo quyền lợi cho những người ấy. Đổi lại họ cũng biết là đi với chị Điệp có thể căng thẳng, bị áp lực, đòi hỏi nhiều thứ nhưng qua quá trình ấy họ sẽ trưởng thành”, chị chia sẻ.
Dưới sự lãnh đạo tài tình của “người đàn bà thép”, từ 2 cửa hàng ban đầu, đến nay FPT Shop đã có hơn 500 cửa hàng trên cả nước. Nhìn lại khoảng thời gian 7 năm hình thành và phát triển, chị Điệp cho rằng kết quả trên không phải quá tệ. Tuy nhiên, mọi người, đặc biệt bản thân chị còn phải cố gắng để đưa thương hiệu đạt được những cộc mốc mới.
Chưa dừng lại ở mảng bán lẻ thiết bị số, FPT Retail còn nhảy vào mảng bán lẻ dược phẩm sau khi mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu. Cũng trong năm 2018, doanh nghiệp này chính thức công bố thành lập công ty con là Công ty Cổ phần dược phẩm FPT Long Châu (FPT Pharma) có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Tham vọng của FPT Retail là đến năm 2022 sẽ mở thêm 100 nhà thuốc, kiểm soát 30% thị phần thị trường dược phẩm tại Việt Nam.
CEO Nguyễn Bạch Điệp cho biết, những kinh nghiệm quản lý hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ các thiết bị kỹ thuật số sẽ giúp FPT Retail đạt được tham vọng của mình.
So về doanh thu, Long Châu đang có một điểm mạnh hơn với các nhà thuốc khác là thuốc kê toa. Lượng thuốc kê toa của nhà thuốc này cao hơn gấp 6 - 7 lần các nhà thuốc bình thường và giá của Long Châu rẻ hơn thị trường khoảng 20%. Trong đó, 60% doanh thu của Long Châu đến từ tân dược, còn lại từ mỹ phẩm, trang thiết bị y tế hoặc đến từ thực phẩm chức năng. Các nhóm hàng này mang lại lợi nhuận cao hơn thuốc.
"Khi mình đã chọn, tức là khi công ty đã chọn bạn và bạn đã đồng ý ngồi vào vị trí này, bạn phải làm hết sức ở vị trí đó. Bạn không thích thì phải đứng lên. Và nếu bạn đã chọn thì đừng than vãn. Tập trung làm tốt việc của mình, chỉ có như vậy thì mới phát triển được", chị Điệp nói.
Chị Phạm Phương Thảo – CEO chuỗi thực phẩm hữu cơ Organica
Năm 2011, khi mang thai cậu con trai đầu lòng, việc lựa chọn thực phẩm trở nên cực kỳ quan trọng. Cô gái 8X Phạm Phương Thảo khi đó cảm thấy vô cùng lo lắng khi những thông tin về “thực phẩm bẩn” tràn ngập. Thảo tra cứu mọi địa chỉ bán thực phẩm an toàn tại TP.HCM nhưng cửa hàng thì ít, sản phẩm lại rất hạn chế.
Lúc đó, một ý tưởng bỗng vụt qua trong đầu: hay là mở một cửa hàng kinh doanh TPHC, nhất là nguồn rau hữu cơ. Nhưng, nghĩ là một chuyện, khi bắt tay vào mới thấy mọi thứ quả không hề đơn giản.
Phạm Phương Thảo - CEO chuỗi thực phẩm hữu cơ Organica. |
Thảo nhớ lại, năm 2013, chị thuê một cửa hàng nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), nhưng cửa hàng không đi vào hoạt động ngay mà đóng cửa hai tháng để đi tìm nguồn hàng. Thời gian này, việc tìm nguồn hàng mất khá nhiều thời gian vì nguồn cung ít ỏi, chủng loại sản phẩm cũng ít ỏi.
Nghĩ có thể phải lâm vào bế tắc, may mắn thay tình cờ Thảo đọc báo thấy có giảng viên Đại học Kinh tế làm luận án thạc sỹ về mô hình trồng rau hữu cơ, vườn của chị trồng cạnh sân bay Tân Sơn Nhất. Thảo lập tức liên hệ để lấy nguồn rau về bán.
Sau hai tháng kinh doanh, một người khách tự xưng là chủ trang trại rau từ Đà Lạt và đang trồng theo hướng hữu cơ, có ớt chuông, cà chua, một số loại xà lách cần bán. Mừng như vớ được vàng, Thảo hẹn gặp và lên thăm trang trại, sau đó quyết định đem hàng về bán.
Organica ban đầu chỉ gom tất cả các sản phẩm hữu cơ trong nước về bán cho những bà mẹ mang thai hay những ai muốn dùng nguồn thực phẩm an toàn. Thảo kể, không ít khách hàng hỏi chị: “Căn cứ vào đâu để tin sản phẩm của cô là hữu cơ? Giấy chứng nhận đâu?”.
