HSBC: Việt Nam gặt hái nhiều lợi ích trong năm 2021 nhờ khống chế đại dịch COVID-19

Nhà kinh tế của HSBC cho biết, Singapore và Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát COVID-19 vào năm 2020 và có khả năng giữ vững tinh thần trong năm tới.

Trong cuộc trao đổi với CNBC, Joseph Incalcaterra của HSBC Global Research cho biết: “ Việt Nam Singapore có lẽ là hai cái tên nổi bật nhất khi trả lời câu hỏi, quốc gia Đông Nam Á nào có thể kiểm soát COVID-19 và triển khai vaccine một cách suôn sẻ trong năm tới".

Singapore “đã kiểm soát được những đợt bùng phát trước đây. Và vào thời điểm mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang thực sự thắt chặt các hạn chế thì Singapore lại đi theo hướng ngược lại”, nhà kinh tế trưởng ASEAN nói với CNBC vào hôm 29/12.

Trong tuần này, Singapore đã bước vào giai đoạn thứ ba của quá trình mở cửa trở lại và hiện cho phép tụ tập tám người, tăng từ năm người so với trước. Đồng thời, các điểm thu hút khách du lịch có thể tăng công suất hoạt động từ 50% lên 65% sau khi được chính quyền phê duyệt.

Incalcaterra cho biết, Singapore cũng có một chiến lược vaccine hiệu quả. Ông nói: “Nhờ dân số tương đối ít nên triển vọng vào năm 2021 của Singapore là cực kỳ tươi sáng, theo các tiêu chuẩn tương đối".

Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết sẽ có đủ vaccine cho “mọi người ở Singapore” vào quý III/2021. Quốc gia này là nước đầu tiên ở châu Á nhận được lô hàng vaccine Pfizer-BioNTech vào ngày 21/12/2020.

  Trong khi các quốc gia khác phải tăng cường các hạn chế vì COVID-19 thì Singapore đã có thể nới lỏng các quy định phòng dịch. Ảnh: Getty 

Trong khi các quốc gia khác phải tăng cường các hạn chế vì COVID-19 thì Singapore đã có thể nới lỏng các quy định phòng dịch. Ảnh: Getty 

Incalcaterra của HSBC cũng ca ngợi Việt Nam trong việc xử lý COVID-19 và cho biết, cách ứng phó với đại dịch cho phép quốc gia này duy trì danh tiếng là “điểm đến rất tốt” cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việt Nam được coi là một trung tâm sản xuất thay thế cho các công ty muốn chuyển ra khỏi Trung Quốc.

Ông nói: "Chúng tôi nhận thấy rằng, thực tế, FDI đổ vào Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ trong năm nay", Incalcaterra cho biết năm 2020 là một năm khó khăn với phần lớn thế giới nhưng Việt Nam dường như đã vượt lên trên tất cả trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, nhìn chung, Đông Nam Á có thể không được hưởng lợi từ vaccine trong tương lai gần, do những khó khăn về hậu cần ở các vùng nông thôn trong khu vực. Ông nói: “Rất khó để phần đông dân số được tiêm chủng vào năm 2021".

Incalcaterra cũng cho biết, Đông Nam Á đã bị “ảnh hưởng rất nặng nề” trong năm nay. Mặc dù xuất khẩu điện tử “tương đối sáng sủa” nhưng tiêu dùng và đầu tư khó có thể phục hồi nhanh.

Ông cho biết, các quốc gia đã theo đuổi “các chương trình cơ sở hạ tầng rất tham vọng” để biến đất nước trở thành “cơ sở sản xuất chế tạo đáng tin cậy”. Tuy nhiên, các dự án này đã bị đình trệ vì COVID-19.

“Khi virus được kiểm soát thì động cơ đầu tư mới lấy lại động lực. Tôi nghĩ đó là trở ngại ngắn hạn lớn nhất đối với tăng trưởng ở Đông Nam Á”, ông Incalcaterra nói thêm.

NHẬT SANG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương