Thưa Giáo sư Phạm Thị Thùy, vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay, như phản ánh trên báo chí là rất đáng lo ngại, GS có ý kiến thế nào về việc này ạ?
- Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong những năm qua và hiện nay đang là vấn đề rất nóng của toàn xã hội như báo chí đã phản ánh là đáng lo ngại bởi nó tác động trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của xã hội, vì vậy quản lý chất lượng VSATTP là yêu cầu cấp bách và mang tính chiến lược. Theo thống kê của Bộ Y tế từ năm 2007- 2017, mỗi năm trung bình ở nước ta có khoảng 40.000 người ăn thức ăn bị nhiễm độc, trong đó có 46-50 ca tử vong. Các loại thực phẩm rau, quả có nguy cơ cao về mất VSATTP là do nạn lạm dụng hóa chất, còn trong chăn nuôi thì nông dân lạm dụng thuốc tăng trọng, chất kháng sinh...
Hỏi người bán hàng về nguồn gốc để lựa chọn được thực phẩm an toàn |
Trước tình hình đó, Chính phủ cũng đã đưa ra một loạt các chính sách để phát triển sản xuất rau an toàn. Ngay từ năm 2008 bộ tiêu chuẩn VietGAP đã được ban hành và áp dụng, trong quá trình áp dụng mặc dù nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ cho nông dân, nhưng chương trình mới chỉ triển khai ở quy mô nhỏ và đến nay sản xuất VietGAP vẫn chưa khẳng định được tính bền vững.
Về sản xuất rau hữu cơ thì đã được một số tổ chức như ADDA của Đan Mạch, JICA của Nhật Bản… giúp đỡ và bước đầu đã có một số hợp tác xã áp dụng thực hiện như xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội và xã Thành lập, Lương Sơn, Hòa Bình theo hệ thống quản lý chất lượng, đó chính là hệ thống đảm bảo cùng tham gia - Participatory Guarantee System (PGS), đây là một hướng quản lí mới về VSATTP, có một vài cửa hàng phân phối rau hữu cơ như Bác Tôm, Tràng An… nhưng trên thực tế cũng chưa đáp ứng để những người tiêu dùng tin cậy.
Nếu cần cảnh báo người dân, GS sẽ nói với họ thế nào?
- Tôi sẽ nói với người dân phải yên tâm và lựa chọn những cơ sở tin dùng, có thể trong siêu thị, cửa hàng và chợ. Để mua các loại rau phù hợp để ăn, nên lựa chọn những loại củ, quả đã được công nhận sản xuất VietGAP hoặc hữu cơ. Theo tôi thì người tiêu dùng không nên mua các loại rau, quả trôi nổi ngoài thị trường khi không rõ nguồn gốc để tránh những hậu quả khó lường xảy ra.
Thưa GS, những cửa hàng rau hữu cơ mọc lên khắp nơi, người dân thường phân vân không biết có nên tin hay không trước những giới thiệu có vẻ khoa học về các loại rau này. Nhưng ngay cả khi chấp nhận ăn rau với giá đắt đỏ, cảm giác an toàn vẫn rất mong manh. Bà đã từng có những công trình nghiên cứu rất sâu trong lĩnh vực này, bà có thể cho bạn đọc tạp chí Phụ nữ Mới biết thế nào là rau hữu cơ, hoặc ít ra là rau an toàn, cho bữa ăn gia đình của họ không ạ?
- Đúng như vậy, hiện nay có nhiều cửa hàng rau hữu cơ tùy tiện mọc lên ở khắp mọi nơi mục đích để họ bán được cho người tiêu dùng, tuy nhiên có nhiều cửa hàng ngụy biện mà giới thiệu rau hữu cơ có vẻ rất khoa học như nhà đã nêu. Để xác thực là cửa hàng rau đó có phải hữu cơ hay không thì người dân phải hỏi nguồn gốc rau ấy trồng ở đâu? Có nhãn mác do hệ thống PGS cấp không? Nếu không có thì không phải rau hữu cơ và người dân không nên mua. Như trên tôi đã nêu, hiện ở Hà Nội chỉ có một vài cửa hàng như Tràng An, cửa hàng Bác Tôm… lấy rau ở xã Thanh Xuân, Sóc Sơn được sản xuất theo PGS, nhưng số lượng rau cũng rất ít, không đủ cung cấp cho người tiêu dùng.
GS.TS Phạm Thị Thùy (áo trắng,đứng giữa) hướng dẫn phun chế phẩm nấm Nomuri trừ sâu hại rau hữu cơ ở Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội |
Là chuyên gia chuyên nghiên cứu về những chế phẩm sinh học trong bảo vệ thực vật, tôi luôn tâm huyết và mong muốn ở Việt Nam phải sản xuất được rau an toàn và rau hữu cơ cho người dân sử dụng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được, vấn đề VSATTP vẫn còn là mối băn khoăn lo lắng của người tiêu dùng. Theo tôi có một số nguyên nhân sau:
- Nhà nước vẫn còn cho nhập nhiều loại hóa chất trong bảo vệ thực vật (BVTV) vào Việt Nam để vừa tiêu diệt sâu bệnh, vừa kích thích sinh trưởng và ra hoa trái vụ…
- Nhận thức và ý thức của nông dân còn thấp, sản xuất không tuân thủ theo các tiêu chuẩn của VietGAP và hữu cơ đưa ra, mặt khác các mô hình còn nhỏ lẻ, manh mún.
- Cán bộ kỹ thuật thường thiếu kiểm tra giám sát vì vậy việc thực hiện không thành công.
Là một nhà khoa học, và hiện là Giám đốc Trung tâm sinh học nông nghiệp và bảo vệ môi trường, bà có thể nói đôi chút với bạn đọc về bản thân với công việc mà bà yêu thích cũng như những khó khăn đã gặp phải trong cuộc đấu tranh (có lẽ phải dùng từ như vậy) vì nền nông nghiệp sạch an toàn ở Việt Nam không ạ?
- Là nhà khoa học với 42 năm công tác, chuyên nghiên cứu về các chế phẩm sinh học trong bảo vệ thực vật và hiện đang làm Giám đốc Trung tâm sinh học nông nghiệp và bảo vệ môi trường, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, có chức năng và nhiệm vụ tư vấn nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học trong nông nghiệp vào sản xuất hữu cơ trên toàn quốc, tôi khẳng định rằng có thể không cần sử dụng hóa chất trong BVTV mà thay vào đó là các chế phẩm sinh học để điều khiển thiên địch trong tự nhiên, nhằm nâng cao sự hiện diện của thiên địch và làm cân bằng sinh thái trong tự nhiên. Muốn làm được như vậy đòi hỏi mỗi cán bộ kỹ thuật BVTV, cán bộ khuyến nông và nông dân phải có trách nhiệm cao và tâm huyết với việc sản xuất VietGAP và hữu cơ theo các tiêu chuẩn trên thì mới mong vấn đề VSATTP nước ta thành công.
Nhiệm kỳ 2012-2017, cá nhân tôi đã từng làm Phó Chủ tịch Hiệp Hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Hợp tác quốc tế, trực tiếp phụ trách hệ thống PGS trong sản xuất hữu cơ. Nhưng thời gian qua như người dân phản ánh, đã có những sản phẩm được chứng nhận là hữu cơ nhưng không phải sản xuất theo hữu cơ và chính những sản phẩm đó đã lừa dối người tiêu dùng. Trong quá trình thực hiện chúng tôi đã đấu tranh loại trừ một số cửa hàng tự ghi PGS hữu cơ như MR. Sạch… và một số doanh nghiệp thực hiện theo hướng hữu cơ đã được các Hiệp hội xác nhận. Với chức năng phụ trách khoa học, tôi rất xấu hổ sự việc trên và xin khẳng định lại với người tiêu dùng là hiện ở Việt Nam vẫn chưa có một tổ chức nào được Nhà nước cho phép chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Do vậy tôi rất mong người tiêu dùng hãy xem xét kỹ nguồn gốc các sản phẩm rau, quả an toàn theo VietGAP và hữu cơ PGS để mua, nhằm tránh mua phải những thứ sản phẩm không an toàn và không phải hữu cơ.
Xin cảm ơn bà!
Thực phẩm hết hạn, đâu là cách nhận biết?
Ăn thực phẩm hết hạn sử dụng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, vì thế nhận biết thực phẩm hết hạn không đơn giản. Đây là mẹo nhận biết.