Organica có gần 1.000 mặt hàng có chứng nhận hữu cơ các loại bao gồm các loại thực phẩm tươi, thực phẩm khô, các loại gia vị hữu cơ, mỹ phẩm hữu cơ, sản phẩm chăm sóc gia đình đến các sản phẩm chăm sóc cá nhân làm từ bông (cotton) có chứng nhận hữu cơ quốc tế.
Hiện Organica đang làm việc với các đối tác tại Mỹ và EU để đưa về Việt Nam các sản phẩm hữu cơ còn thiếu tại Việt Nam để hoàn thiện các chủng loại sản phẩm hữu cơ đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Trong số những nông dân mà chị hợp tác, cũng có người hỏi ngược: “Không dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ thì tôi trừ sâu, diệt cỏ bằng tay à? Có nhiều loại thuốc được hội khuyến nông cho dùng, sao lại không dùng?”.
Thảo quyết định phải lập một trang trại hữu cơ để giải quyết được những câu hỏi đó và bán cả căn hộ đang ở để lấy tiền đầu tư vào trang trại 2ha tại Đồng Nai. Năm 2015, trang trại của Thảo đạt chứng nhận hữu cơ của Tổ chức chứng nhận quốc tế Control Union.
“Đúng là giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy mình quá khó khăn về nguồn hàng và những ngày đầu tiên đó, dù có lọc rất kĩ, tôi vẫn không thể quản lý hết được quy trình và chất lượng của sản phẩm. Qua vài lần hợp tác với nông dân, tôi biết, mình không thể tiếp tục nếu cứ làm mà không định hướng rõ tiêu chuẩn và phải quản lý được tiêu chuẩn đó.
Mọi mối quan hệ với nông dân khi đó chỉ dựa trên các nguyên tắc 5 không: thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng và bảo quản, giống biến đổi gen… Nhưng khi nông dân gặp vấn đề và cần trợ giúp, tôi cũng không có giải pháp cho họ. Vì thế, chỉ có hủy bỏ vườn khi cây bị sâu bệnh. Rất nhiều lần, tôi âm thầm mang các mẫu rau củ đi test, tiền bán hàng không bù nổi số tiền trả cho phòng thí nghiệm. Và tôi biết, đây không phải là cách làm đúng”, CEO 8X nhớ lại.
Xác định phải tự đầu tư trang trại riêng mình của Thảo xuất phát từ suy nghĩ có như thế mới chủ động theo đúng mọi quy trình của canh tác hữu cơ, hơn nữa trang trại đó phải đạt được chứng nhận hữu cơ quốc tế.
Đang loay hoay chưa biết tìm đâu mảnh đất để làm trang trại, Thảo may mắn được một người bạn là chủ trang trại ở Đồng Nai cho biết anh có một mảnh đất rộng 2ha ở Long Thành đã bỏ không cả chục năm nay. Vậy là quyết định làm trang trại. Cũng phải mất hơn hai năm sau, đến tháng 11/2015, trang trại mới đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Liên minh châu Âu (EU) cấp chứng nhận đạt chuẩn organic.
Khởi nghiệp bao giờ cũng khó khăn, cho đến bây giờ dù đã có chỗ đứng trên thị trường, được một bộ phận người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng sản phẩm thường xuyên, nhưng con đường mà Phạm Phương Thảo đang đi vẫn chồng chất những khó khăn mà nếu không có niềm tin, không có sự đam mê, quyết tâm thực hiện, chắc chắn người đi sẽ có lúc dừng lại.
Nhưng Thảo tâm sự rằng: mỗi khi nghĩ về những giai đoạn đã trải qua chị thấy nhiều khó khăn đến mức không muốn nhắc lại; thậm chí, đến mức chị tưởng không có khó khăn nào lớn nhất vì chị đang sống trong những khó khăn, đã quen với khó khăn.
“Rất nhiều lúc tôi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi đến mức muốn bỏ hết tất cả. Thậm chí có lúc nằm xuống ngủ tôi nghĩ nếu như mình ngủ luôn thì có khi sẽ được giải thoát. Kinh doanh là vậy, kinh doanh đầu tư cả vào trồng rau lẫn mở cửa hàng còn khó hơn”. Thảo chia sẻ. “Nhưng tôi không thể bỏ được vì công sức mình đã bỏ ra bốn năm qua, bao nhiêu nhân viên gắn bó với công ty, những gia đình nông dân chia sẻ với tôi từ khi làm ở trang trại Organica họ mới thực sự được sống trong môi trường trong lành và ăn rau sạch dù trước kia họ trồng rau bán ngoài chợ.
Niềm tin của người tiêu dùng đến với chúng tôi từ những ngày đầu chỉ là một cửa hàng nhỏ với vài ba chục mặt hàng. Những điều đó đã thúc đẩy tôi đứng dậy và bước tiếp”.
CEO chuỗi thực phẩm hữu cơ khẳng định, Không có hàng chất lượng mà giá rẻ. Cái gì nhanh quá cũng không bền vững, và chất lượng thực sự nằm ở lòng tự trọng của người sản xuất, nhất quán trong hành động, và ở sự tích lũy qua thời gian chứ không đơn thuần chỉ là lời hứa.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết - CEO Lavite
Tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành công nghệ sinh học, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Tuyết cùng một nhóm giảng viên đại học thành lập Công ty CP Công nghệ Gen-Viet Tất Thành với định hướng mang khoa học ứng dụng vào đời sống để sản xuất những sản phẩm “made in Vietnam” có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Một trong những sản phẩm thành công nhất của Gen-Viet lúc đó là trà khổ qua Karantina giúp cải thiện sức khỏe bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, kháng virus, ngừa ung thư hay giải độc gan.
Để tiết kiệm chi phí và đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, họ tự trồng khổ qua, lá bạc hà và cỏ ngọt. Gen-Viet đã chọn Global GAP là tiêu chuẩn cho nguyên liệu đầu vào mà công ty cần phải đạt đến và được công nhận.
Tuy nhiên, nghiên cứu thuận lợi nhưng nhóm lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm kênh phân phối và hoạch định tài chính. Bên cạnh đó, việc chưa có kinh nghiệm định giá sản phẩm nên chỉ dựa trên chi phí sản xuất chứ chưa tính đến chi phí bán hàng, marketing… khiến công ty liên tục bù lỗ. Cuối cùng, Gen-Viet tan rã.
Hiện Lavite đã có một trang trại trồng dâu tằm rộng hơn 5ha, một trang trại rộng 12ha trồng rau quả thảo dược cùng nhà máy sấy dược liệu tại Đồng Nai, vườn nuôi cấy đông trùng hạ thảo tại Đà Lạt, nhà máy chế biến nông sản sấy và nước uống dinh dưỡng tại KCN Phan Thiết, Bình Thuận.
“Thất bại ít khi làm nản lòng nhà khoa học, bởi họ luôn có niềm đam mê lớn là mang những sản phẩm chất lượng đến với thị trường. Và họ cũng dễ đồng cảm với những người kinh doanh đặt chữ “tâm” lên hàng đầu. Vì vậy, tôi đã nhanh chóng tìm thấy ba người bạn đồng hành khác sau khi “chia tay” nhóm Gen-Viet”, ThS. Tuyết nói.
Công ty TNHH Lavite ra đời, sở hữu các thương hiệu đông trùng hạ thảo Hecotr, thanh long sấy Lavite cùng nhiều thực phẩm chức năng chiết xuất từ đinh lăng, gừng, nghệ, khổ qua, đậu bắp, chùm ngây và các loại thực phẩm sấy khác.
Nhờ kinh nghiệm lâu năm trong ngành, chị Tuyết mày mò tìm hiểu các tài liệu khoa học và quyết định áp dụng công nghệ Nhật Bản vào việc nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên do môi trường, khí hậu khác nhau nên phải sau gần 2 năm, tiêu tốn không biết bao nhiêu chi phí cho công tác thí nghiệm, đội của chị mới tạo ra được quy trình chuẩn cho sản phẩm.
Chị giải thích: “Chúng tôi tự sản xuất mới đảm bảo được đúng loại tằm cổ kén vàng cho cây nấm có hàm lượng dược chất cao. Dâu phải tự trồng để đảm bảo lá dâu sạch, không bón phân, thuốc hóa học, tằm ăn mới tốt và nấm đạt chất lượng cao hơn. Theo công thức của Nhật Bản, chúng tôi xay con tằm thành bột, rồi lấy bột đó chế biến thành môi trường thức ăn nuôi nấm đông trùng hạ thảo phát triển nên chất lượng tốt và năng suất cũng đạt”.
Chị Tuyết và ba cộng sự. |
Con đường khởi nghiệp thường không trải hoa hồng. Vốn, thị trường, tồn kho… luôn là những “chướng ngại vật” Lavite phải nỗ lực vượt qua. Tuy nhiên, sản phẩm thanh long sấy Lavite không chỉ được khách hàng trong nước khen ngợi mà đã có mặt trên kệ trong các chuỗi siêu thị ở Canada.
Mẹ bỉm sữa dẫn hai con lên Shark Tank gọi vốn cho startup thực phẩm hữu cơ, các “cá mập” tranh nhau đầu tư
Mẹ bỉm sữa dắt hai con nhỏ lên Shark Tank gọi vốn khởi nghiệp với thực phẩm hữu cơ khiến các “cá mập” tranh nhau đầu tư.